Trong cuộc làm việc của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình với tỉnh Quảng Trị ngày 22/10, thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đề cập đến việc “cán bộ cấp cơ sở chia nhau lương khô cứu trợ làm quà”, đồng thời nhắc nhở, lưu ý địa phương không được để xảy ra hiện tượng này.
Phát ngôn này ngay lập tức gây chú ý trong dư luận. Bên hành lang Quốc hội chiều 23/10, thượng tướng Lê Chiêm giải thích rõ hơn phát ngôn của mình.
- Tôi là dân miền Trung, việc cứu hộ, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cứu nạn ở địa bàn miền Trung rất nhiều cấp, từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp quân khu và Bộ Quốc phòng. Các lần giải quyết nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn sau những đợt bão lụt, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là quân đội đã tham gia tích cực, từ cơ sở vật chất đến lực lượng, con người, phương tiện. Họ luôn có mặt kịp thời để tham gia cùng lãnh đạo chính quyền địa phương và các đơn vị để cả hệ thống chính trị tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Cái này được nhân dân đánh giá rất tốt. Nhưng vấn đề rút ra là việc đưa hàng cứu trợ đến người dân có nơi, có lúc không tổ chức chặt chẽ, không đến nơi đến chốn, hàng không đến người dân, thời gian chậm, chất lượng thấp.
|
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: TTXVN. |
Ngoài ra, có tình trạng sử dụng hàng hóa ở một số địa phương không đúng mục đích. Hàng cứu trợ được đưa vào kho dự trữ rồi sau hết đợt lũ lụt mới đưa ra, lúc đó không hiệu quả, không có tác dụng, đồng thời hàng hóa xuống cấp. Cấp phát cho dân thế là không tốt.
Vấn đề nữa là có nơi, một số người đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn sử dụng hàng đó không đúng mục đích, ví dụ lấy một số hàng hóa chuyển đến nơi không đúng đối tượng. Như lương khô sử dụng cho cán bộ làm quà, bánh kẹo sử dụng cho các mục đích khác, rồi hàng cao cấp không được chuyển đến nơi cần nhất là người dân bị thiệt hại. Cái này cần phải khắc phục.
Qua khảo sát của chúng tôi, hiện hàng hóa ứ đọng lại rất nhiều, đặc biệt là hàng hóa của các địa phương khác đưa tới Quảng Trị, Quảng Bình. Hàng hóa ứ đọng không vận chuyển được đến nơi người dân cần, lý do không có phương tiện và phương pháp thực hiện không khoa học, các tổ chức của các địa phương chưa có lực lượng tiếp nhận, phân phối hàng kịp thời.
Thời gian tới đề nghị địa phương chú ý, dân cần nhất là nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt, thuốc men phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đời sống lâu dài cho họ. Đặc biệt không để dịch bệnh xảy ra với người và gia súc, gia cầm ở địa phương, tạo không khí tốt nhât để dân giải quyết hậu quả của thiên tai.
- Vậy chuyện cán bộ cơ sở lấy lương khô cứu trợ chia nhau làm quà xảy ra cụ thể ở địa phương nào, thưa ông?
- Tôi là người tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt ở nhiều cấp, nhiều năm, tình trạng đó xảy ra là có, nhưng không nói cụ thể địa phương nào.
Đây là vấn đề cảnh tỉnh và phải chấn chỉnh ngay đối với cán bộ cơ sở, kể cả lực lượng vũ trang. Nói chung, tất cả hàng hóa của nhân dân, Nhà nước, quân đội phải được chuyển tới người bị thiệt hại đang cần chứ không phải cấp cho người khác.
Hiện tượng này không phải mới mà đã xảy ra những năm vừa qua.
Còn trong đợt mưa lũ này, đến nay chưa phát hiện tình trạng này, nhưng đây là cảnh báo. Chúng tôi cũng rút ra bài học sau các đợt lũ lụt đều có tình trạng đó, bớt xén chế độ, hàng cứu trợ.
Tôi nhắc lại, đây là lời cảnh tỉnh để lãnh đạo các địa phương phải có trách nhiệm ngăn chặn ngay, giúp hàng hòa phải đến người dân được hưởng.
Trực thăng sẵn sàng chuyển hàng cứu trợ đến vùng bị cô lập
- Bộ Quốc phòng đã có quyết định xuất cấp hàng chục tấn hàng viện trợ đến các tỉnh chịu thiệt hại bởi mưa lũ, số hàng này đã đến các địa phương chưa, thưa ông?
