TSKH Phan Xuân Dũng làm việc với Hội KHKT Đúc – Luyện kim Việt Nam

Google News

Ngày 3/3, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc với Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc – Luyện kim Việt Nam (VFMSTA).

Ths Chu Đức Khải, Chủ tịch VFMSTA đã trực tiếp báo cáo với TSKH Phan Xuân Dũng về công tác tổ chức; công tác thông tin, phổ biến kiến thức, tư vấn, phản biện, giám định xã hội; công tác hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế...của VFMSTA.
TSKH Phan Xuan Dung lam viec voi Hoi KHKT Duc – Luyen kim Viet Nam
ThS Chu Đức Hải báo cáo tình hình hoạt động của VFMSTA với TSKH Phan Xuân Dũng.
"Trong năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức; Tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ III của Hội KHKT Đúc - Luyện kim Vinacomin vào năm 2022; Liên hệ với Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật TP Hải Phòng để thành lập Hội KHKT Đúc - Luyện kim Hải Phòng. Tổ chức các hội thảo khoa học, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, kết hợp với lễ kỷ niệm ngày thành lập VFMSTA và các hội thành viên. Động viên các thành viên của hội tham gia các hội đồng tuyển chọn đề tài, nghiệm thu, thẩm định các dự án trong lĩnh vực đúc - luyện kim về khoa học công nghệ và môi trường ở các bộ, các tỉnh, thành phố” – Ths Chu Đức Khải nói và cho biết VFMSTA đã đăng ký với Ban phản biện kiến thức (VUSTA) nhiệm vụ “Phổ biến Phương pháp tính Phát thải CO2 theo ISO 14.404 và phổ biến QCVN 51&52 về phát thải khí và nước trong sản xuất thép. Nếu được chấp thuận sẽ triển khai tốt hội nghị phản biện kiến thức này.
Chủ tịch VFMSTA cũng trực tiếp đề xuất với TSKH Phan Xuân Dũng về việc cần chính thức hóa cho hoạt động tư vấn phản biển, giám định xã hội của VUSTA và Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố cũng như các hội ngành toàn quốc; quy định những vấn đề cụ thể hơn cho các dự án (về quy mô, mức độ liên quan ảnh hưởng tới địa phương liền kề, kinh phí đầu tư...) thì phải có ý kiến tư vấn phản biện, giám định xã hội. Nếu không sẽ có tình trạng thích thì lấy ý kiến, không thích thì lờ đi vì sợ ý kiến trái chiều.
Ths Chu Đức Khải cũng bày tỏ việc VFMSTA muốn được tham gia là thành viên của Hội Đúc Thế giới – WFA vì sẽ có nhiều lợi ích như: nắm được sự phát triển về công nghệ mới của thế giới, các giải pháp bảo vệ môi trường tiên tiến thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển bền vững ngành đúc - luyện kim. Tuy nhiên, VFMSTA đang bị hạn chế về kinh phí.
Ngoài ra, đại diện VFMSTA mong muốn VUSTA kiến nghị với Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước có những hình thức khen thưởng, ghi nhận những thành tích mà VFMSTA đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành đúc - luyện kim Việt Nam.
TSKH Phan Xuan Dung lam viec voi Hoi KHKT Duc – Luyen kim Viet Nam-Hinh-2
 TSKH Phan Xuân Dũng mong muốn VFMSTA vượt qua khó khăn và phát huy thế mạnh của hội.
TSKH Phan Xuân Dũng ghi nhận và đánh giá cao những hoạt động và thành quả của VFMSTA trong suốt 55 năm qua. VFMSTA là niềm tự hào khi là một trong 5 hội khoa học kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam với những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và ngành đúc – luyện kim nói riêng. Đặc biệt, VFMSTA đã hoạt động tích cực trong công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tạo uy tín trên trường quốc tế với các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế có quy mô, dù VFMSTA đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng đề nghị các phòng, ban chuyên môn của VUSTA ghi nhận những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của VFMSTA và chủ động hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết những khó khăn. TSKH Phan Xuân Dũng cũng khẳng định sẽ có những hành động thực tiễn để nâng vai trò, vị trí, tiếng nói của VUSTA và các hội thành viên hơn nữa nhằm mục tiêu đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam: Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh

Nguồn: VOV


Hiểu Lam