Hành trình đến với lực lượng GGHBLHQ của chị bắt đầu như thế nào?
- Trước khi tham gia vào lực lượng GGHBLHQ tôi được đào tạo về chuyên ngành sư phạm ngoại ngữ tại ĐH sư phạm Thái Nguyên và đã có hơn 10 năm công tác tại trường sĩ quan Lục quân I với vai trò giảng viên ngoại ngữ của nhà trường.
Sau khi cục GGHB Việt Nam có công văn tuyển chọn nhân sự tham gia vào lực lượng GGHBLHQ tôi cảm thấy đây là công việc mình yêu thích, phù hợp với khả năng, trình độ cũng như nhiệt huyết, đam mê của mình nên tôi đã ứng tuyển.
Sau khi trải qua các khóa đào tạo ở Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam, ở Australia, Hàn Quốc, với nhiều kiến thức chung cũng như công tác cụ thể trong Phái bộtôi đã thực hiện nhiệm vụ là quan sát viên quân sự tại phái bộ GGHBLHQ tại Nam Sudan (UNMISS).
Có thể nói hoạt động GGHBLHQ lúc đó còn rất mới mẻ, lúc đọc thông tin tuyển chọn nhân sự trong đầu chị loé lên ý nghĩ như thế nào?
- Có thể thấy ngay từ khi Cục GGHB Việt Nam, tiền thân là Trung tâm GGHB Việt Nam được thành lập vào năm 2014 với việc cử 2 sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình tại các phái bộ GGHBLHQ tôi thấy rằng đây là nhiệm vụ rất mới của quân đội và cũng là nhiệm vụ mang lại rất nhiều trải nghiệm ở một môi trường hoàn toàn khác cho cán bộ, sĩ quan của QĐND Việt Nam và tôi đã bắt đầu tìm hiểu.
Sau đó thông qua việc Việt Nam cử nữ sĩ quan đầu tiên đó là Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ GGHBLHQ tại Nam Sudan tôi thấy rằng việc cử một nữ sĩ quan thực hiện nhiệm vụ tại một Phái bộ với rất nhiều công việc mới, trải nghiệm mới, rất nhiều điều có thể khẳng định được bản thân cũng như khẳng định được vai trò, vị thế của nữ cán bộ, sĩ quan thì tôi thấy rằng đây là một công việc vô cùng yêu thích.
Ý nghĩa loé lên trong tôi lúc đó là khao khát được cống hiến, được tham gia nhiệm vụ này càng sớm càng tốt ngay khi mình đã chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng và về tâm thế để lên đường.
Trong giai đoạn đó chị làm thế nào chị có thể thuyết phục gia đình cho sang Nam Sudan làm nhiệm vụ khi vùng đất ấy vẫn còn nhiều bất ổn, xung đột?
- Hậu phương gia đình vững chắc là tiêu chí quan trọng trước khi tôi lên đường, thực tế tôi rất may mắn khi sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân đội. Ông ngoại của tôi phục vụ trong quân đội nhiều năm, bố mẹ tôi đều là quân nhân phục vụ trong trường sĩ quan Lục quân I. Ngoài ra, nhà chồng tôi có bố chồng và các anh chị em cũng phục vụ trong các đơn vị khác nhau của quân đội.
Gia đình rất hiểu tính chất công việc của một người lính là như thế nào và ngay khi tôi chia sẻ với gia đình về nhiệm vụ mà tôi chuẩn bị thực hiện thì bố mẹ tôi có một chút lăn tăn. Cha tôi, một đại tá quân đội từng đi qua chiến tranh không muốn con mình xông pha ở vùng đất bất ổn.
Tuy nhiên, bằng những lời giải thích, động viên và cũng như tấm gương, câu chuyện của các cán bộ, sĩ quan tại các phái bộ GGHBLHQ trước đây cũng như hình ảnh của nữ sĩ quan đầu tiên, tôi đã tiếp thêm sự yên tâm cho bố mẹ để có thể lên đường.
Ngoài ra, tôi cũng có một người chồng rất hiểu vợ, rất thông cảm và chia sẻ với công việc của vợ nên anh hoàn toàn ủng hộ tôi trong việc thực hiện nhiệm vụ ở một nơi xa như vậy.
Tôi vẫn nhớ một câu nói mà chồng tôi truyền thêm cho tôi sức mạnh, động lực và nguồn năng lượng tích cực để tôi có thể thực hiện nhiệm vụ đó là "Born to shine before we die"tức là hãy làm công việc gì đó có ích cho xã hội trước khi chúng ta lìa xa thế giới này. Không cần phải nói nhiều, chỉ thông qua một câu nói đó tôi cũng có thể hiểu anh rất ủng hộ tôi trong việc thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ.
