Nhận quà liên tục, phải kiểm tra ngay
Ông nghĩ thế nào về việc tặng quà, biếu quà?
Quà biếu, quà tặng nếu làm đúng thì nó thể hiện cái tình nghĩa, ân tình của con người với nhau, không có điều gì phải bàn. Chính tôi thi thoảng cũng nhận quà biếu thể hiện cái sự ân tình ấy, nhưng nó không liên quan gì đến công việc cả. Quà biếu thực chất là thể hiện cách sống có tình, biết trước biết sau, biết ơn với người đã giúp đỡ, dìu dắt mình. Đó là một hành động rất tốt đẹp. Nhưng đáng buồn là trong xã hội bây giờ, người ta biến quà tặng thành việc mua bán. Và đương nhiên nó chỉ diễn ra với người có chức có quyền. Một người dân bình thường, không có gì để “cho” thì chắc cũng không ai đem qua đến biếu. Tôi có các đồng đội cùng chung chiến đấu mấy chục năm trời, bây giờ về gặp nhau, có chút quà như cân lạc, vài quả cam, cân gạo… Nhưng giờ người ta biến tướng việc tặng quà, biếu quà ghê quá.
|
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. |
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố theo dõi số lần nhận quà biếu, quà tặng của các tổ chức, cá nhân. Theo Tổng cục Hải quan, tổ chức, cá nhân thường xuyên nhận một hay một số mặt hàng nhất định, được hiểu là nhiều người trong một địa chỉ cùng nhận một hay một số loại mặt hàng trong cùng một lô hàng, hoặc một tổ chức, cá nhân nhận từ 2 lần trở lên trong một thàng cùng một hay một số loại mặt hàng. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Tổng cục Hải quan chỉ đạo chi cục các địa phương kiểm tra quà biếu từ nước ngoài về, chứ trong nước chắc không ai gửi qua Hải quan, đối với những người có chức có quyền thì dứt khoát đó là một biện pháp tích cực. Chắc chắn rằng, nếu người nhận và người cho không phải là người nhà, không có mối quan hệ họ hàng, mà chỉ thể hiện quen biết trong quan hệ làm ăn, thì cần phải quản lý chặt. Đó là khâu quản lý tiêu cực tham nhũng của cán bộ đương chức của Đảng và Nhà nước.
Vì sao đối tượng nhắm đến là quà biếu từ nước ngoài về ạ?
Đặc biệt là quà biếu từ nước ngoài về liên quan đến vấn đề làm ăn đối với các cơ quan, doanh nghiệp, công ty nước ngoài thì cần phải cảnh giác. Việc giám sát như vậy là một kênh hữu hiệu.
Chúng ta đã có những bài học về việc ấy?
Thường các vụ việc của ta, đến lúc phát hiện thì đã xong rồi. Chỉ cần xem mối quan hệ giữa người gửi và người nhận. Nếu không có ràng buộc gì về họ hàng thì chắc chắn đó là mối quan hệ có vấn đề. Làm như thế thì phải kịp thời phát hiện, làm cơ sở theo dõi. Nếu việc tặng quà đó diễn ra trong nhiều lần thì càng có cơ sở để khẳng định đó là mối quan hệ làm ăn. Mà là làm ăn bất chính. Lợi dụng làm ăn để tư túi riêng cho mình.
Con đường tham nhũng gửi quà từ nước ngoài về, theo ông có phổ biến không?
Thực ra thì cái này tôi không rõ lắm. Nhưng tôi nghĩ rằng, các cán bộ làm ăn với nước ngoài thì thường là có quà biếu.
Quà là khoản trích ra để “lại quả”
Có khi nào quà biếu đó là chính đáng?
Nếu là cái nghĩa ân tình, trong sáng thì chính đáng. Còn một khi đã có mối quan hệ làm ăn với nhau mà biếu tặng quà, thì chắc chắn trong thời đại này là có vấn đề. Phần quà đó thường nằm trong dự toán ngân sách mà đối tác trích ra để “lại quả” cho cán bộ, chứ không ai bỏ tiền riêng ra tặng quà dù không có mối quan hệ thân thiết nào. Còn nếu qua làm ăn mà tặng nhau, thì nó liên quan đến hoạt động mua và bán. Mua bán mà sòng phẳng, theo dự án công khai rõ ràng thì không nói, nhưng nếu mà “đi đêm” với nhau bằng quà biếu thì phải kiểm soát thật chặt. Chính quà biếu đó, nếu không kịp phát hiện sẽ gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước.
Bởi khi đã rút ruột thì công trình dự án khó mà bền vững?
