Trường Maple Bear có mấy cơ sở, có hoạt động “chui“?

Google News

(Kiến Thức) - Trước sự việc cô giáo mầm non nhốt học sinh vào tủ ở trường Maple Bear, rất nhiều người tỏ ra băn khoăn ngôi trường này đã hoạt động như thế nào trong suốt thời gian qua, Maple Bear có bao nhiêu cơ sở và có hoạt động “chui“?

Maple Bear là gì?
Hệ thống Maple Bear Việt Nam tự giới thiệu thuộc tổ chức giáo dục toàn cầu Maple Bear có trụ sở tại Vancouver (Canada). Tổ chức này có hơn 350 trường mầm non và tiểu học hoạt động tại 17 quốc gia trên thế giới từ châu Mỹ, châu Âu, châu Phi đến châu Á. Đại diện phòng GDĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng xác nhận hệ thống Maple Bear Việt Nam dạy theo chương trình của Canada.
Hiện tổ chức giáo dục này đang có hơn 350 trường mầm non và tiểu học hoạt động tại 17 quốc gia trên thế giới bao gồm: Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Ma-rốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Brazil, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Philippines và Việt Nam.
Theo thông tin trên website của Maple Bear Việt Nam, hệ thống trường mầm non này được thành lập bởi công ty TNHH CitySmart Company (tên mới: công ty TNHH Education Maple Bear Việt Nam được đổi tên từ 6/2019) từng có mặt trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam từ năm 2004. Trường mầm non Maple Bear đầu tiên ở Việt Nam được mở ở tòa nhà Vincom Bà Triệu tại Hà Nội vào tháng 9/2009.
Trong thông báo gửi phụ huynh về vụ việc tại cơ sở Maple Bear Westlake Point, người ký tên là bà Nguyễn Thị Thu Hải (SN 1976), tổng giám đốc công ty TNHH Education Maple Bear Việt Nam.
Truong Maple Bear co may co so, co hoat dong “chui“?
Trường mầm non Maple Bear. 
Được biết, công ty TNHH Education Maple Bear Việt Nam có vốn điều lệ 9 tỷ đồng với 100% vốn nước ngoài, trụ sở ở tòa nhà Golden Westlake, 151 phố Thụy Khê (phường Thụy Khê, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Theo giới thiệu trên trang web, hệ thống này có tất cả 13 cơ sở trên toàn quốc với 9 cơ sở ở Hà Nội, 2 cơ sở ở Đà Nẵng, 1 ở Hải Phòng và 1 ở TP HCM.
Cũng theo giới thiệu của Maple Bear, sứ mệnh của trường Maple Bear là cung cấp một chương trình giáo dục chất lượng cao từ cấp mầm non, tiểu học đến trung học phổ thông dựa trên những triết lý và thực tiễn giáo dục của Canada.
Cụ thể, các cơ sở mầm non của Mapple Bear tại Hà Nội như sau:
Maple Bear Vincom Bà Triệu (Tầng 7, Tháp B Vincom, 114 Mai Hắc Đế, Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Maple Bear Golden Westlake (Tòa nhà Golden Westlake, 162A Hoàng Hoa Thám, P. Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội)
Maple Bear Westlake Point (Số 24 Phố Quảng Bá, Phường Quảng An, Q.Tây Hồ, Hà Nội)
Maple Bear Golden West (Tòa nhà Golden West, Số 2 Lê Văn Thiêm, Q.Thanh Xuân, Hà Nội)
Maple Bear Sunshine (Tòa nhà Sunshine Palace, Ngõ 13 Lĩnh Nam, Mai Động, Q.Hoàng Mai, Hà Nội)
Maple Bear Long Biên (Biệt thự số 73 ngõ 140 phố Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội)
Maple Bear Mỹ Đình (24 Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Tiểu học Maple Bear Sunshine (Sunshine Riverside, Phú Thượng, Q.Tây Hồ, Hà Nội)
Maple Bear King Palace (Toà nhà King Palace, 108 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội).
Học phí gần 200 triệu/năm
Muốn cho con theo học tại trường, phụ huynh sẽ phải đóng một khoản phí nhập học: 10 triệu đồng/năm; phí xây dựng 6 triệu đồng/năm; phí bảo hiểm tai nạn: 950 nghìn đồng/năm.
Truong Maple Bear co may co so, co hoat dong “chui“?-Hinh-2
Mapple Bear là một trong những cơ sở mầm non có học phí cao ngất ngưởng. 
Mức học phí được phân chia thành 4 chương trình khác nhau.
Cụ thể, chương trình toàn cầu có mức cao nhất gần 189 triệu đồng/năm, chương trình hội nhập 132 triệu/năm, chương trình liên kết 105 triệu/năm và chương trình khám phá 76 triệu/năm.
Ngoài ra, phí ăn mỗi năm gần 20 triệu đồng/trẻ, đưa đón bằng phương tiện của trường cũng hơn 20 triệu/trẻ/năm.
Tổng cộng các khoản phải đóng, học phí cao nhất của trường quốc tế Maple Bear trên 200 triệu đồng/năm.
Liệu có hoạt động "chui"?
Liên quan đến vụ việc cô giáo mầm non nhốt cháu bé trong tủ, sáng 19/8 vừa qua, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đến làm việc tại trường Maple Bear Westlake Point.
Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết: “Hành vi kỷ luật của giáo viên đối với học sinh như vậy là không thể chấp nhận được. Đây là lỗi sai sơ đẳng. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu nhà trường gặp gỡ phụ huynh để trao đổi, nhà trường đình chỉ giáo viên”.
“Chúng tôi sẽ xem xét dừng hoạt động của trường này. Trước đó 2 tuần, tôi đã xem xét về việc nhà trường chưa đảm bảo đủ cơ sở vật chất. Hiện nay, với chất lượng giáo viên như vậy, tôi sẽ có thông báo chính thức tới công luận trong tuần này” - đại diện phòng GD&ĐT quận Tây Hồ nói.
Cũng theo ông Vũ, Maple Bear Westlake Point đây là chi nhánh của trường thuộc tập đoàn Maple Bear, dạy theo chương trình của Canada, chứ không phải trường quốc tế.
Truong Maple Bear co may co so, co hoat dong “chui“?-Hinh-3
Clip ghi lại cô giáo nhốt bé vào tủ tại lớp Panda Bear. 
Ngoài ra, cơ sở mầm non Maple Bear Westlake Point là chi nhánh chưa được phép hoạt động.
Lý do là trường thiếu hồ sơ về đất đai, chưa đạt yêu cầu. Nhà trường xin thêm thời gian để sắp xếp giáo viên và chuyển chỗ cho học sinh. Vì vậy Phòng GD&ĐT cũng không thể làm quyết liệt đúng ngày, đúng giờ.
Những học sinh đang ở Maple Bear Westlake Point có thể chuyển sang các cơ sở khác đủ điều kiện.
Cũng theo vị lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, chất lượng giáo viên các trường được Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ quán triệt cũng như thanh kiểm tra. Tuy nhiên, sự việc cô giáo trường Maple Bear Westlake Point nhốt trẻ vào tủ quần áo là đáng tiếc và khá bất ngờ.
Ở một diễn biến liên quan, bà Phạm Thị Thùy Linh - đại diện truyền thông của hệ thống giáo dục Maple Bear Việt Nam cho biết 3 giáo viên đứng lớp liên quan đến vụ việc cháu bé bị nhốt vào tủ đã bị sa thải. Trong đó, cô giáo có hành vi nhốt trẻ vào tủ là trợ giảng. Tuy không trực tiếp gây ra vụ việc, giáo viên chủ nhiệm và một giáo viên khác cũng bị sa thải do không kịp thời báo cáo lên ban giám hiệu.
>>> Xem thêm: Cô giáo mầm non bạo hành trẻ dù trường có lắp camera

