Công an tỉnh Bình Dương vừa làm việc với "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải do liên quan đến việc đăng phát thông tin lên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng.
Nhiều rủi ro, bất trắc
Trước đó, "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải bất ngờ công bố trên YouTube cá nhân với nội dung đã nhận được cuộc gọi của người xưng là Lê Quốc Tuấn (tự Tuấn "khỉ", SN 1987, ngụ TPHCM, kẻ bắn chết 5 người) nhờ dẫn ra đầu thú. Đoạn clip dài hơn 10 phút đã thu hút hơn 1 triệu lượt xem chỉ trong thời gian ngắn.
|
Một “hiệp sĩ” khống chế tội phạm trên đường phố ảnh: Hạnh Nguyên. |
Công an tỉnh Bình Dương vào cuộc xác minh, khẳng định người gọi cho "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải không phải là Tuấn. Hiện người mạo danh Tuấn vẫn chưa ra trình diện, công an đang tiếp tục làm rõ.
Cuối năm 2019, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt 4 năm tù giam đối với Lâm Trung Kiên (SN 1987; ngụ quận Tân Phú, TP HCM) về tội "Giết người". Ngày 7/12/2018, Kiên cùng Cao Công Tới và nhóm bạn rủ nhau đi câu cá ở bờ kè Tây Ninh (phường 2, TP Tây Ninh). Đến khoảng 1h30 phút ngày 8/12/2018, nhóm Kiên đi ôtô về, riêng anh Tới đi xe máy một mình. Lúc này, nhóm "hiệp sĩ" tự phong gồm Nguyễn Lâm Đan Trường cùng 3 người khác nghi ngờ Tới trộm cắp nên rượt đuổi. Thấy nhiều người đuổi theo, anh Tới tưởng cướp nên bỏ chạy. Khi bắt kịp Tới, nhóm Trường khống chế chở anh Tới về hướng Công an phường 2, TP Tây Ninh.
Anh Tới dùng điện thoại gọi cho nhóm bạn cầu cứu thì nhóm "hiệp sĩ" lấy điện thoại. Khi Kiên đi tìm Tới, thấy Trường chạy xe máy của Tới nên rượt đuổi khiến Trường té xuống đường tử vong.
Một sự việc đau lòng khác đã cướp đi sinh mạng của 2 "hiệp sĩ" từng gây xôn xao tại TP HCM. Khi phát hiện Nguyễn Tấn Tài (Tài "mụn"; ngụ quận 12, TP HCM) cùng đồng bọn trộm xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TP HCM), nhóm "hiệp sĩ" đã tri hô, bắt giữ Tài cùng đồng bọn. Để tẩu thoát, Tài đã dùng dao tấn công khiến 2 "hiệp sĩ" tử vong và 2 người khác bị thương. Trong vụ án này, Tài nhận án tử hình và 3 người khác cũng bị tù về các tội danh liên quan.
"Hiệp sĩ" là một công dân bình thường
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Viện trưởng VKSND quận 3 (TP HCM), nhìn nhận: "Hiệp sĩ cũng là một công dân bình thường, cũng phải sống và làm việc theo pháp luật. Mỹ từ "hiệp sĩ" là do người dân phong cho những người có nghĩa cử cao đẹp, thấy cảnh hoạn nạn ra tay cứu giúp hoặc do họ tự phong với nhau. Luật pháp và các văn bản pháp luật không đề cập danh hiệu "hiệp sĩ", không có giá trị về mặt pháp lý. Trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người theo lệnh truy nã thì "hiệp sĩ" thực hiện đúng quy định của pháp luật, không được làm tổn hại, đe dọa tinh thần đối tượng. Còn nếu gây hại cho đối tượng đến mức phải xử lý hình sự thì vẫn phải bị xử lý như những công dân vi phạm khác".
Bà Nhuệ kiến nghị nếu mô hình "hiệp sĩ" được dự báo phát triển mang tính đại trà ở nhiều địa phương, nhà nước nên có nghiên cứu để đưa họ vào một tổ chức quy củ, có quyết định thành lập, có quy chế hoạt động, điều lệ...
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), cho đến nay, có địa phương như Bình Dương đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động của các CLB phòng chống tội phạm trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu và tình hình xã hội. Đây là điểm sáng việc vận dụng pháp luật của địa phương và mang lại hiệu quả tốt về hoạt động phòng chống tội phạm trong toàn dân.
Bộ Luật Hình sự hiện hành tại điều 24 đã pháp điển hóa quy định, trao quyền cho người dân trong hoạt động tham gia bắt giữ người phạm tội khi hội đủ điều kiện, lúc đó dù gây ra thiệt hại thì vẫn được loại trừ trách nhiệm hình sự. Đây là quy định hoàn toàn mới so với trước đây. Trước đây, để loại trừ trách nhiệm trong trường hợp này, phải vận dụng các quy định khác về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết để áp dụng. Điều này gây ra tình trạng không đồng bộ, thống nhất, tạo ra sự bất bình trong xã hội khi rõ ràng hành vi của người thực hiện việc bắt giữ tội phạm là cần thiết nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Tuy nhiên, quy định mới vẫn có những giới hạn. Nhà làm luật cũng đã dự liệu các trường hợp này mà không quá rộng thoáng việc miễn trừ trách nhiệm, tạo sự vượt quyền hay lộng quyền. Bởi hoạt động trấn áp, chống tội phạm với nghĩa vụ chính là của cơ quan bảo vệ pháp luật thuộc nhà nước" - luật sư Công nói.
Cũng theo luật sư Công, có rất nhiều hoạt động kêu gọi toàn dân tham gia phòng chống tội phạm nhưng nội dung chính vẫn là sự đóng góp, phát hiện để hỗ trợ cho lực lượng chính quy thực hiện. Hoàn toàn không có việc trao, giao quyền cho người dân như một lực lượng tham gia cùng hay thay quyền của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Pháp luật vô tình nhưng rất rõ ràng trong chỉ giới quy định. Công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Vấn đề là nhà nước đặt ra các quy định sát thực tế để điều chỉnh hành vi, hoạt động của người dân.
Theo Phạm Dũng/Người lao động