TS Nguyễn Tùng Lâm: Nhiều thầy cô coi mình có quyền uy trong nhà trường

Google News

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nhiều thầy cô chưa nhận thức được sứ mệnh của nhà giáo, đã dẫn tới những hành vi thiếu chuẩn mực, thay vì dẫn dắt, đồng hành, lại “đàn áp” học trò.

Hàng loạt những vụ việc đau lòng
Gần đây, hàng loạt các vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo và bạo lực học đường đã khiến mạng xã hội “dậy sóng”.
Trong đó, có sự việc một nữ sinh lớp 12 Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), theo clip lan truyền trên mạng ghi lại đã bị cô giáo túm cổ áo giật mạnh, mắng chửi, đuổi ra ngoài hành lang.
TS Nguyen Tung Lam: Nhieu thay co coi minh co quyen uy trong nha truong
Hình ảnh cô giáo túm cổ áo học sinh kéo lên, ảnh cắt từ clip trên mạng xã hội tối ngày 29/9. 
Lý do là vì, nữ sinh này là Bí thư chi đoàn của lớp, được cô giáo giao đi mua bánh kem sinh nhật để chuẩn bị tổ chức Trung thu. Tuy nhiên, nữ sinh này đã không mua bánh ở cửa hàng cô giáo chỉ định. Khi nữ sinh mang bánh đến lớp, cô giáo đã mắng em với lời lẽ rất nặng nề, thậm chí còn bị đe dọa hạ hạnh kiểm, không cho thi tốt nghiệp… rồi đuổi em ra khỏi lớp.
Nữ sinh này đã khóc và quỳ ở hành lang suốt 2 tiếng. Khi cô giáo ra ngoài, em ôm chân cô và xin cô tha thứ, lên cả cơn co giật nhưng cô giáo nói “đừng giả vờ”.
Cũng gây xôn xao dư luận những ngày qua là một đoạn clip hơn 20 giây ghi lại hình ảnh thầy giáo ở Trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất, Hà Nội) tỏ thái độ bức xúc với một nam sinh trên bục giảng sau khi em làm bài đúng nhưng lại chữa thành sai. Thầy giáo này đã bóp cằm, chỉ vào mặt nam sinh xưng “mày - tao”, và dùng nhiều lời lẽ xúc phạm với học sinh.
Thầy cô giáo không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy các em đạo đức, dạy làm người. Chính vì vậy, những vụ việc đau lòng trên một lần nữa khiến dư luận vừa bức xúc, vừa đau xót. Nhiều người cho rằng, đạo đức nhà giáo đã có những xuống cấp, đáng báo động.
Thầy cô là người dẫn dắt, đồng hành, không phải "đàn áp" học trò
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho hay, trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc, tất cả những việc làm không đúng nguyên tắc sư phạm, đạo đức nhà giáo và vi phạm vào luật pháp bảo vệ trẻ em càng không thể chấp nhận, cần hết sức lưu ý, rút kinh nghiệm với giáo viên.
TS Nguyen Tung Lam: Nhieu thay co coi minh co quyen uy trong nha truong-Hinh-2
 TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Mai Loan.
Các thầy cô phải nhận thức được, là một nhà giáo, phải gương mẫu trước học trò. Đây không phải là quan trọng hóa, hay nâng quan điểm để có yêu cầu cao với giáo viên. Mà nghề nhà giáo buộc phải thế, đó là sứ mệnh. Các thầy cô giáo phải là tấm gương để cho các học sinh noi theo bằng chính hành động của mình.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay, hiện nay, nhiều thầy cô giáo coi mình là người có quyền uy trong nhà trường, điều đó không đúng. Thầy cô giáo phải là người bạn, người dẫn dắt, đồng hành với học trò. Mà muốn có được điều đó, thì cần phải biết lắng nghe, tôn trọng, thương yêu học trò.
Các thầy cô giáo phải nhận thức được, những việc làm không đúng của mình trong ứng xử với học trò có thể làm tổn thương tới tư tưởng, tình cảm của các em và tương lai của mỗi học sinh, làm các em thiếu niềm tin vào giá trị bản thân, sợ sệt, ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách.
