Từ Diên Khánh, đi dọc theo quốc lộ này, chúng tôi nhận thấy bắt đầu từ Km10 có những điểm hư hỏng nặng. Trong đó, xuống cấp nghiêm trọng nhất là đoạn giao giữa 2 huyện Khánh Vĩnh - Diên Khánh.
|
Những ổ gà, ổ voi chi chít trên đường. |
Ghi nhận tại hiện trường thì cứ vài trăm, thậm chí vài chục mét là trên mặt đường lại xuất hiện những ổ voi, ổ gà rộng và sâu, nhiều điểm lồi lõm như bẫy người đi đường. Chỉ cần thiếu quan sát là các phương tiện có thể hỏng hóc thậm chí gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Theo những người dân sống dọc hai bên thì họ không đếm xuể số vụ tai nạn xảy ra.
Không chỉ ổ voi, ổ gà, mặt đường ở những địa điểm này còn chi chít những vết vá theo kiểu đối phó, không chắc chắn. Lớp đá lồi hẳn lên trên tạo thành những điểm gồ ghề. “Nói là vá, sửa chữa nhưng chỉ được nửa tháng đến 1 tháng là điểm sửa chữa đó hư hỏng lại. Có khi còn hỏng nhiều hơn lúc chưa sửa. Không biết sửa kiểu gì”, anh Trần Văn Quốc (40 tuổi, trú xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh) trình bày.
|
Mặt đường bong tróc thành những mảng lớn. |
Tuyến đường này tương đối rộng và thông thoáng nên các phương tiện lưu thông với tốc độ cao. Khi nhìn thấy những ổ voi, ổ gà sâu hoắm, chằng chịt trên mặt đường các bác tài phải bất ngờ đánh tay lái né tránh, lấn qua phần đường của phương tiện khác. Đây cũng chính là lý do dẫn đến tai nạn giao thông.
Chị Trần Võ Đoan Thụy (xã Sông Cầu) cho biết: “Cách đây nửa tháng, có 2 người đi xe máy vì né ổ gà rồi lách qua phần đường xe ô tô. Trong lúc đó, xe ô tô đi từ sau tới nên hất văng 2 người này tử vong tại chỗ. Nói đâu xa chứ 2 vợ chồng tôi cũng là nạn nhân. Bữa đó chúng tôi đi xe máy bị sụp ổ gà ngã chổng kềnh. Cũng may là không có xe từ phía sau đi tới”.
Trao đổi với PV, ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 cho biết, đang hợp đồng với 2 nhà thầu là Cty CP Quản lý & Xây dựng đường bộ Khánh Hòa (đoạn Km 00 - Km 34) và Cty TNHH Công trình xây dựng miền Trung (Km 34 - Km 65) để duy tu, bảo dưỡng. Vào thời điểm PV có mặt thì các công ty đang tiến hành thi công. Tuy nhiên, họ làm rất sơ sài. Chủ yếu dùng đá dăm trải, nhựa đường thì rất ít. Chỉ cần dùng que cũng có thể thọc sâu xuống vì không có độ kết dính. Phải chăng việc bảo dưỡng chỉ làm để đối phó?
Theo Lê Khánh/NNVN