Còn các con của chị thì sao? Phải ra nước ngoài làm nhiệm vụ trong một thời gian khá dài, làm thế nào để chị chia sẻ điều ấy với các cháu?
- Là một người lính chúng tôi luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường thực hiện nhiều cương vị khác nhau ở nhiều địa điểm hoặc các đơn vị khác nhau. Trước đó, tôi cũng đã từng đi công tác, học tập và huấn luyện ở nhiều quốc gia, thậm chí có thời điểm học xa quê hương 4-5 tháng. Như vậy, việc xa gia đình, xa các con là việc thường xuyên.
Tôi rất may mắn bởi có bố mẹ gia đình hai bên hỗ trợ tích cực trong quá trình tôi đi làm nhiệm vụ và hai con của tôi cũng được tôi "huấn luyện", đào tạo để có tính tự lập trong quá trình trưởng thành. Chính vì thế tôi khá yên tâm khi lên đường. Đặc biệt trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ trong thời gian khá dài tại phái bộ.
Lúc tôi đi cháu lớn 10 tuổi, cháu bé hơn 2 tuổi. Cháu lớn lúc học hết cấp 1 cũng bắt đầu tìm hiểu một số thông tin về việc mẹ làm trong tương lai. Ngoài việc tò mò, thích thú với những công việc này thì cháu còn rất tự hào vì mẹ được thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ GGHBLHQ trên cương vị là một nữ quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam. Trong quá trình tìm hiểu đó, cháu cũng luôn động viên mẹ bằng lời nói hay chia sẻ về ước mơ tương lai của mình.
Với cháu thứ hai thì vẫn còn nhỏ, chưa hiểu nhiều về Phái bộ và công việc của mẹ. Cháu rất ngây thơ, chỉ biết mẹ sẽ đi công tác, sẽ làm nhiệm vụ rất vinh dự thì cháu cũng rất ủng hộ và tìm cách để mang lại nhiều sức mạnh cho mẹ. Có thể nói đây là nguồn động viên rất lớn của tôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ.
Lần đầu đi làm nhiệm vụ GGHBLHQ cảm xúc của chị thế nào?
- Thực hiện nhiệm vụ tại vùng đất mới, xa quê hương và xác định sẽ làm việc trong thời gian rất dài, cảm xúc nhớ nhà, nhớ con là cảm xúc thường trực. Giai đoạn đầu xa các con thực sự rất khó khăn đối với cán bộ, sĩ quan ở phái bộ nói chung và cá nhân tôi nói riêng. Tuy nhiên, cũng rất may mắn khi sang Phái bộ thì cũng có nhiều cách để liên hệ về với các con và gia đình thường xuyên.
Ngoài ra, công việc này cũng hoàn toàn khác so với công việc giảng dạy trước đây nên đến phái bộ tiếp xúc với môi trường mới, công việc mới thì có rất nhiều thứ để học hỏi. Chính vì vậy ngoài thời gian công tác tại đơn vị, tôi cũng dành thời gian học thêm những điều mình chưa hiểu, chưa nắm vững, điều đó cũng làm tôi vơi bớt cảm giác nhớ nhà, nhớ các con.
Trải nghiệm đầu tiên luôn mang lại nhiều ấn tượng. Trải nghiệm đầu tiên của chị khi làm nhiệm vụ GGHBLHQ ở Nam Sudan ra sao?
- Khi đặt chân đến Nam Sudan, trước khi thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của LHQ, việc đầu tiên chúng tôi phải kiểm tra sát hạch, đánh giá kiến thức kỹ năng mà mình đã được đào tạo trong nước, ví dụ kỹ năng về tiếng Anh, kiến thức về quân sự, ngoài ra còn kỹ năng lái xe…
Với quan sát viên quân sự như chúng tôi thì lái xe là một điều kiện, tiêu chí bắt buộc. Ngoài ra, sau khi kiểm tra sát hạch thì sẽ có phần huấn luyện đầu vào. Sau khi thực hiện tốt những nội dung này thì mới được phân công nhiệm vụ tại Phái bộ.
Như bạn đã biết, châu Phi là một vùng đất còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi xung đột và bất ổn chính trị. Không có màu xanh, màu của an toàn trên bản đồ các mức an ninh của Nam Sudan, thay vào đó chỉ là màu vàng da cam và đỏ, những mức độ nguy hiểm khác nhau.