Dù người ta có tốt đến thế nào thì cũng không bao giờ có chuyện bỏ tiền túi của mình ra để tặng, biếu. Họ mà cho 1 đồng thì họ cũng phải có lợi 1 đồng, chứ không thì cùng lắm là biếu nhau chai rượu là cùng. Chứ quà biếu ở đây nhiều khi là cả chiếc ô tô, cái nhà, tiền đô, ngân phiếu…
Nhưng kiểm soát xong thì xử lý thế nào cũng là vấn đề mà dư luận quan tâm?
Cái đó là để cung cấp cho các cơ quan quản lý về chống tham nhũng. Ví dụ như tôi nhận được quà, trong khi tôi đang làm trong dự án đường sắt. Đối tượng tặng quà cũng ở nước mà dự án của tôi ký đối tác. Thì đương nhiên sẽ phải vào “tầm ngắm” để theo dõi. Tất nhiên chưa thể khẳng định chỉ nhận quà thôi đã là tham nhũng. Nó là một kênh rất tốt để kiểm soát tham nhũng.
Một mình Hải quan liệu có kiểm soát được hết?
Tôi nghĩ, các ngân hàng cũng phải tham gia cùng Hải quan để kiểm soát vì nhiều khi họ còn biếu ngân phiếu, đô la. Nếu thấy hiện tượng nhận quà lặp đi lặp lại phải kiểm soát ngay để phòng chống tham nhũng. Vì tiền đó chính là tiền của nhà nước, tiền thuế của dân đóng góp.
Quy định thế thì những người có ý định tham nhũng có run sợ không?
Có người run, có người không. Lợi nhuận mà cao thì dù chết chúng nó cũng vẫn sẵn sàng đánh đổi. Giống như buôn ma túy, biết là chết nhưng chúng vẫn cứ buôn vì sức cám dỗ của đồng tiền lớn quá. Quy định này có thể ngăn ngừa người có thể ngăn ngừa được và trừng trị những kẻ không biết sợ.
Đừng vừa chống vừa run
Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của giải pháp này?
Nói rằng ngăn chặn được tất cả thì không phải, vì kẻ tham ô bất chính thì nhiều mưu ma chước quỷ lắm, nhưng đó là một trong nhiều biện pháp mang tính răn đe chứ nó không thể triệt để.
Có người cho rằng tham nhũng đang ngày càng tinh vi, quy định thế này thì kẻ gian có cách lách luật kiểu khác?
“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, chúng càng tinh vi thì chúng ta càng phải có các giải pháp mạnh để phát hiện âm mưu, có đối sách đúng. Quả quýt có dày thì tôi đã có móng tay nhọn rồi.
Ông nghĩ thế nào về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay?
Đó là một cuộc đấu tranh vô cùng gay go và phức tạp, nhưng không có nghĩa là không làm được, chỉ có điều ta có quyết tâm làm hay không thôi.
Chúng ta đã quyết tâm chưa?
Vừa qua, chống tham nhũng vừa đánh vừa run. Trong chiến trận, người chỉ huy mà vừa đánh vừa do dự thì trận đó khó thắng. Tôi là một tư lệnh, đã ra quân là quyết đánh, sẵn sàng đánh đổi mạng sống, hoặc là chiến thắng, hoặc là hy sinh. Chống tham nhũng cũng thế, cần có bàn tay sắt. Còn nếu vừa làm vừa nghi ngờ, vừa không tin tính khả thi thì khó.
Vì sao chống tham nhũng mà lại run ạ?
Bởi vì không quyết liệt, xem là ý chí chiến đấu có không, hai là có dính dáng, có liên quan gì đến tham nhũng không? Còn nếu quyết làm thì kiểu gì cũng làm được. Người tư lệnh chống tham nhũng cũng phải xác định, một là chiến thắng, hai là hy sinh, chỉ có hai con đường đó. Chống tham nhũng phức tạp hơn đánh giặc, vì địch trong ta, trong tay áo ta có địch, nên phải dám làm, quyết liệt làm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tổng cục Hải quan đang xây dựng phần mềm quản lý đối với trường hợp tổ chức, cá nhân thường xuyên nhận một hay một số mặt hàng nhất định. Việc theo dõi số lần nhận quà biếu, quà tặng liên quan đến việc xét định mức miễn thuế. Theo Quyết định 31/2015/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ trong một số trường hợp không được áp dụng định mức miễn thuế đối với tổ chức, cá nhân thường xuyên nhận một hay một số mặt hàng nhất định.
Tô Hội