Vụ việc nữ sinh An Giang phải tự tử, do bức xúc, oan ức, xấu hổ bởi những hình phạt từ nhà trường đang gây hoang mang với nhiều gia đình, phụ huynh có con em ở độ tuổi đi học.
Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng là những áp lực tinh thần, mà người thực hiện lại là chính thầy cô giáo, ban giám hiệu nhà trường.
Nữ sinh tìm đến cái chết nhằm minh oan cho bản thân, chứng minh mình không sai. Nhưng sau hành động này của em, người lớn có thể hiểu rằng, học sinh này đang bất lực tận cùng, không còn cách giải quyết nào khác. Giả thuyết rằng, nếu có ai đó tư vấn, tâm sự, chia sẻ và quan tâm cùng nữ sinh này, liệu sự việc đau lòng có xảy ra.
|
Bức thư tuyệt mệnh của học sinh An Giang trước khi tự tử khiến người lớn phải giật mình. |
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên có học sinh tự tử do các vấn đề áp lực từ việc học tập. Cũng bởi vậy, các trường học đều xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, sau những sự việc đáng tiếc như vừa rồi, dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi, bộ phận tư vấn tâm lý học đường ở đâu, khi để học sinh cô đơn, căng thẳng đến mức trầm cảm, tự tử? Liệu công tác tư vấn tâm lý học đường đã thực sự hiệu quả?
PGS.TS Trần Thành Nam, thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thực tế, để đóng vai một người hiểu và đứng về phía các em học sinh, để các em có thể thoải mái chia sẻ những tâm sự giấu kín, thậm chí nói những vấn đề liên quan đến những người uy tín, có vị thế, bao gồm cả thầy cô, gia đình, người đó phải tách ra khỏi các vai trò như giáo viên.
Hiện nay, chỉ một số trường ngoài công lập thuê chuyên gia tâm lý độc lập làm tại phòng tham vấn tâm lý học đường, còn lại hầu hết các trường công lập, chủ yếu vẫn là giáo viên kiêm nhiệm, điều này vi phạm những nguyên tắc đạo đức của người làm nghề tâm lý.
|
PGS.TS Trần Thành Nam, thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). |
“Người tư vấn tâm lý không được có mối quan hệ đa chiều hoặc song nhiều với thân chủ. Nếu tôi có quan hệ bố mẹ, họ hàng, hay giáo viên thì không thể tư vấn cho học sinh đó. Các em sẽ không có đủ sự tin tưởng để nói ra những mâu thuẫn, ấm ức nhất. Có thầy cô tiết trước vừa đứng trên bục giảng, tiết sau lại trở thành nhà tư vấn tâm lý, yêu cầu các em nói ra tất cả những gì không hài lòng, vướng mắc ở trường lớp, liệu các em có đủ tin tưởng, thoải mái để nói? Vì vậy, các phòng tư vấn tâm lý học đường hiện nay mới chỉ làm tốt vai trò tư vấn thông tin, còn tư vấn tâm lý, sức khỏe tinh thần cho học sinh vẫn rất khó thực hiện”, PGS.TS Trần Thành Nam thẳng thắn chỉ ra.
Cũng nói về những hạn chế trong công tác tham vấn tâm lý học đường, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, hiện nay vì không có bộ quy tắc đạo đức, nên thông tin của các thầy cô làm tư vấn tâm lý khi nói chuyện với học sinh có thể bị lộ ra ngoài, hoặc lộ với những giáo viên khác, khiến học sinh cảm thấy không muốn chia sẻ. Đây là nguyên tắc đạo đức bảo mật thông tin và tôn trọng thân chủ của những người làm tham vấn tâm lý.
“Trong khi thực hành tại các nhà trường, thầy cô chưa tuân thủ theo nguyên tắc bảo mật đó. Bản thân phòng tư vấn tâm lý được sắp đặt phải đảm bảo theo tiêu chuẩn, không gian biệt lập, riêng tư, là không gian thư giãn để các em có thể chia sẻ những câu chuyện đau lòng. Nhiều nơi cơ sở vật chất còn hạn chế, phòng để làm tư vấn tâm lý sẽ được tận dụng bởi những phòng khác, chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn riêng tư, thân thiện, thoải mái, tạo nên mối quan hệ gần gũi, gắn kết để các em chia sẻ. Ở nhiều trường, không gian ấy còn giống nơi học sinh bị phạt. Nhiều em lên phòng tâm lý với suy nghĩ như đang bị phạt hoặc nhiều người có định kiến, các bạn cần tư vấn tâm lý đang có vấn đề về thần kinh nên mới cần trợ giúp”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Chuyên gia cho rằng, nếu không thay đổi được những điều trên, công tác tư vấn tâm lý học đường vốn có ý nghĩa tốt sẽ không thể phát huy hiệu quả.