Điều kiện sinh hoạt ở bên đó rất vất vả, khí hậu thì vô cùng khắc nghiệt, nhất là vào mùa nắng nóng, khi nhiệt độ ngoài trời thường xuyên dao động từ 45-55 độ. Ngoài ra, trong quá trình công tác với cương vị quan sát viên quân sự tôi thường xuyên phải tuần tra dài ngày ở ngoài căn cứ khi những nguy cơ mất an ninh, an toàn thường trực đối với cá nhân tôi và các lực lượng khác. Ngoài ra, điều kiện dã chiến trong quá trình đi tuần tra cũng là những thách thức rất lớn đối với cá nhân tôi.
Lần đầu tiên đặt chân đến Thủ đô Juba của Cộng hòa Nam Sudan tôi cảm thấy rất hoang mang bởi tôi thấy đây là một vùng đất rất hoang vu, cơ sở vật chất nghèo nàn, đường xá thì vô cùng kém, đa số đường đều là đường đất với rất nhiều ổ voi, ổ gà…
Thời điểm mới sang, tôi được cử đi tăng cường ở biên giới một tháng ở tiểu bang Yei, nằm ở khu vực biên giới của Nam Sudan, giáp ranh với hai quốc gia Uganda và Cộng hòa Congo, cách thủ đô Juba 150km về phía Tây Nam. Đây là khu vực nguy hiểm nhất về an ninh và phức tạp về vấn đề nhân đạo tại Nam Sudan vì vẫn xảy ra các cuộc giao tranh giữa lực lượng quân chính phủ, quân đối lập và quân đội cứu nguy dân tộc.
Bên cạnh đó, tiểu bang Yei cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Ebola. Tại đây, chúng tôi thường sử dụng xe bọc thép để đảm bảo an toàn cho quan sát viên quân sự và đoàn tuần tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ở nơi tận cùng của sự nghèo đói và bạo lực, một vùng đất khó khăn, khắc nghiệt khi bị tàn phá bởi nội chiến, tôi càng thấm thía giá trị của hoà bình và ý nghĩa của sứ mệnh gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc mà cộng đồng quốc tế đang chung vai, góp sức mang lại những điều tốt đẹp nhất có thể, cho đất nước và nhân dân Nam Sudan.
Chỉ cần ngắm lá cờ đỏ sao vàng chúng tôi mang theo đã tung bay trên bầu trời Nam Sudan, hướng về cờ Tổ quốc, hát quốc ca trên đất nước bạn, chúng tôi lại vượt lên mọi gian khó, hết mình thực hiện lời hứa trước lúc lên đường, vì nước bạn. Và chúng tôi luôn nhớ rằng: "Tổ quốc luôn ở bên...".
Cuộc sống của người dân Nam Sudan như thế nào, thưa chị?
- Tôi đã chứng kiến tận mắt sự nghèo đói, khổ cực của người dân ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề từ xung đột phe phái và bất ổn chính trị, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Những điều kiện cơ bản cho đời sống như nước uống, lương thực, nhà ở… còn rất thiếu thốn, nghèo nàn.
Tôi nhớ như in hình ảnh một em gái chỉ trong độ tuổi 16-18 bế hai bé song sinh nhỏ như hai con mèo con mới sinh và đang khóc ngằn ngặt vì mẹ không có đủ sữa do không có gì để ăn, tim tôi như thắt lại.
Hiện tại, sau khi đã thành lập lâm thời, Chính phủ Nam Sudan đã quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân, khi người dân bị bệnh vẫn có những cơ sở khám chữa bệnh nhưng nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất còn rất nhiều hạn chế.
Với sự có mặt của LHQ cũng như sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, cuộc sống của người dân cũng đã từng bước được cải thiện, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khoẻ. Việt Nam cũng đã cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 sang Nam Sudan không chỉ giúp đỡ cho việc khám chữa bệnh cho nhân viên của LHQ mà còn hỗ trợ người dân địa phương. Điều này làm cho chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ở khu vực này gia tăng đáng kể.
Trên những luống đất cằn khô ở Nam Sudan hay Trung Phi, ngoài làm nhiệm vụ chúng tôi còn giúp người dân trồng rau, dạy học. Dù ở Phái bộ hay ở phân khu, nơi sĩ quan Việt Nam đóng quân luôn có màu xanh của bầu, bí, cà tím, cúc vàng. Thậm chí, mô hình tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã lan rộng toàn Phái bộ GGHBLHQ.
