|
Ảnh minh họa. |
Một lời phát biểu thẳng thắn và rất đúng dù nghe mà đau xót. Đó là lý do vì sao bao nhiêu phần trăm công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Đó là lý do vì sao đội ngũ công chức yếu kém, ngành nào cũng gặp vấn đề về quản lý.
Đúng vì đó là thực tế quá rõ ràng. Các công ty nước ngoài, các cơ sở tư nhân cần những người làm việc thực sự, họ tuyển dụng theo các tiêu chuẩn của họ, xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra để trả lương, nó ảnh hưởng đến hiệu quả của công ty, vậy ai dại gì đi tuyển người có bằng giả vào làm gì.
Bằng giả ta vẫn hiểu là những người không học mà vẫn mua được bằng. Nhưng ngay cả những người ngồi chễm chệ trong giảng đường đại học 5 năm, ra trường cũng lấy bằng đàng hoàng mà kiến thức thì hổng, thực tế thì mù tịt, không làm được việc, thì tấm bằng của họ cũng nên được coi là bằng giả.
Mới rồi, bà cô họ tôi ở quê gọi điện bảo, em nó mới ra trường, anh chị xem có chỗ nào xin cho nó vào biên chế. Hết bao nhiêu tiền cũng phải lo cho em. Tôi nghe mà phát hoảng. Ở nông thôn, chả mấy khi ra thành phố vậy mà bà cũng biết muốn xin việc là phải mất tiền. Chắt chiu từng đồng, từng hào, vậy mà người ta sẵn sàng bỏ ra cả mấy trăm triệu để chạy việc thì đủ thấy cái sự chạy việc này đã phổ biến đến mức nào. Tôi phải bảo, sắp có chủ trương giảm 100.000 biên chế đấy, chạy vào chỗ nào rồi sang năm người ta cho nghỉ việc thì mất tiền oan à. Chả biết bà có sợ không hay lại trách chúng tôi kiếm cớ thoái thác.
Thực ra chuyện này chẳng có gì lạ, vì từ lâu người dân đã biết cả rồi, chạy vào chỗ này chỗ kia là bao nhiêu tiền, thi công chức là bao nhiêu tiền, mua bằng tốt nghiệp đại học là bao nhiêu tiền, bằng thạc sĩ, tiến sĩ là bao nhiêu... người ta đều biết cả, nhưng lần đầu tiên nó được một vị lãnh đạo cấp cao thừa nhận như thế, cũng là điều đáng bàn. Và từ chỗ thẳng thắn thừa nhận này cũng hy vọng rồi sẽ có sự thay đổi.
Minh Anh