Nguồn: VTV.


Trước đó như Kiến Thức đã đưa tin, một phụ huynh tên Lê Mai Linh cho biết con mình là Lê M. đang theo học lớp Panda - Cơ sở giáo dục mầm non Maple Bear Westlake Point tại Quảng Bá (quận Tây Hồ, Hà Nội) có biểu hiện sợ đi học chị sợ đi học, hoảng loạn. Chị có gặng hỏi thì con nói rất sợ cô Thu, cô Hằng.
Sau nhiều lần đề nghị trường Maple Bear, chị Linh được xem lại camera lớp học ghi lại vào ngày 5/8/2019.
Đến đây, người mẹ trẻ nhận ra con đã bị cô giáo nhốt vào tủ. "Cô kéo một bạn nhét vào tủ quần áo, rồi lấy gối chèn cửa..." - chị Lê Mai Linh nói.
Cũng theo chị Linh, vì camera không có tiếng nên chị không biết đã cô giáo đã nói nhưng lời như thế nào đối với con mình. Bên cạnh đó, cháu Lê M. là học sinh hoạt bát, lanh lợi, trước đó rất thích đi học.
Từ đó, chị Linh bắt đầu làm đơn gửi lên nhà trường phản ánh và yêu cầu sắp lịch làm việc, trả lời về những hình ảnh mình đã được xem. Tuy nhiên, chị Linh cho rằng ban đầu nhà trường có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm, sau đó nhiều lần đại diện trường Maple Bear cùng cô giáo gọi đến, xin phụ huynh này "bỏ qua".
Quý An