Các đồng nghiệp quốc tế ngưỡng mộ khả năng tạo ra màu xanh trên đất châu Phi cằn cỗi và khắc nghiệt của chúng tôi. Vườn rau xanh của bộ đội Việt Nam trên mảnh đất cằn cỗi, đói nghèo và xung đột này như muốn nói lên rằng: Rồi đây những mầm xanh hy vọng, màu của hòa bình, ấm no, hạnh phúc một ngày nào đó không xa sẽ đến với người dân châu Phi nói chung, Nam Sudan nói riêng.
Được biết tại Nam Sudan người dân địa phương thường gọi Trung tá Phương là "Queen Việt Nam"hay "Miss Việt Nam", tại sao chị có biệt danh này?
- Tôi là người phụ nữ thứ hai làm nhiệm vụ tại phái bộ Nam Sudan, sau Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga. Tuy nhiên, chị Hằng Nga với cương vị là sĩ quan tham mưu nên chủ yếu hoạt động tại căn cứ, tôi là quan sát viên quân sự nên thường ra ngoài tuần tra.
Chính vì vậy khi gặp tôi, nhìn thấy hai chữ "Việt Nam" thêu trang trọng trên bộ quân phục tôi mặc, người dân địa phương nghĩ tôi là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam được triển khai tới phái bộ Nam Sudan.
Ở Nam Sudan, người dân cơ bản có thiện cảm với nhân viên LHQ, họ biết rõ sứ mệnh của lực lượng mũ nồi xanh tại quốc gia của họ là gì, họ tin tưởng vào vai trò của LHQ sẽ làm tốt nhiệm vụ giám sát những thoả thuận ngừng bắn tại quốc gia, bảo vệ người dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ.
Đối với Việt Nam, người dân có ấn tượng rất đặc biệt bởi họ đã biết về Việt Nam qua nhiều câu chuyện về thời kỳ chiến tranh, ý chí kiên cường và sự đoàn kết của người Việt Nam trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế mỗi lần tiếp xúc, người dân đều bày tỏ sự quý mến, muốn chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan đến Việt Nam cũng như tình đoàn kết hữu nghị, mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Họ nói phụ nữ Việt Nam rất đẹp và thân thiện nên gọi tôi là Miss Việt Nam. (cười)
Điều chị lưu luyến nhất ở Nam Sudan sau khi về nước là gì?
- Tình cảm của những người dân Nam Sudan là điều tôi không bao giờ có thể quên được, còn thứ khiến tôi trăn trở nhất là những khó khăn, vất vả và cả những ước mơ của người dân Nam Sudan. Khi làm quan sát viên quân sự tôi cảm nhận được nhiều hơn về cuộc sống, đặc biệt khi đó là cuộc sống mà tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ chứng kiến tại Việt Nam, những ước mơ rất nhỏ nhoi của các em bé bị ly tán khỏi gia đình sau xung đột hay những bất ổn chính trị, các em chỉ khao khát được gặp lại cha mẹ, được quay trở lại trường học… Tôi sẽ cảm thấy cực kỳ day dứt nếu trong tương lai không thể làm điều gì đó cho các em.
Mặc dù đã kết thúc nhiệm vụ nhưng cuộc sống tương lai của phụ nữ, trẻ em và người dân nói chung ở Nam Sudan vẫn là điều khiến tôi canh cánh trong lòng. Tuy về nước và chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ mới nhưng tôi vẫn hướng theo thông tin, những chia sẻ của anh, chị, em tại phái bộ vì tôi vẫn mong muốn những đóng góp của lực lượng GGHBLHQ nói chung và lực lượng GGHB của Việt Nam nói riêng sẽ có thể mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước và người dân Nam Sudan.
Mới hoàn thành nhiệm vụ GGHBLHQ tại Nam Sudan, trở về Việt Nam chưa đầy một năm, điều gì đã thôi thúc chị tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ mới tại Abyei?
- UNISFA là một Phái bộ mới mà Việt Nam được LHQ tin tưởng lựa chọn triển khai quân. Không chỉ lực lượng cá nhân được triển khai tại phái bộ này mà sắp tới chúng ta sẽ triển khai lực lượng công binh, một lực lượng đông quân nhất mà việt Nam triển khai tại phái bộ GGHBLHQ.
