"Trùm" đánh bạc tặng ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng là có cơ sở!

Google News

(Kiến Thức) - Bản cáo trạng được công bố tại phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh và hơn 90 bị cáo chiều nay cho hay, việc Nguyễn Văn Dương khai tặng ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,75 triệu USD, biếu ông Hóa 22 tỷ là có cơ sở.

Chiều ngày 12/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Phan Văn Vĩnh cùng các đồng phạm trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ tiếp tục làm việc.
Đại diện VKS đã đứng dậy công bố bản cáo trạng dài 235 trang truy tố 92 bị cáo. Ngoài ra, bản cáo trạng còn được trình chiếu công khai trên máy chiếu ở phiên tòa.
Có hay không việc Nguyễn Văn Dương tặng đồng hồ tiền tỷ cho ông Vĩnh?
Một trong những nội dung đáng lưu tâm của bản cáo trạng được công bố chiều nay là những dấu hỏi xoay quanh việc liệu ông Phan Văn Vĩnh có nhận đồng hồ tiền tỷ của "trùm cờ bạc" Nguyễn Văn Dương hay không. 
Theo đó, bản cáo trạng cho biết, Nguyễn Văn Dương đã tặng đồng hồ Rolex cho ông Vĩnh. Mặc dù ông Phan Văn Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỉ đồng, song Công an đánh giá việc này là không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu.
Ông Phan Văn Vĩnh. 
Việc Dương khai đã tặng ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,75 triệu USD, biếu ông Hóa 22 tỷ đồng là có cơ sở. Nhưng cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ chứng minh nên sẽ đề nghị điều tra xử lý tiếp ở giai đoạn 2…
Ngoài ra, bản cáo trạng cũng tiết lộ chi tiết việc ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã làm thế nào để che giấu đường dây cờ bạc nghìn tỷ trên mạng.
Ông Vĩnh, ông Hóa bảo kê cờ bạc bằng thủ đoạn nào?
Theo đó, giữa năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong cho C50. Trong thời gian này, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp ông Hóa để hợp tác việc này.
Đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ đứng dậy công bố bản cáo trạng truy tố ông Phan Văn Vĩnh cùng 91 bị cáo trước Tòa. 
Ngày 30/9/2011, Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC). Ngày 10/10/2011, Nguyễn Văn Dương và ông Nguyễn Thanh Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh về việc CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 nhận 20%. Tuy nhiên, C50 không góp vốn cũng như không cử cán bộ tham gia vào công ty này mà để Dương tự quyết.
Đến ngày 3/5/2012, Dương gửi văn bản báo cáo với ông Vĩnh và Hóa về hiện trạng hoạt động cờ bạc trực tuyến tại Việt Nam, đề nghị lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát và C50 “tạo điều kiện hỗ trợ để CNC làm việc với đối tác trong việc xây dựng, tổ chức phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet, tạo nguồn thu để thực hiện nhiệm vụ được giao".
Đến tháng 5/2015, ông Nguyễn Thanh Hóa chỉ đạo phòng tham mưu dự thảo quyết định thành lập công ty bình phong và được ông Phan Văn Vĩnh ký duyệt.
Cáo trạng được trình chiếu công khai tại phiên xử. 
Biết CNC của Dương là công ty “bình phong” của Cục C50, Phan Sào Nam (Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty VTC Online) đã đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng bằng hình thức game bài và được Dương đồng ý.
Đến ngày 1/4/2015, Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng (Tổng Giám đốc Công ty CNC) ký với Nam về việc cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ cho dịch vụ Winall khi đơn vị này thác thương mại Rikvip.
Quá trình CNC vận hành cổng thanh toán game RikVip, khoảng giữa năm 2015, một cán bộ Phòng, chống tội phạm mạng máy tính (Phòng 2) của C50 phát hiện game bài RikVip có dấu hiệu tổ chức đánh bạc, đánh bạc nên đã báo cáo trưởng phòng.
Thời điểm đó, vị Trưởng phòng 2 của C50 đã báo cáo, đề xuất ông Hóa cho phòng mình tổ chức, xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật nhưng ông Hóa không đồng ý.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. 
Cáo trạng nêu rất rõ, thời điểm còn đương chức, ông Hóa chỉ đạo cán bộ cấp dưới soạn thảo văn bản, tham mưu cho nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh ký Quyết định số 15 về việc thành lập công ty bình phong thuộc Cục C50 (Công ty CNC). Việc làm trên là trái với Quyết định của Bộ Công an và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an.
Ông Nguyễn Thanh Hóa còn đề nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho Công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám (Đống Đa, Hà Nội) do Tổng cục Cảnh sát quản lý. Mục đích để tạo ra rào cản đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý đối với Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm.
Biết CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, ông Vĩnh, ông Hóa không ngăn chặn, xử lý, mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc.
Hơn nữa khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hành vi đánh bạc của 2 game bài Rikvip.com và 23zdo.com có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì ông Vĩnh, ông Hóa không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Phải đến khi có văn bản lần thứ 2 sau 50 ngày, ông Hóa mới chỉ đạo Phòng Tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an.
Cáo trạng cho rằng, báo cáo của ông Hóa, ông Vĩnh không trung thực. Mục đích để che giấu hành vi phạm tội của Công ty CNC.
Bảo Ngân