Chuẩn bị năm học mới 2021-2022, phụ huynh học sinh phản ánh nhiều trường ngoài công lập ở TP.HCM tăng học phí lên 5-10%, thậm chí có trường tăng tới 15%.
Bức xúc vì tăng học phí mùa dịch
Cùng chung nội dung phản ánh như trên, một phụ huynh có con học lớp 8 hệ chất lượng cao Trường Greenfield School, huyện Văn Giang, Hưng Yên cho biết, đầu tháng 6/2021, nhà trường gửi email thông báo về các khoản phí cần hoàn thiện đầu năm học 2021-2022. Trong đó, học phí mỗi tháng năm học 2021-2022 là 4,74 triệu đồng, thay vì 4,31 triệu đồng như năm học 2020-2021. Mức tăng giữa hai năm học gần 10%.
|
Trường Greenfield School, huyện Văn Giang, Hưng Yên.
|
Tương tự, phụ huynh có con học tiểu học hệ chất lượng cao cũng cho biết, nhận được thông báo đóng học phí đầu năm là 5,94 triệu đồng mỗi tháng, tăng so với mức đóng 5,4 triệu đồng của năm học 2020-2021.
Một số phụ huynh cũng thắc mắc tại sao trường thông báo học online từ ngày 6-15/9 nhưng vẫn tạm thu phí dịch vụ chăm sóc bán trú, tiền ăn và phí dịch vụ xe đưa đón. Trường vẫn thu phí hoạt động trải nghiệm, sự kiện và dã ngoại là 1,5 triệu đồng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Phụ huynh chưa đóng các khoản phí đầu năm sẽ không được đảm bảo việc xếp lớp cho con.
Khi nhà trường đưa ra thông báo, phụ huynh bày tỏ mức thu trên là không hợp lý, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Đồng thời, đề nghị nhà trường không tăng học phí, giảm chi phí các khoản thu cho học sinh trong năm học 2021-2022.
Được biết, UBND tỉnh Hưng Yên đã có công văn về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập không tăng học phí, giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như mức học phí năm học 2020-2021 đã ban hành.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã ban hành công văn số 1465/SGDĐT-KHTC về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh.
Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục ngoài công lập giữ nguyên mức học phí trong năm học tới, ổn định và không tăng so với năm học 2020-2021. Cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thực hiện nghiêm túc mức thu học phí và khoản thu theo quy định.
Tại TP. HCM, nhiều trường ngoài công lập cũng dự kiến tăng học phí trong năm học mới dù trước đó Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị giữ ổn định học phí để chia sẻ khó khăn với phụ huynh do COVID-19.
Cụ thể, Trường Quốc tế Úc (AIS) dự kiến thu cao hơn năm trước 35 - 50 triệu đồng, nâng mức học phí trong năm học mới vào khoảng 104 - 276 triệu đồng/năm cho bậc mẫu giáo, 455 - 699 triệu đồng/năm từ lớp 1 - 12.
Trường Quốc tế Mỹ (TAS) có mức học phí tăng khoảng 20 triệu đồng/năm cho các cấp học so với năm học 2020 - 2021. Trong đó, tiền học cho học sinh từ lớp 1 - 3 khoảng 480 triệu đồng/năm, cấp THCS và THPT 545 - 655 triệu đồng/năm.
Tại Trường Quốc tế Mỹ - Việt Nam (AISVN), học phí từ lớp 1 - 12 dao động từ 510 - 725 triệu đồng/năm. Mức tăng khác nhau theo từng khối lớp, trong đó lớp 10 có mức tăng cao nhất khoảng 18%, từ khoảng 565 triệu lên đến 665 triệu đồng, tức tăng 100 triệu đồng.
Một số trường tư thục có học phí thấp hơn cũng ghi nhận xu hướng tăng. Điển hình tại hệ thống Trường EMASI, học phí năm học này dao động từ 110-285 triệu đồng/năm, tăng khoảng 8%.
Trường Quốc tế Việt Úc (VAS) cũng tăng 4 - 9%, khiến học phí dao động 185 - 460 triệu đồng/năm. Trường Quốc tế Á Châu cho biết học phí năm học 2021 - 2022 từ lớp 1 - 5 tăng 15%, lớp 6 - 7 tăng 14%, lớp 8 tăng 13%, lớp 9 tăng 12%, lớp 10 - 12 tăng 11%.
Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring Saigon thông báo mức học phí năm học 2021-2022 dao động trong khoảng 204-356 triệu đồng/năm, từ tiểu học đến THPT. Đây là học phí đã bao gồm dịch vụ bán trú, hoạt động ngoại khóa. So với năm trước, mức học phí của trường được điều chỉnh tăng 5%.
