Tướng Công an nói về phạt xe không chính chủ trước giờ G

Google News

Chỉ còn 3 tuần nữa, quy định phạt xe không chính chủ vào thực tế. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) giải đáp mọi thắc mắc.

Quy định phạt xe không chính chủ có hiệu lực từ 1/1/2017. Vậy người dân cần hiểu quy định này như thế nào, thưa ông?
- Luật Giao thông đường bộ quy định phương tiện phải được đăng ký quyền sở hữu. Hơn nữa, người bỏ tiền ra mua hoặc được cho, tặng phương tiện thì phải đứng tên sở hữu phương tiện đó.
Đối với người bán phương tiện cho người khác, sau 30 ngày phải có trách nhiệm thông báo với cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục sang tên chuyển chủ, chuyển đổi đăng ký xe cho người mua.
Nếu không làm thủ tục sang tên, khi xảy ra các sự việc liên quan đến phương tiện thì người bán phải chịu trách nhiệm, bởi về mặt pháp lý người bán vẫn là chủ sở hữu của phương tiện đó.
Xét về lợi ích cả người mua và người bán đều bất lợi nếu xảy ra sự cố hoặc vi phạm pháp lý.
Tuong Cong an noi ve phat xe khong chinh chu truoc gio G
 Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh
Có xe tìm đến chủ thứ 16 thì tắc
Nếu các phương tiện mua bán, cho tặng không sang tên sẽ gây khó khăn như thế nào cho công tác quản lý?
- Nhiều vụ TNGT xảy ra, khi lực lượng công an điều tra thì việc truy tìm chủ xe rất phức tạp.
Có nhiều trường hợp người ta bán qua 17-18 chủ rồi nhưng đến khi tìm đến người thứ 16-17 thì không thể tìm được nữa.
Việc không tìm được chủ phương tiện gây bế tắc trong công tác điều tra.
Không tìm được đối tượng gây án, gây TNGT thì chưa quy được hết trách nhiệm pháp lý của đối tượng gây án/tai nạn.
Trường hợp xe đã được mua bán qua nhiều đời chủ nên không thể xác định chủ phương tiện đầu tiên để làm thủ tục sang tên thì phải giải quyết như thế nào?
- Bộ Công an đã ban hành thông tư số 12 có hiệu lực từ 2013, trong đó quy định tất cả các phương tiện giao thông khi đã mua bán mà chưa sang tên chuyển chủ (mặc dù qua nhiều người) thì đều được làm thủ tục sang tên chuyển chủ, chỉ cần người mua cuối cùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe của mình thì đươc làm thủ tục bình thường.
Chúng tôi cũng đã tham mưu Bộ Công an đề xuất với Chính phủ về lộ trình thực hiện với ô tô từ 15/4/2013 có hiệu lực quy định đến hết 2014 nên ô tô chấp hành rất nghiêm.
Riêng với mô tô vì số lượng đông nên Bộ Công an kéo dài đến 31/12/2016.
Người dân băn khoăn về việc khi mượn xe đi có thể sẽ bị lực lượng CSGT kiểm tra phương tiện có chính chủ hay không. Thiếu tướng có thể nói rõ trách nhiệm của lực lượng thực thi trong việc kiểm xử phạt xe không chính chủ?
- Lực lượng CSGT phải làm theo đúng quy định pháp luật. Điều 30 của nghị định 46 quy định, người không chuyển quyền sở hữu khi mua bán, cho tặng thì bị phạt hành chính theo quy định.
Còn vợ đi xe của chồng, con đi xe của cha… thì không phát sinh pháp lý nên không ai phạt người mượn xe cả.
Trường hợp nào CSGT kiểm tra xe chính chủ?
Làm thế nào để lực lượng CSGT xác định người điều khiển phương tiện đó mượn xe, hay chưa sang tên chuyển chủ?
- CSGT làm nhiệm vụ trên đường là người thực thi pháp luật và công dân điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về khẳng định của mình. Do vậy, khi người điều khiển phương tiện trình bày với CSGT đây là xe đi mượn thì phải chịu trách nhiệm về xác minh của mình.
Với trường hợp có nghi vấn, luật quy định lực lượng công an có quyền thẩm tra, xác minh.
Có thể có người lợi dụng nói dối để qua mặt lực lượng, nhưng tôi cho rằng trường hợp này sẽ không nhiều, bởi đằng sau còn có cả hệ thống giám sát thông qua biển số xe.
Người vi phạm hôm nay nói là xe mượn, nhưng ngày mai hệ thống giám sát sẽ nhắc lại xe đó đã vi phạm thì sẽ không nói dối mãi được.
Tuong Cong an noi ve phat xe khong chinh chu truoc gio G-Hinh-2
 
Trong trường hợp nào CSGT kiểm tra phương tiện có chính chủ hay không?
- Trong quy định chỉ đưa ra 2 trường hợp, đó là khi xảy ra TNGT gây hậu quả nghiêm trọng và khi đến làm thủ tục đăng ký xe nếu mua bán lâu không chuyển quyền sở hữu thì sẽ bị xử phạt.
Đến 1/1/2017 việc xử lý vi phạm theo nghị định 46 có hiệu lực và người dân đã có khoảng thời gian rất dài (từ 2013 đến hết 2016) để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Do vậy, nếu đến thời điểm đó người dân không làm thủ tục, chứng tỏ người đó cố tình không thực hiện theo quy định của pháp luật.
Lúc đó lực lượng công an thông qua các hoạt động nghiệp vụ tuần tra kiểm soát xử lý các vi phạm nói chung, trong đó có các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT nếu phát hiện các trường hợp không sang tên chuyển chủ thì vẫn tiếp tục xử lý, chứ không chủ động dừng xe kiểm tra chỉ để xử lý có chính chủ hay không.
Theo Vũ Điệp/Vietnamnet