Tôi rất may mắn khi đã có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan nên được chỉ huy các cấp tin tưởng, động viên tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ này trên một cương vị mới là sĩ quan tham mưu và tổ trưởng tổ công tác cá nhân 7 người. Tôi sẽ không chỉ thực hiện nhiệm vụ của Phái bộ, nhiệm vụ của tổ công tác mà còn nhiệm vụ hỗ trợ tích cực cho việc triển khai đội công binh trong thời gian sắp tới.
Tôi đã trải qua hai cái Tết ở Nam Sudan, Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua tôi mới được đoàn tụ cùng gia đình và được tận hưởng không khí Tết của Việt Nam, được thưởng thức các món ăn của Việt Nam.
Đã làm nhiệm vụ GGHBLHQ là một nhiệm vụ quốc tế thì chúng tôi sẵn sàng xách ba lô lên đường bất cứ lúc nào, dù cho có là thời điểm giao thừa. Trong số 7 đồng chí của Phái bộ UNISFA thì có 3 đồng chí nhận vé lên đường vào ngày 29 Tết. Ngày 6 Tết có 4 đồng chí đã lên đường đến phái bộ an toàn, tham gia các khoá huấn luyện, sát hạch để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.
Hành trang của chị khi lên đường làm nhiệm vụ mới là gì?
- Tham gia vào một Phái bộ mới thì đầu tiên là những vật dụng cần thiết để đảm bảo sinh hoạt. Bên cạnh đó, ở một vùng đất mới tôi sẽ gặp gỡ những con người mới, bạn bè đồng nghiệp quốc tế và người dân bản địa cũng mới nên tôi rất muốn chia sẻ những nét đẹp truyền thống không chỉ của người Việt Nam mà của quân nhân, sĩ quan QĐND Việt Nam đến tất cả mọi người.
Vì vậy, hành trang sẽ không thể thiếu những món quà lưu niệm, những vật dụng có thể giới thiệu nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam và đặc biệt là lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam.
Đặc biệt, dù đi đâu thì những bức ảnh gia đình cũng không thể thiếu trong hành trang, khiến tôi luôn cảm thấy có gia đình bên cạnh.
"Dịu dàng" hay "mạnh mẽ", chị thấy tính từ nào dành cho mình?
- Tôi chắc không dịu dàng (cười). Thật ra tính cách của tôi sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn, hoàn cảnh. Trước đây, khi làm một công việc khá mô phạm, tôi sẽ rất dịu dàng. Tuy nhiên khi làm nhiệm vụ mới này với tính chất hoàn toàn khác tôi thấy bản thân bản lĩnh, mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Dịu dàng hay mạnh mẽ vẫn là hai mảng tính cách mình có. Tuỳ thời điểm, ví dụ khi trở về với gia đình, dạy dỗ con cái… thì cần dịu dàng, nhẹ nhàng đúng thiên chức của một người vợ, người mẹ còn mạnh mẽ, quyết đoán, kiên cường thì trong công việc là yếu tố không thể thiếu được.
Tình cảm dành cho con cái với tôi lúc nào cũng đong đầy, tuy nhiên khi thực hiện nhiệm vụ GGHBLHQ thường xuyên phải xa nhà thì cái các con thiệt thòi nhất là thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc, đây là điều khiến tôi luôn trăn trở. Tôi vẫn quyết tâm sau mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, trở về Việt Nam sẽ cố gắng dành thật nhiều thời gian cho các con để bù đắp quãng thời gian vắng nhà.
Cũng chia sẻ thật, khi là một cán bộ của Cục GGHB Việt Nam chúng tôi vẫn luôn xác định phải thực hiện nhiệm vụ ở xa nhà và cần học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Tuy nhiên cái gì mình có thể bù đắp cho con cái thì mình luôn cố gắng làm một cách tối đa.
Ngoài ra, nếu không có sự ủng hộ của ông xã thì tôi cũng không thể thực hiện được những ước mơ, hoài bão của bản thân cũng như nhiệm vụ cấp trên giao phó. Thật sự rất cảm ơn anh – một người rất chia sẻ, thấu hiểu… Tôi biết chồng mình rất vất vả vì ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị anh còn phải đảm nhiệm việc chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái. Nếu không có sự ủng hộ và hi sinh rất nhiều của anh thì tôi sẽ không có cơ hội thực hiện ước mơ, đam mê và nhiệm vụ của mình.
- Xin cảm ơn Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương và chúc chị chân cứng đá mềm, luôn thực hiện tốt mọi nhiệm vụ trên hành trình sắp tới!
>>> Mời quý vị độc giả xem thêm video: Nữ Thiếu tá tham gia gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc
Nguồn: Truyền hình nhân dân