Từ 1/7, dân xe tải nhỏ cẩn trọng kẻo bị phạt nặng, tước bằng lái xe

Google News

Từ 1/7, khái niệm về xe con, xe tải, bán tải có sự thay đổi lớn. Những chiếc xe bán tải có khối lượng chở hàng trên 950kg hay xe tải nhỏ dưới 1,5 tấn nếu đi vào làn xe con sẽ bị phạt rất nặng.
 

Xe có khối lượng chở hàng dưới 1,5 tấn không còn được coi là xe con
Bộ GTVT vừa ban hành theo Thông tư số 54/2019 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 thay thế cho QCVN 41:2016 hiện hành và có hiệu lực từ 1/7 tới.
Điểm thay đổi đáng chú ý trong Quy chuẩn mới lần này là xe dưới 1,5 tấn sẽ không được xem là xe con trong tổ chức giao thông.
Tu 1/7, dan xe tai nho can trong keo bi phat nang, tuoc bang lai xe
 Từ 1/7, những chiếc xe tải dưới 1,5 tấn như thế này sẽ không được coi là xe con khi tham gia giao thông.
Quy chuẩn 41:2016 hiện hành quy định ô tô con là: Xe để chở người không quá 9 chỗ ngồi, kể cả lái xe; Ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1,5 tấn; Xe bán tải (xe pick-up) có khối lượng chuyên chở cho phép nhỏ hơn 1,5 tấn và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống.
Trong Quy chuẩn 41:2016 cũng quy định, ô tô tải là ô tô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở từ 1,5 tấn trở lên.
Tuy vậy, từ 1/7 tới, khi Quy chuẩn 41:2019 có hiệu lực, xe ô tô tải dưới 1,5 tấn sẽ được “trả về” với ô tô tải, không còn được coi như xe con nữa.
Giải thích cho sự thay đổi này, ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, trong QCVN 41:2016 trước đây, xe tải nhỏ dưới 1,5 tấn được quy ước coi loại xe này là xe con trong tổ chức giao thông.
Tuy nhiên, đối với cơ quan đăng kiểm, thuế và khái niệm của người tham gia giao thông, loại xe này lại được quy định là xe tải. Trong quá trình sửa đổi quy chuẩn, cơ quan CSGT có kiến nghị phân định rõ, đưa về đúng khái niệm xe tải để thuận tiện trong thu thuế, thời gian đăng kiểm xe và xử phạt.
Liên quan đến vấn đề này, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) từng cho rằng quy định xe tải dưới 1,5 tấn là xe con “vênh” với các quy định của một số bộ, ngành. Bên cạnh đó, việc xem xe tải dưới 1,5 tấn là xe con gây những khó khăn về quản lý hoạt động của loại xe này, nhất là ở những đô thị cấm xe tải đi vào nội đô theo giờ, theo đường.
Lái xe cần chú ý: Sai làn có thể bị tước bằng lái xe
Với việc quy định lại khái niệm xe con, những xe tải nhỏ dưới 1,5 tấn sẽ không còn được “ưu ái” như trước đây khi tham gia giao thông nữa. Cụ thể: Không được chạy vào làn dành riêng cho xe con; Không vào các khu vực cấm xe tải theo giờ; Buộc phải tuân thủ biển báo cấm xe tải trên một số tuyến đường (Biển P.106a),...
 
Tu 1/7, dan xe tai nho can trong keo bi phat nang, tuoc bang lai xe-Hinh-2
 Từ 1/7, khi gặp biển cấm ô tô tải (Biển P.106a), xe tải dưới 1,5 tấn, xe pickup và xe VAN chở hàng trên 950kg đều phải “quay đầu”.

Không chỉ xe tải dưới 1,5 tấn chịu sự ảnh hưởng của quy định này mà ngay cả một số xe bán tải (pick-up) và xe tải VAN cũng có sự tách biệt. Theo đó, những xe pick-up, xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên cũng được coi là xe tải. (căn cứ theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường).
Có thể thấy, ảnh hưởng trực tiếp của quy định mới này sẽ là các hãng taxi tải (vốn chủ yếu sử dụng các loại xe tải dưới 1,5 tấn); những lái xe chở hàng nhỏ lẻ; một số xe bán tải (pick-up), xe VAN khối lượng chuyên chở hàng trên 950kg.
Đại diện Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, từ 1/7 tới sẽ tiến hành nhắc nhở, xử phạt nghiêm đối với một số hành vi vi phạm theo Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 100/2019/NĐ-CP liên quan đến xe tải dưới 1,5 tấn này.
 
Tu 1/7, dan xe tai nho can trong keo bi phat nang, tuoc bang lai xe-Hinh-3
Xe tải dưới 1,5 tấn chạy vào làn xe con sẽ bị phạt lỗi “sai làn” với mức phạt rất cao theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Ảnh: Tuấn Phùng 

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu xe tải đi vào làn xe con (lỗi sai làn) có thể bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng, tước GPLX từ 1 – 3 tháng. Nếu hành vi trên gây tai nạn giao thông còn bị phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng, đồng thời tước GPLX từ 2 – 4 tháng.Đối với ô tô đi vào đường có biển báo cấm phương tiện đang điều khiển có thể bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng và tước GPLX từ 1 – 3 tháng.
Trên thị trường hiện nay, một số xe tải nhỏ dưới 1,5 tấn trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi quy chuẩn 41:2019 gồm các mẫu như Suzuki Carry, Hyundai Porter H150, Veam Star, Tata Super Ace, Vinaxuki…
Xem thêm video: Cán bộ huyện Ea Súp nói gì vụ hát karaoke trong giờ làm và sàm sỡ tiếp viên?

 

Theo Nguyễn Hoàng/ Vietnamnet