- Sáng nay, hàng viện trợ của Bộ Quốc phòng đã vào các tỉnh như Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình.
Các lực lượng đang chuyển hàng đó xuống từng địa bàn.
- Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã sử dụng trực thăng. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả cứu trợ qua các chuyến bay này?
- Hiện hàng hóa biện trợ đang được chuyển lên máy bay để sẵn sàng cứu trợ ở những nơi cần thiết. Ở sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Nghệ An, trực thăng của Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng để làm nhiệm vụ đó. Lực lượng quân đội lúc nào cũng sẵn sàng, nhưng trực thăng cứu trợ phải trong điều kiện thời tiết cho phép, còn khi thời tiết phức tạp thì rất khó.
|
Hàng cứu trợ được đưa đến cho bà con vùng lũ. Ảnh: Phạm Trường. |
- Với các địa bàn hiện còn bị cô lập do nước lũ, phương án đưa trực thăng tiếp cận để chuyển hàng cứu trợ được Bộ Quốc phòng tính toán như thế nào?
- Chúng tôi chưa thống kê hết các địa bàn bị cô lập, nhưng các địa phương nắm rất chắc. Vẫn còn nhiều nơi trong tình trạng này, như hôm qua ở Tây Giang (Quảng Nam) còn 3 xã chưa tiếp cận được, rồi Nghệ An, Hà Tĩnh mỗi tỉnh còn 4-5 xã.
Trong mưa lũ chỉ có thể tiếp cận bằng đường hàng không, nhưng nếu thời tiết không tốt cũng không dám bay. Trong khi đó, tàu thuyền chạy cũng rất khó khăn, phải đảm bảo an toàn mới tiếp cận được.
Hôm nay thời tiết có nắng nên tất cả phương tiện có thể sẽ tiếp cận được vùng bị cô lập. Trong ngày hôm nay có 4-5 chuyến máy bay tiếp cận, đưa hàng viện trợ để kịp thời cung cấp lương thực thực phẩm, đảm bảo người dân không bị đói, rét.
Phải đưa hàng đến tận tay người dân
- Với kinh nghiệm nhiều năm cứu hộ, cứu nạn, theo ông, làm sao để công tác này đảm bảo an toàn và luôn đạt hiệu quả cao nhất?
- Biện pháp tốt nhất là lãnh đạo địa phương các cấp phải vào cuộc, tổ chức bộ phận tiếp nhận và phân phối, đưa ngay hàng hóa cứu trợ về vùng cần tiếp nhận. Ví dụ, ở những vùng hàng cứu trợ của các tổ chức không thể băng rừng, vượt núi, vượt sông suối đi vào được thì các tổ chức ở địa phương phải làm được việc đó. Đặc biệt là quân đội, công an, dân quân tự vệ… cần đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận và dẫn đường mang hàng hóa vào.
Song, thực tế vẫn còn những vùng người dân chưa tiếp cận được hàng cứu trợ, trong khi hàng vận chuyển ùn ứ trên đường lại rất nhiều.
Tất cả nơi xảy ra bão lũ như Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… đều có tình trạng này. Đó là vấn đề mà chính quyền địa phương cần nhanh chóng tập trung lực lượng giải quyết.
Về phía quân đội vừa rồi đã cấp hàng loạt phương tiện vận chuyển, như canô, các loại phương tiện nhỏ để các lực lượng tham gia vận chuyển hàng hóa đưa vào vùng lũ. Trong khi lực lượng bộ đội vận chuyển, trực tiếp khiêng vác hàng, trực thăng của lực lượng phòng không - không quân cũng đã chuyển 5 chuyến hàng xuống Quảng Trị. Nhưng quan trọng là quản lý hàng hóa quản lý thế nào.
Người đi cứu trợ muốn đưa hàng trực tiếp đến người dân thì các lực lượng nên đóng vai trò dẫn đường, vận chuyển hàng, đưa vào vùng đang cần và chuyển hàng trực tiếp đến tay người dân.
Cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu thời bình của bộ đội, nhưng bộ đội không thể đơn độc làm được mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, chính quyền và lãnh đạo địa phương giữ vai trò rất quan trọng. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất cao với lãnh đạo chính quyền địa phương thì rất khó thực hiện.