Hệ thống trường Tuệ Đức chưa công bố mức học phí cụ thể cho năm học 2021-2022. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cho biết học phí năm mới sẽ được điều chỉnh tăng không quá 10% như đã cam kết với phụ huynh. Năm học 2020-2021, học phí bậc tiểu học, THCS, THPT của trường là 7,5 triệu đồng/tháng, phí bán trú 1,7 triệu đồng/tháng.
Năm học 2021-2022, trường THCS - THPT Quốc tế Á Châu (AHS) điều chỉnh tăng học phí từ 10-15%, tùy lớp học. Cụ thể, lớp 1 đến 5 tăng 15%; lớp 6, 7 tăng 14%; lớp 8 tăng 13%; lớp 9 tăng 12%; lớp 10 đến 12 tăng 11%. Học phí đã bao gồm dịch vụ bán trú của trường (14-20,4 triệu đồng/ tháng).
Ở Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS), học phí cho các lớp 1 - 5 dao động quanh mức 570 triệu đồng/năm. So với năm học 2020 - 2021, mức phí này tăng thêm khoảng 25 triệu đồng. Phụ huynh có hai lựa chọn: thanh toán đủ trước tháng 7/2021 sẽ được giảm 6%, hoặc đóng thành 4 đợt mỗi đợt từ 91 - 213 triệu đồng.
Tại Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn, phụ huynh cần trả 466 - 528 triệu đồng cho một năm học của lớp 1 - 5 khóa 2021 - 2022.
Năm học 2020 - 2021, học phí bậc tiểu học rơi vào khoảng 444 - 503 triệu đồng/năm, thấp hơn năm tới khoảng 20 triệu đồng. Mức tăng cũng sẽ tương tự với lớp 7 đến lớp 13, đưa tiền học lên khoảng 591 - 689 triệu đồng/năm.
Không phù hợp với cái tình
Trong chương trình Livestream: “Dân hỏi, thành phố trả lời” tối 30/8, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi và phản ánh các trường ngoài công lập tại TP.HCM vẫn thu học phí tăng lên 5-10% dù học sinh học online, thậm chí có trường tăng tới 15%.
|
Chương trình Livestream “Dân hỏi, thành phố trả lời”.
|
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở cũng tiếp nhận nhiều ý kiến về việc các trường ngoài công lập tăng học phí trong đầu năm học 2021 - 2022.
Về việc này Sở đã trao đổi trực tiếp với từng trường. Tuy nhiên theo quy định của Chính phủ, các trường ngoài công lập được phép xây dựng khung học phí và thỏa thuận với phụ huynh, nên Sở chỉ kêu gọi các trường tiết giảm học phí trong thời gian dịch bệnh.
Về vấn đề chuyên môn, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường giảm bớt các hoạt động để giảm chi phí học tập, và từ đó giảm học phí cho người dân.
“Quy định về học phí của các trường ngoài công lập là các trường thỏa thuận với người dân, chúng tôi cũng đã có văn bản trao đổi với các trường để không tăng học phí ngay đầu hè nhưng mà có thể do chi phí xây dựng các giờ dạy trên internet, trên truyền hình, giáo viên ở lại xây dựng dữ liệu dạy học online nên tăng chi phí. Do đó các trường có đề xuất tăng học phí từ 5-10%" - ông Hiếu cho biết.
Cũng theo ông Hiếu, về mặt pháp luật, các trường ngoài công lập có cơ sở pháp lý tự xây dựng khung học phí. Tuy nhiên về tính nhân văn, chia sẻ khó khăn trong tình hình dịch COVID-19 là phản cảm và không hợp lý, không thể hiện sự đồng cảm với phụ huynh.
Về mức tăng học phí của trường ngoài công lập, ông Lê Quang Tự Do cũng cho rằng: “Những người gắn bó với trường nhiều năm thì nên chia sẻ, tăng học phí mặc dù không vi phạm quy định pháp luật nhưng không phù hợp với cái tình”.
3 tỉnh "mở màn" miễn học phí
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đã đề xuất Chính phủ xem xét các phương án miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022.
Tính đến ngày 30/8 đã có 3 địa phương quyết định thực hiện chính sách nhân văn này gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Trong đó, năm học 2021-2022 là năm thứ hai liên tiếp Hải Phòng thực hiện việc miễn học phí cho học sinh các cấp học trên địa bàn.
Còn tại Quảng Ninh, học sinh các trường công lập và ngoài công lập từ bậc mầm non đến THPT (trừ các trường vốn đầu tư nước ngoài) sẽ được tỉnh hỗ trợ 100% học phí trong năm học 2021 - 2022, với kinh phí dự kiến khoảng 138 tỷ đồng. Dự kiến sẽ có hơn 222.000 học sinh được hỗ trợ.
Hiểu Lam