Trước vụ việc phóng viên Lê Duy Phong vừa bị bắt vì tiêu cực ở Yên Bái, sau đó cơ quan điều tra cũng đang triệu tập thêm một số phóng viên có liên quan để làm rõ, là một người vừa làm báo, vừa làm công việc quản lý báo chí lâu năm, ông nghĩ gì thưa trung tướng?
- Việc nhà báo tống tiền, làm tiền dưới những hình thức khác nhau đã xuất hiện từ lâu. Từ hơn 20 năm trước cho đến nay không lúc nào là không xuất hiện việc nhà báo tiêu cực. Trong đời sống xã hội bao giờ cũng có những chuyện tiêu cực, sai phạm của cá nhân này, tổ chức kia. Khi đi tác nghiệp nhà báo có điều kiện tiếp cận, biết những sai phạm đó.
|
Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước, người có 40 năm làm báo và 20 năm làm Tổng Biên tập các tờ báo nói, báo hình của lực lượng công an. (Ảnh: IT). |
Tâm lý thông thường của những người vi phạm là đều ngại bị đưa lên báo nên họ cũng dễ chấp nhận điều kiện do nhà báo đưa ra để được yên chuyện. Từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới có tình trạng nhà báo không coi tiền lương, nhuận bút của tòa soạn làm nguồn thu nhập chính mà lấy khoản thu nhập chính từ việc “đánh đấm”.
Thuật ngữ "báo chí đánh hội đồng" tôi cũng biết từ lâu, nghĩa là các phóng viên tổ chức thành nhóm, như phóng viên của báo A, B, đài C, D, E... tập trung lại, phát hiện vi phạm ở đâu đó rồi bàn cách cùng “đánh”.
Còn dạng thứ hai là trong một đơn vị báo chí một số người câu kết thành hệ thống từ phóng viên đến lãnh đạo ban rồi đến lãnh đạo cao hơn, nghĩa là thành quy trình khép kín. Phóng viên phát hiện, nêu ra vấn đề với lãnh đạo trong ê kíp của mình rồi tổ chức đi “đánh”, gây sức ép với đối tượng, sau đó buộc đối tượng phải đưa tiền, rồi lấy tiền về chia nhau.
"Khi còn làm lãnh đạo Truyền hình CAND, tôi cũng đã thấy có hiện tượng "đánh hội đồng" và chúng tôi đã kiên quyết xử lý".
Thủ đoạn tiêu cực từ hoạt động báo chí có nhiều kiểu. Chẳng hạn như “bắn tin” để người có vi phạm mang tiền đến chạy, nếu không thì đưa lên báo. Khi đưa lên báo người vi phạm lại phải tìm cách “chạy”, rồi nhà báo lái ngòi bút sang góc độ khác hoặc không “đánh” nữa.
Vài ngày trước, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn có nhắc tới hiện tượng tiêu cực đang tồn tại trong hoạt động báo chí, nhất là báo điện tử là “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Theo ông, với cơ quan quản lý báo chí, việc phát hiện hiện tượng này có khó khăn?
- Theo tôi thì để phát hiện ra vấn đề này hoàn toàn không khó. Tuy nhiên cần phải nhìn toàn diện, hiện tượng này không phải lúc nào cũng là vì chuyện “ăn tiền”. Mối quan hệ của con người rất phức tap, chẳng hạn khi tôi đang là Tổng biên tập, sau khi báo đăng về vụ việc sai phạm nào đó, tự nhiên có người bạn thân hay người họ hàng, thậm chí cấp trên gặp và nói: Vụ này anh xem nhẹ cho hoặc gỡ bài đi. Nói như thế để thấy không phải câu chuyện “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” tất cả đều liên quan tới tiền bạc.
Kinh nghiệm của tôi là khi có người đến nhờ liên quan tới chuyện sai phạm bị đăng trên báo, tôi đều nói: Nếu không phải tình cảm thì chúng tôi vẫn tiếp tục làm mạnh, nay vì chuyện tình cảm ở những bài sau mức độ sai 10 chúng tôi sẽ viết chừng 6 -7, với điều kiện anh phải nhanh chóng sửa sai. Còn gỡ bài thì tôi không thể làm được. Làm như vậy nhiều lúc cũng khó nhưng tình huống phải vậy. Còn về chuyện “cảm ơn” chúng tôi rất nghiêm túc từ chối.
Ông có cho rằng việc nhà báo tiêu cực, thậm chí cơ quan báo chí cũng tiêu cực là do đời sống báo chí gặp khó khăn?
