Công tác khắc phục lũ quét tại Kỳ Sơn vẫn đang được rất nhiều lực lượng nỗ lực thực hiện. Tại xã Tà Cạ, bùn đất, đá nằm ngổn ngang chất đống sau cơn lũ quét kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ.
Trận lũ quét đã khiến cho nhiều người ở đây phải thốt lên khiếp sợ rằng: “Quá kinh hoàng, nước đổ về nhanh chưa từng thấy. Chưa bao giờ phải đối mặt với lượng nước dồn dập mạnh như thế”.
|
Nước lũ đã cuốn đi rất nhiều vật dụng của người dân - Ảnh: Quốc Huy |
Rất nhiều người dân không kịp trở tay, không kịp vận chuyển đồ đạc vì lũ đổ về quá bất ngờ. Không ai dám nghĩ rằng cơn lũ có thể san phẳng, vùi lấp nhiều ngôi nhà và trụ sở các cơ quan hành chính nơi đây. Trận "đại hồng thủy" lần này đã đi vào lịch sử hàng chục năm qua ở huyện Kỳ Sơn.
Anh Vi Văn Truyền là trưởng bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn). Đang ướt sũng vì lội nước giúp dân khắc phục lũ quét, anh kể: “Từ khi thành lập bản năm 1972 đến nay chưa có trận lũ nào kinh hoàng, ghê gớm như thế này. Vào ban đêm lũ về một đợt nhỏ, làm ngập một số hộ ở gần khe. Ngay sau đó lực lượng dân quân cùng nhiều anh em hỗ trợ sơ tán nhân dân đến nơi cao hơn”.
Theo lời kể của anh Truyền, nước lũ đổ về nhiều đợt, từ 1h sáng, 3h, 5h và đến thời điểm 7h sáng thì không thể cứu vãn. Nước từ đầu nguồn ồ ạt đổ về, một số hộ dân chưa kịp di chuyển phải trèo lên nóc nhà để thoát thân. Riêng tài sản không thể cứu vớt được thứ gì khi lũ dâng cao.
|
Trưởng bản Hoà Sơn Vi Văn Truyền - Ảnh: Quốc Huy |
Vị trưởng bản chia sẻ, bản thân anh và một số thanh niên khác đã giúp 10 người thoát nạn khi đang mắc kẹt giữa dòng nước lũ.
“Sáng 1/10, một tốp 10 người cả người lớn và trẻ con mắc kẹt ở ngôi nhà sàn, xung quanh là dòng nước chảy xiết bủa vây. Nhận thấy tình thế nguy hiểm, tôi cùng mấy anh em nhảy xuống suối, cho người tự trôi từ bên này sang bên kia để tiếp cận cứu người. Sau đó bằng mọi cách đưa từng cháu nhỏ ra trước, rồi đến người lớn vượt suối đến nơi an toàn” – anh Truyền kể lại.
|
Các đoàn thiện nguyện lội nước vào cứu trợ người dân |
Cũng theo anh Truyền, sau khi vượt được dòng thác lũ, anh và nhiều người khác đã leo lên bờ tường rào, nhảy qua bể nước. Sau đó, hai tay ôm 2 đứa trẻ và di chuyển khéo léo vượt lũ, dần đưa mọi người đến nơi an toàn.
“Khi cứu thoát mọi người khỏi giữa dòng lũ dữ, ai cũng xanh tái mặt lúc ở trên khu vực cao hơn. Ai cũng cảm ơn mọi người đã ứng cứu. Cùng thời điểm đó, có 20 học sinh đang trèo lên mái nhà nhưng chưa thoát ra được. Tôi và các anh em dìu các cháu học sinh, bám theo triền mái nhà đưa đến nơi an toàn”, anh Truyền nhớ lại.
|
Ngón tay của anh Vi Văn Truyền bị thương sau khi cùng các thanh niên cứu được 10 người dân mắc kẹt - Ảnh: Quốc Huy |
Anh Truyền kể tiếp, trong lúc nhảy vào giúp đỡ người dân thoát khỏi dòng lũ dữ, tay anh đã bị vướng phải đinh sắt chảy máu. Sau khi cứu được mọi người xong, anh mới về nhà băng bó lại.
Theo thống kê của trưởng bản Hoà Sơn, địa phương có 8 hộ dân bị sập nhà hoàn toàn. Có 31 hộ dân bị sập nhà chưa thể khắc phục và 35 nhà đang bị đất đá vùi lấp.
|
Nước lũ chảy xiết, nhà dân và nhiều cơ quan bị đất đá vùi lấp - Ảnh: Quốc Huy |
Ngoài ra có 20 hộ dân bị sạt lở núi đe dọa, mặt đường nhựa đường lên xã Tây Sơn đã bị bung lên trên 40cm. Bên trong nền nhà 20 hộ dân này bị bong tróc, nứt nẻ và buộc phải di dời lên nơi ở mới.
Riêng những hộ dân bị sập nhà, hư hỏng không có nơi ở thì Ban quản lý bản Hoà Sơn lập danh sách để gửi đến ở nhờ.
“Từ hôm qua đến nay, các đoàn thiện nguyện đã lên cung cấp mì tôm, trứng, nước uống và nhiều thức ăn nhanh nên bà con đã đỡ vất vả hơn. Mọi người ở trong bản có thể tự nấu ăn cho gia đình mình. Trong khó khăn gian khổ, người dân ở bản này biết nương tựa vào nhau trong từng bữa cơm sớm tối, ấm áp, giàu tình người” - trưởng bản Hoà Sơn Vi Văn Truyền bộc bạch.
Theo Quốc Huy/ Báo Vietnamnet