Chia sẻ về việc xin cấp bản quyền cho "Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ, PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy học phổ thông cho hay: “Tôi đăng ký bản quyền cho nghiên cứu của mình không xuất phát từ suy nghĩ sợ ai đó chiếm hữu nghiên cứu này. Ngược lại, tôi rất hoan nghênh với những người có cùng ý tưởng với tôi .
Tôi nảy ra ý tưởng xin cấp bản quyền cho nghiên cứu của mình sau khi biết phần mềm chuyển đổi tiếng Việt sang chữ cải tiến xuất hiện nhất là khi nhiều người đã dùng nó để miệt thị nghiên cứu của tôi và xuyên tạc những nội dung phản cảm.
|
"Bài viết về Cải tiến chữ quốc ngữ" của PGS.TS Bùi Hiền được cấp chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Ảnh: NVCC. |
Ngay sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về nghiên cứu này của tôi, tôi đã dành rất nhiều thời gian để chuyển thể tác phẩm truyện Kiều bằng bộ chữ cải tiến tiếng Việt của mình.
Tôi biết sẽ có những người phản đối về đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của tôi và tôi cũng không quá quan tâm đến điều đó. Nghiên cứu khoa học là đam mê và sở thích của cá nhân tôi. Việc viết lại toàn bộ 3.254 câu thơ lục bát của tác phẩm "Truyện Kiều" bằng chữ cải tiến mới cũng là việc nên làm để cho những ai muốn nghiên cứu có thể tham khảo thêm”.
Khi PV thắc mắc, khi chuyển sang chữ mới sẽ làm mất đi giá trị vốn có của truyện Kiều thì PGS.TS Bùi Hiền cho hay: “Tôi nghĩ rằng, khi mình viết lại "Truyện Kiều" bằng chữ cải tiến mới, giá trị vốn có của tác phẩm này không hề bị mất đi như trong suy nghĩ của nhiều người.
Bởi lẽ, khi viết lại tôi chỉ chuyển đổi hình thức giữa một bên là chữ quốc ngữ hiện nay, một bên đối xứng sang là chữ cải tiến mới. Hơn nữa, Bộ chữ mới so với bộ chữ cũ về mặt mỹ thuật, kĩ thuật cũng không khác nhau nhiều. Truyện Kiều ban đầu được viết bằng chữ Nôm, sau đó mới chuyển qua chữ quốc ngữ như hiện nay”.
PGS.TS Bùi Hiền cũng cho biết thêm, ông quyết định thử nghiệm bộ chữ mới với Truyện Kiều để xem liệu bộ chữ mới có đủ để truyền tải hết nội dung của tác phẩm này không và kết quả là không một câu chữ nào của Truyện Kiều không chuyển tải được sang chữ mới. Còn về cách đọc thì đọc vẫn giống nhau.
Nếu có hai người song song đọc bản Kiều ở hai cách viết, cách đọc hoàn toàn giống nhau", PGS Bùi Hiền nói.
Từ trải nghiệm cá nhân, ông cho rằng bản cải tiến tương đối ổn. Tuy nhiên, việc đăng ký bản quyền chỉ có ý nghĩa đây là tác phẩm hoàn chỉnh chứ không phải là bản cuối cùng. Trên thực tế, mọi thứ đang ở mức tiếp cận dần, không có gì hoàn hảo.
Tác giả bộ chữ cải tiến chữ quốc ngữ cho biết sau khi công bố tác phẩm, ông tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp mang tính xây dựng từ các nhà khoa học và công chúng để sửa đổi, hoàn thiện bộ chữ tiếng Việt.
PGS.TS. Bùi Hiền đã "gây bão" mạng xã hội với bài viết “Chữ Quốc ngữ và hội nhập quốc tế”, trong đó đề xuất giảm ký tự bảng chữ cái từ 38 xuống 31.
Cụ thể, tác giả này đề xuất sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt và thêm một số chữ cái tiếng Latin cho dễ sử dụng như: F, J, W, Z.
Cùng với đó, sẽ tiến hành thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên. Ví như: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = D, Gi, R.
Theo PGS.TS. Bùi Hiền, đề xuất này sẽ giảm được những khó khăn cho người dùng, không gây lẫn lộn và bất cập. Theo đó, bộ chữ cái tiếng Việt chỉ còn 31 ký tự, thay cho 38 ký tự như hiện nay.
Theo Hoàng Thanh/ Infonet