Cần những tiêu chuẩn cụ thể
Để nâng cao chất lượng tham vấn tâm lý học đường, đội ngũ chuyên gia tâm lý trong các nhà trường đóng vai trò quyết định. PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, mới đây, Thủ tướng đã ban hành danh mục nghề nghiệp của Việt Nam, trong đó có nghề nhà tâm lý học, chia làm nhà tâm lý học lâm sàng và nhà tâm lý học học đường.
Từ nghiên cứu qua mô hình nhiều quốc gia trên thế giới, ông Nam cho biết, tại các nước khác, việc trở thành nhà tâm lý không hề dễ dàng, phải tuân theo một số tiêu chí nhất định, đảm bảo an toàn cho cộng đồng và danh xưng nghề nghiệp.
Theo đó, tại các nước, để trở thành người làm tham vấn tâm lý trong trường học, hay tư vấn tâm lý nói chung, phải có trình độ tối tiểu là thạc sĩ và đa phần là tiến sĩ. Một số quốc gia quy định, người đó còn phải là thành viên hiệp hội tâm lý quốc gia. Đơn cử như với Singapore, muốn trở thành thành viên hiệp hội tâm lý Singapore, phải có trình độ từ tiến sĩ trở lên, có thời gian thực hành, thực tập theo yêu cầu, có chứng chỉ chứng minh thường xuyên cập nhật kiến thức...
Chương trình học thạc sĩ tâm lý ở một số nước cũng yêu cầu rất chặt về thời gian thực hành để đảm bảo có kỹ năng thực tế khi làm việc với học sinh, ít nhất là 600 giờ thực hành, một số nước yêu cầu cao hơn là 1.900 giờ thực hành hoặc có 2 năm làm việc thực tế dưới sự giám sát của một chuyên gia.
Trước khi ra làm, nhiều nước cũng yêu cầu người này cần vượt qua bài trắc nghiệm của hiệp hội tâm lý quốc gia để được cấp chứng chỉ hành nghề, phần lớn bài kiểm tra khả năng ứng phó trước những tình huống lưỡng nan về đạo đức, đảm bảo an toàn cho cộng đồng khi ra làm việc.
Quay lại chương trình đào tạo của Việt Nam, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng chưa đảm bảo về thời gian thực hành, đồng thời cũng chưa có các quy tắc đạo đức cụ thể: “Chưa có quy tắc nào để cấp chứng chỉ hành nghề, ai tự nhận mình là nhà tâm lý cứ nhận. Chương trình để tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên để có năng lực tư vấn tâm lý học đường được biên soạn theo 8 modul của Bộ GD-ĐT căn cứ trên thông tư 31, nhưng với thời gian như hiện nay, chủ yếu các thầy cô học và lắng nghe bằng lý thuyết. Thời gian thực hành với các ca rất ít, do không có ca, hoặc có, nhưng không được giám sát bởi những người có trình độ. Nói về bài bản trong tham vấn tâm lý học đường ở Việt Nam chưa có", PGS.TS Trần Thành Nam băn khoăn.
Chuyên gia này cũng cho rằng với cách đào tạo như hiện nay, giáo viên tham vấn tâm lý tại các trường mới chỉ tư vấn được về mặt thông tin, nếu gặp những ca nặng hơn, thì đây chỉ là chốt đầu nhận diện, sau đó sẽ phải chuyển tuyến.
Để nâng cao hiệu quả tham vấn tâm lý học đường, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, khi đã có mã nghề nhà tư vấn tâm lý học đường, cần chính danh chức năng này, ban hành những tiêu chuẩn cụ thể, quy định số giờ thực hành. Đây có thể coi là chuẩn đầu ra cho tất cả các chương trình đào tạo và cấp phép hành nghề./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN