Trang tin BenarNews mới đây cho biết, tàu Trung Quốc Tian Yi Hai Gong có thể đã bắt đầu hoạt động đặt cáp ngầm phi pháp nối các điểm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm trái phép ít nhất 3 đảo gồm Đảo Cây, Đảo Bắc và Đảo Phú Lâm.
Hiện vẫn chưa rõ mục đích cụ thể đằng sau động thái này của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có khả năng Trung Quốc đặt các tuyến cáp ngầm để phục vụ mục đích quân sự và tăng cường khả năng phát hiện tàu ngầm.
PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
|
Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu Tian Yi Hai Gong được cho là đang lắp đặt cáp ngầm gần Đảo Cây tại biển Đông. |
Trung Quốc đặt cáp ngầm là hành vi nguy hiểm, ngang ngược
Mới đây, một số thông tin cho rằng, Trung Quốc xây dựng hệ thống cáp ngầm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Thiếu tướng đánh giá sao về hành động này của Trung Quốc?
- Việc Trung Quốc xây dựng hệ thống cáp ngầm nối các điểm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị nước này chiếm trái phép là hành vi ngang ngược, trắng trợn. Trung Quốc đã tiến thêm một bước sau khi nước này gửi công hàm đến Liên Hợp Quốc yêu cầu bộ đội ta cùng các phương tiện rút khỏi quần đảo Trường Sa.
Đó là những hành động rất ngang ngược của Trung Quốc. Chúng tôi là những người đã từng trải trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh vệ quốc nên rất hiểu khi mình càng tỏ ra muốn hợp tác, tỏ ra nhún nhường thì Trung Quốc càng lấn tới.
Hành động đặt các tuyến cáp trên biển Đông tại quần đảo Hoàng Sa làm ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh quốc phòng tại biển Đông trong phạm vi chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Hành động này thể hiện Trung Quốc vừa ngang ngược, vừa trịnh thượng bất chấp luật pháp quốc tế. Đó là những hành động không thể chấp nhận được, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào đại hội Đảng các cấp và nền kinh tế đang từng bước khôi phục lại sau đại dịch COVID-19.
Rõ ràng, hành động của Trung Quốc không chỉ là vấn đề khiêu khích nữa mà ở góc độ quân sự thì hành động này vô hình chung dẫn đến sự căng thẳng quan hệ giữa hai nước đã tưng nêu 16 chữ vàng và 4 tốt.
Cần có thái độ quyết liệt, cứng rắn trước vi phạm trắng trợn của Trung Quốc
Trước hành vi ngang ngược, liên tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, theo Thiếu tướng, chúng ta nên ứng phó như thế nào?
- Tôi cho rằng, nếu chúng ta không có thái độ quyết liệt, rõ ràng, cứng rắn thì Trung Quốc sẽ còn lấn nữa.
Việc đặt hệ thống cáp ngầm như thế rất là nguy hiểm đến các phương tiện tàu biển của chúng ta, kể cả tàu ngầm khi tham gia vào các cuộc diễn tập hoặc di chuyển. Khi chúng ta di chuyển các tàu ngầm, phía Trung Quốc có thể phát hiện ra qua các phương tiện mà họ đã đặt ngầm xuống dưới đáy biển Đông.
Đã đến lúc chúng ta cần phải tỏ thái độ cứng rắn hơn nữa. Không thể để tình hình như thế này khi Trung Quốc cứ lấn dần như vậy rất nguy hiểm. Chưa nói đến việc Trung Quốc đang có động thái sẽ lập nhận dạng phòng không ở ngoài biển Đông. Như thế lại tiến thêm một bước rất nguy hiểm đối với an ninh trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vừa rồi tôi cũng theo dõi rất kỹ câu chuyện này, sau công hàm Trung Quốc phản đối ta ra Liêp Hợp Quốc đòi bộ đội ta và các phương tiện kỹ thuật ra khỏi quần đảo Trường Sa. Tôi đánh giá những hành động đó của Trung Quốc là quá ngang ngược và không thể chấp nhận được.
|
Thiếu tướng Lê Mã Lương. |
Hành động của Mỹ có lợi cho Việt Nam tại biển Đông?
Mới đây, Mỹ gửi công hàm tới Liên hợp quốc phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vào ngày 3/6 vừa qua. Hành động này của Mỹ liệu có mang lại lợi thế cho các nước nhỏ tại biển Đông trước sự ngang ngược của Trung Quốc?
- Tôi nghĩ hành động của Mỹ cũng là vì lợi ích, trong đó có lợi ích của các nước lớn. Biển Đông có vị trí và tầm quan trọng mà nhiều năm gần đây các nhà phân tích, các chuyên gia quân sự đã nói rất nhiều. Chưa bao giờ thấy Mỹ thể hiện động thái tích cực vừa răn đe Trung Quốc, vừa ủng hộ các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước có tranh chấp vùng biển Đông như hiện nay.
Ở một góc độ nào đó, có thể đánh giá hành động của Mỹ cũng tạo ra thuận lợi cho các nước có tranh chấp trên biển Đông, thậm chí kể cả các nước không tranh chấp nhưng cũng phải đi qua vùng biển có ý nghĩa chiến lược này, không chỉ Đông Nam Á, châu Á mà còn cả thế giới.
Cho nên, việc Mỹ thể hiện những động thái như cho hàng không bố hạm, tàu tuần dương hạm và các phương tiện chiến đấu như không quân, hải quân… Tôi cho rằng, đó là một hành động tích cực đứng về góc độ hòa bình thế giới. Mặc dù với các nước lớn, do các lợi ích khác nhau, người ta có những hành động khác nhau nhưng cũng có lợi cho Việt Nam nhiều, tạo cho chúng ta một thế và yên tâm hơn khi có nhiều nước lớn quan tâm đến vấn đề biển Đông.
Xin cảm ơn Thiếu tướng Lê Mã Lương về cuộc trao đổi trên!
Ngày 11/6, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, bình luận về thông tin Trung Quốc đang xây dựng hệ thống cáp ngầm nối các điểm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm trái phép, Nguời phát ngôn Bộ Ngọai giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Mọi hoạt động liên quan đến hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị. Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào hòa bình và an ninh ở Biển Đông”.
>>> Mời độc giả xem video Việt Nam phản đối Trung Quốc phát ngôn đe dọa về biển Đông
Hải Ninh