Được coi là thân tín của ông trùm Năm Cam trên đất Bắc, cầm đầu các đường dây đánh bạc xuyên quốc gia, thao túng nhiều trận bóng đá trong và ngoài nước... nhưng hậu vận Nguyễn Văn Thắng (tức Thắng Tài Dậu, sinh năm 1956, quê quận Đống Đa, Hà Nội) cực kỳ may mắn.
Quá khứ lưu manh vặt
Thắng kể, tên gắn thêm hai chữ “Tài Dậu” bởi vì cha tên Tài và mẹ tên Dậu. Trước đó, tên của Thắng được gắn với hỗn danh đúng chất lưu manh đường phố Thắng “tài tráo”. Giang hồ thời đó kể lại, ở tuổi vị thành niên, Thắng đã gia nhập đám bạn bè đi ăn cắp vặt, bị công an địa phương bắt và xử lý hành chính. Cậu thiếu niên không chừa, vẫn giở những chiêu trò lừa đảo trên đường phố chiếm đoạt tài sản người đi đường.
Những năm 1980, ở Hà Nội liên tiếp xảy ra một số vụ rơi ví có vàng do nhóm Thắng dàn cảnh giăng bẫy người đi đường. Trên đường phố đông người qua lại, một người vừa đi vừa lục lọi trong túi xách, hoặc móc tay vào túi quần lấy vật gì đó. Khi rút tay ra, họ vô tình đánh rơi chiếc ví, trong có một ít tiền lẻ nhưng lại có nhẫn, dây chuyền vàng rất giá trị.
|
Nguyễn Văn Thắng, một thời sát cánh cùng Năm Cam. |
Chờ cho người đi đường cúi xuống nhặt của rơi, Thắng và đồng bọn xuất hiện xí phần. Tài sản nhặt được chia đôi, nhưng Thắng khôn khéo thương lượng để người nhặt được của rơi móc tiền túi ra đổi lấy hiện vật. Các nạn nhân mãi tới khi đem vàng ra tiệm bán, phát hiện vàng rởm, mới biết bị lừa, nhưng đã muộn.
Việc làm ăn đang thuận lợi, Thắng bị Công an quận Đống Đa bắt quả tang đang lừa đảo, phải đi tù bảy năm. Mãi sau này Thắng mới biết bị đàn em báo cho cảnh sát vì Thắng chia chác không sòng phẳng. Đây là bài học đắt giá Thắng rút ra được.
Thắng có máu cờ bạc đặc biệt. Trong khi đồng bọn đi chôm chỉa, lừa đảo để ăn chơi trác táng, Thắng lại nướng hết vào sòng bạc. Vào những năm 1990 -1995, Năm Cam mở một loạt sòng bạc tại Quận 4, Quận 8 và cả ở đường Lê Lai (Quận 1, TP.HCM), Thắng vừa đi tù về. Bị công an luôn theo dõi gắt gao, khó lòng làm ăn được, Thắng vào Sài Gòn lánh nạn. Máu cờ bạc đã dẫn lối đến với Năm Cam.
Thời gian đầu, Thắng để ý quan sát và nhận ra nếu học được những chiêu cờ gian bạc bịp rồi đem quy mô, cách tổ chức này áp dụng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ kiếm được nhiều tiền.
Sau khi học thành tài, Thắng trở về Hà Nội, khảo sát tình hình, nhận thấy khu vực ngõ Lương Sử A nơi mình đang sống rất phức tạp, rất giống với địa bàn Quận 4, thích hợp để mở sòng bạc. Cùng với sự hậu thuẫn của em rể nổi tiếng Hà thành cũng là một tay cờ bạc bịp khét tiếng, Thắng quyết định mở sòng xóc đĩa ngay tại nhà mình.
"Cánh tay phải" của Năm Cam
Từ một kẻ không số má, chuyển sang chủ sòng bạc, Thắng biết mình cần phải có ai đó đủ mạnh để chống lưng và dắt các con bạc dẫn xác tới sòng của mình. Thắng chấm ngay Sơn “bạch tạng", một giang hồ có trong tay hàng trăm đàn em đang nổi đình nổi đám tại Hà Nội lúc bấy giờ. Song so về vị thế giang hồ, Sơn cao hơn Thắng đến cả trăm bậc, đâu dễ quy thuận.
Tuy nhiên Sơn có một điểm yếu là luôn trong tình trạng cần tiền vì quá nhiều đàn em, biết vậy Thắng dùng tiền mua chuộc. Chẳng bao lâu, Sơn đã về đầu quân cho Thắng, thảnh thơi với nhiệm vụ gác sòng, không phải lo lắng chuyện tiền bạc. Thắng không ngần ngại tậu nhà, xe, chi tiền bạc thoải mái cho các đệ tử để mua sự trung thành.
Nhờ sự uy danh, ảnh hưởng của Sơn “bạch tạng”, sòng bạc của Thắng ngày càng ăn nên làm ra, khách đông nghìn nghịt. Chỉ một thời gian ngắn, sòng bạc này chỉ dành cho dân có máu mặt, mỗi lần đặt tiền buộc phải không dưới 100 USD.
Tiếng tăm của Thắng chẳng mấy chốc đã đến tai Năm Cam. Đích thân ông trùm mời Thắng đến giao lưu tại một nhà hàng, cùng bàn bạc chuyện hợp tác làm ăn. Từ đó, Thắng ra Bắc vào Nam như đi chợ, việc làm ăn cũng không ngừng phát triển.
Hoạt động kín kẽ mà hiệu quả, Thắng trở thành cánh tay phải đắc lực của Năm Cam, được tham gia dàn xếp các phi vụ làm ăn, thanh toán hoặc chạy án. Thắng từng tổ chức vào trại để thăm nom, móc nối với Thuyết “buôn vua” chạy cho Năm Cam khỏi bị điều tra.
Ngày Năm Cam ra trại, Thắng điều một đoàn xe tiền hô hậu ủng đến đón Năm Cam về Hà Nội ăn chơi trước khi lên máy bay về TP.HCM. Thắng cũng đặc biệt có công trong vụ giải vây Năm Cam khỏi cơn thịnh nộ của trùm đất cảng Dung “Hà” trước khi Dung bị Năm Cam cho đàn em ám sát.
Năm 2001, đế chế Năm Cam sụp đổ. Thắng hay tin, nhanh chân tẩu thoát ra nước ngoài. Mãi năm 2007, sau 6 năm trốn nã, Thắng mới quay về nước trình diện.
Rửa tay, gác kiếm
Không giống như đàn anh phải dựa cột, Thắng khôn ngoan nên may mắn chỉ phải ăn cơm tù vài năm với tội danh tổ chức đánh bạc.
Trong suốt cuộc trò chuyện, Thắng nói không muốn nhắc lại chuyện quá khứ, bởi “Con người ai chẳng có quá khứ, có người xấu, có người tốt, nhưng quan trọng là bây giờ họ sống ra sao. Trong quá khứ, tôi đã mắc những sai lầm, nhưng hiện tại tôi sống, lao động theo đúng pháp luật, không hổ thẹn với lương tâm và với mọi người. Tôi đã làm được điều đó, nên cuộc sống hiện giờ rất thanh thản”.
Thắng kể, gia đình có 4 chị em, Thắng là con thứ ba, cũng là con trai độc nhất. Năm lên 10 tuổi, cha qua đời, một mình mẹ phải gồng lưng chèo chống cả gia đình. Là con trai một nên Thắng vẫn được học hết cấp 3, sau đó gia cảnh khó khăn không được học tiếp lên đại học.
"Lao vào đời mưu sinh, ranh giới giữa tội phạm và lương thiện quá mong manh, tôi không vượt qua được cám dỗ vật chất, vượt qua ranh giới mong manh đó. Tuy nhiên, khi đã có tuổi, phải gánh trách nhiệm của người con trưởng, là trụ cột của gia đình thì mọi chuyện lại khác”, Thắng tâm sự.
Thắng cho hay, sau khi ra tù, tích cực lao động lương thiện kiếm tiền và cũng để khẳng định giá trị của mình. May mắn việc làm ăn thuận lợi, hiện Thắng khá bận rộn với vai trò là một thành viên chủ chốt trong một công ty lớn chuyên về xây dựng. Thắng cho biết còn là giám đốc điều hành công ty riêng, chuyên xử lý chất thải tại quận 1.
“Ở tuổi này, người ta đã nghỉ hưu, an dưỡng tuổi già, còn tôi vẫn phải lao động để kiếm tiền, phải đi khắp nơi. Hôm nay tôi còn ngồi ở Sài Gòn, nhưng có khi mai đã ở Hà Nội, Nha Trang là chuyện thường”, Thắng cười nói.
Thắng kể gia đình đã có cuộc sống ổn định, con trai được học lên cao. Điều quan trọng nữa, Thắng có thể làm được những điều mình thích, như sáng nhâm nhi tách cà phê trong quán, chiều chơi thể thao, góp được một khoản tiền nho nhỏ để thỉnh thoảng đi làm từ thiện.
Rất khó để đánh giá những chia sẻ của Thắng là đúng, sai, thật giả, nhưng Thắng vẫn khẳng định một lần nữa chứng tỏ sự đã “gác kiếm” của mình.
“Những người quen, biết nếu không có việc cực kỳ khẩn cấp thì chẳng bao giờ gọi điện hay làm phiền tôi. Đơn giản vì thời gian đó tôi dành hết cho thể thao, không muốn bị quấy rầy”.
Trong giới bóng đá trước đây, Thắng "tài dậu" có khi được xem là "người nhà". Có lần ở sân Hàng Đẫy, Thắng khoác áo số 11 của đội lão tướng Hà Nội chạy tung tăng, hồn nhiên đến khoác vai quan chức này, quan chức nọ. Thắng còn nhận được sự nể phục từ những tuyển thủ quốc gia có tiếng ở hai đội bóng đẳng cấp nhất Hà thành bấy giờ là Thể Công và Công an Hà Nội.
Thắng "tài dậu" thân cầu thủ và các tuyển thủ đến độ từng ra vào Trung tâm huấn luyện Quốc gia I (Nhổn) như cơm bữa. Mỗi khi vào căn-tin, các cầu thủ gặp Thắng đều tỏ ra kính cẩn. Không chỉ thế, giới bóng đá phía Bắc và cả các cầu thủ trẻ Hà thành rất "nể" những "anh - chị" có cái mác là em kết nghĩa của Thắng "tài dậu". Tận giờ giới bóng đá vẫn đồn cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn có lần bị loại khỏi đội tuyển vì chểnh mảng tập luyện và bị kỷ luật ngầm. Thế mà khi Thắng đến vỗ vai một quan chức liên đoàn thì hôm sau Sơn được thâu nhận trở lại (!?). Sau này, khi bóng đá Nghệ An "bốc" lên thì Thắng "tài dậu" cũng tiếp cận rất nhanh với "thế hệ vàng" bóng đá Nghệ An. Những cầu thủ đội tuyển này thuật lại là đã có lần một đội trưởng đứng lên "dằn mặt" đồng đội và ban huấn luyện: "Tôi là đàn em của Thắng "tài dậu"". Sau lần xưng tên ấy, mọi con mắt nhìn đội trưởng ấy khác đi.
Theo Hương Trà/Pháp Luật Việt Nam