- Không phải vậy, đời sống hiện nay anh em làm báo không ai túng thiếu đến mức phải lo từng bữa cơm, manh áo. Vấn đề xuất phát từ lợi ích của việc tiêu cực trong hoạt động báo chí gấp trăm, nghìn lần cách làm báo bình thường. Lý do nữa là trong cuộc sống hiện đại, nhiều người ham giàu nhanh, ham làm tiền chứ không phải do đời sống của anh em làm báo ngày bị kém đi. Đi “đánh đấm” nay trót lọt vụ này, mai trót lọt vụ kia rồi riết thành quen.
"Tôi biết có những nhà báo giàu có. Thậm chí khi tôi còn công tác có người là cấp dưới, dù giàu có, sở hữu biệt thự, nhiều đất đai, xe hơi… nhưng vẫn thích đi “đánh đấm” để kiếm tiền nhanh. Họ sai phóng viên đi rung dọa, khi người vi phạm mang tiền đến thì bỏ qua sai phạm đó", trung tướng Hữu Ước.
Thời gian còn công tác, ông ứng xử thế nào trước hiện tượng tiêu cực của phóng viên thưa ông?
- Thời kỳ còn làm Tổng biên tập, tôi cũng từng đuổi việc nhiều cán bộ, phóng viên khi thấy họ có dấu hiệu tiêu cực. Tuy nhiên tôi vẫn mở cho họ con đường chứ không dồn vào “chân tường”. Bởi tôi nghĩ, phóng viên trẻ khi đi tác nghiệp dễ bị cám dỗ. Bài viết đăng báo chỉ được vài trăm nghìn tiền nhuận bút, nhưng đi “đánh đấm” mỗi vụ được vài chục triệu. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể nghiêm túc như mình mong muốn.
Khi còn công tác bản thân tôi quyền lực là vậy, hàm trung tướng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Chính trị (Bộ CA), Tổng Biên tập mà nhiều khi cán bộ cấp dưới sai còn xử không nổi. Vì sao? Vì nó liên quan đến cả hệ thống.
Bản thân mình làm quyết liệt nhưng còn mất thời gian từ việc kiểm tra, xác minh rồi họp các cấp ủy Đảng, từ Chi bộ, Đảng ủy của báo rồi lên Đảng ủy cấp trên. Tâm lý chung không đồng chí lãnh đạo nào muốn cấp dưới của mình bị xử lý kỷ luật, muốn cho mọi việc êm đi. Có khi họ còn xin tha cho người sắp bị tôi xử lý. Họ nói đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại.
Tôi quyết liệt như vậy nhưng nhiều khi còn bất lực khi trước hiện tượng tiêu cực của cấp dưới. Kể ra như vậy để thấy cuộc đấu tranh trước các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí không hề đơn giản.
Theo ông để ngăn chặn tiêu cực trong hoạt động báo chí điều quan trọng nhất với mỗi nhà báo là gì?
- Tôi đã làm báo hơn 40 năm, làm Tổng biên tập 20 năm. Nghiệm từ bản thân, theo tôi điều quan trọng nhất để ngăn chặn tình trạng tiêu cực xảy ra ở cơ quan báo chí thì bản thân mỗi người tổng biên tập, ban biên tập phải trong sáng, vì lợi chung, hết sức cứng rắn trước các hiện tượng tiêu cực.
Để một cơ quan báo chí không có tiêu cực thì trước hết người đứng đầu phải trong sạch. Nếu như Tổng biên tập, Phó tổng biên tập tiêu cực thì nó dễ trở thành một hệ thống tiêu cực trong cơ quan.
Để chống được tiêu cực trong hoạt động báo chí thì việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là tổng biên tập của cơ quan chủ quản tờ báo là vô cùng quan trọng. Bởi mọi vấn đề, từ đường hướng phát triển, sử dụng, đề bạt cán bộ trong cơ quan báo chí đều do tổng biên tập quyết định. Nếu người đứng đầu trong sáng, thấy hiện tượng tiêu cực từ cấp dưới phải tiến hành xử lý ngay thì sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được tiêu cực.
Xin cảm ơn Trung tướng (!)
Trung tướng Nguyễn Hữu Ước sinh năm 1953, quê Hưng Yên. Ông nhập ngũ năm 1970, làm bộ đội biên phòng. Sau khi xuất ngũ ông học báo chí và công tác tại Báo Công an Nhân dân. Năm 1997, ông được bổ nhiệm làm Tổng biên tập An ninh thế giới và Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an. Năm 2003, làm Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân.
Năm 2009, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Lực lượng Công an Nhân dân (nay là Tổng Cục Chính trị) và vẫn kiêm nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân. Năm 2010, ông được thăng cấp bậc hàm Trung tướng.
Từ năm 2011, ông kiêm Tổng Biên tập Kênh Truyền hình Công an nhân dân (ANTV). Năm 2015, ông nghỉ hưu. Ngoài làm báo, ông còn viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc, họa, kịch...
Theo Hồng Ngọc/Dân Việt