“Thầy cô giáo phải giáo dục những đứa trẻ để các em có thể phát huy trí thông minh, sáng tạo, tự tin, dám nghĩ dám làm, khiến các em được khích lệ. Còn cứ đàn áp, bắt các em làm mọi thứ theo ý mình thì không đúng cả về nguyên tắc sư phạm và mục tiêu của giáo dục hiện nay”, ông Lâm nói.
“Nhổ”
cỏ để làm sạch môi trường sư phạm
Nhìn nhận nguyên nhân hàng loạt các vụ việc đau lòng liên quan đến đạo đức nhà giáo vừa qua, liệu có phải do quá áp lực, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nghề nào cũng có những độc hại, áp lực riêng. Khi đã lựa chọn nghề nghiệp là phải chấp nhận những áp lực của nghề đó và có cách ứng xử cho phù hợp, chứ không thể đổ tại do áp lực, mà có lúc bộc phát, dẫn tới những hành vi thiếu chuẩn mực.
Cũng không nên quy chụp, “vơ đũa cả nắm” rằng đạo đức nhà giáo hiện nay đang bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều thầy cô giáo vẫn đang cống hiến, làm tốt sứ mệnh của mình. Vấn đề là chúng ta phải “nhổ” được những “ngọn cỏ”, bắt được những “con sâu” để làm môi trường sư phạm trong sạch.
“Đã có người hỏi ông rằng nhà trường hiện có an toàn không? Không thể nói rằng đến trường không an toàn. Bởi hàng triệu học sinh mỗi ngày vẫn đang đi học, những vụ việc xảy ra đôi khi không tránh khỏi. Vấn đề là công tác quản lý, giáo dục làm sao phải kịp thời, hạn chế thấp nhất để không xảy ra những trường hợp như vậy”, ông Lâm nói.
Để ngăn chặn những vụ việc như trên, ông Lâm cho rằng, cần có 3 chân kiềng. Trước hết, mỗi thầy cô giáo cần phải tự rèn luyện mình, có ý thức phát triển bản thân. Mỗi nhà giáo phải có nhận thức được đặc thù nghề nghiệp của mình để tìm ra cách giải quyết, vượt qua những áp lực. Đó là điều quan trọng nhất.
Cùng với đó, mỗi nhà trường phải có văn hóa, đặc biệt các nhà quản lý phải nhắc nhở các thầy cô giáo làm đúng chức năng của mình, có ứng xử chuẩn mực, tạo cho giáo viên cũng có phẩm chất đạo đức, có giá trị sống, kỹ năng sống. Hiện nay, chúng ta đang hướng tới làm điều đó cho học trò, thì trước hết giáo viên phải gương mẫu.
“Mỗi nhà trường phải luôn nhắc nhở thầy cô giáo phải làm đúng sứ mệnh của mình. Cũng như một giáo viên đã từng chia sẻ, giữa giáo viên và học trò không có thua và thắng, mà chỉ có ân hận hay tự hào. Ân hận là khi làm những điều sai, khiến học trò bị ảnh hưởng. Còn tự hào khi đã hỗ trợ, giúp đỡ được học trò”, ông Lâm nói.
Cùng với đó, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, chế tài, luật pháp phải thật nghiêm minh. Khi đã có những hành vi vi phạm thì giáo viên phải chịu những hình thức kỷ luật tương ứng với những hậu quả, chứ không thể xuê xoa, không xin lỗi là xong.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đặt ra yêu cầu cao với thầy cô giáo, nhưng cùng với đó, chúng ta cũng phải giữ được truyền thống này. Chúng ta cũng cần hướng dẫn, dạy học trò kỹ năng giải quyết vấn đề khi có sự cố. Chẳng hạn, khi gặp vấn đề với giáo viên, thì có thể lên Ban Giám hiệu đề nghị được giải quyết, hoặc các hội, nhóm như Đoàn Thanh niên, Ban phụ huynh… thay vì khóc lóc hay quỳ lạy… Làm sao để vừa đấu tranh, vừa bảo toàn được danh dự của mình.

Mời quý độc giả xem video: TS. Nguyễn Tùng Lâm trao đổi với PV Tri thức & Cuộc sống về sứ mệnh của người thầy, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Giữa thầy và trò không có thua và thắng, chỉ có ân hận hay tự hào. Video do Báo Tri thức & Cuộc sống thực hiện.

 
Mai Loan