Hoạt động tín dụng đen từ lâu đã “ăn sâu” vào đời sống người dân, lộng hành khắp nơi, kéo theo nhiều hành vi phạm pháp và hệ luỵ khác, gây bất ổn xã hội. Các đường dây hoạt động tín dụng đen ngày càng có nhiều thủ đoạn, cách thức hoạt động đáng sợ.
Đường dây tín dụng đen "khủng"
Tháng 8/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố 111 bị can về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê, tín dụng đen núp bóng Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở tại TP.HCM).
Đây là vụ án có số bị can kỷ lục trong số các vụ liên quan đến hoạt động tín dụng đen mà Bộ Công an và công an các tỉnh thành khám phá từ trước đến nay. Số bị can này cư ngụ khắp 60 tỉnh thành.
Ngoài ra, công an xác định có 3.000 bị hại trên cả nước, với số tiền tang vật thu giữ lên đến 1.000 tỷ đồng.
|
Các đối tượng núp bóng Công ty Luật TNHH Pháp Việt để đòi nợ theo kiểu giang hồ. Ảnh: CACC |
Vụ án xuất phát từ việc ông B. (ngụ TX. Cai Lậy) có vay 50 triệu đồng của một ngân hàng từ năm 2019 nhưng mất khả năng chi trả. Giữa năm 2022, ngân hàng này “bán nợ” cho Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Các đối tượng núp bóng công ty này buộc ông B phải trả tổng cộng 100 triệu đồng.
Sau khi đe dọa các kiểu nhưng ông B. không thể chi trả, các nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt đã liên lạc đe dọa giáo viên và Ban giám hiệu Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu (ở phường 1, TX. Cai Lậy) là nơi cháu ông B. đang theo học. Chúng yêu cầu trường cho cháu bé nghỉ học để gây áp lực khiến ông B. phải trả tiền. Thậm chí, chúng còn giao 1 bình gas đến trường, điện thoại cho giáo viên đe dọa sẽ cho “nổ” trường học.
Trước sự manh động của các đối tượng này, Công an tỉnh Tiền Giang đã vào cuộc và từ đó khám phá ra đường dây đòi nợ thuê, mua bán nợ kiểu tín dụng đen có quy mô "khủng". Để điều tra, mở rộng vụ án, hơn 40 cán bộ của Bộ Công an cũng tham gia hỗ trợ.
Gần đây, cơ quan công an cũng đã khởi tố nhóm tín dụng đen có hành vi đòi nợ manh động do Đào Văn Lương (tự Lương “lô”, 28 tuổi) hoạt động tại tỉnh Hòa Bình.
Công an xác định, nhóm Lương “lô” hoạt động cho vay tín chấp. Để đòi nợ, chúng chửi bới, đe dọa, trực tiếp đến nhà gây sức ép, ném chất bẩn, thậm chí chặn đường đánh đập, dìm nước nạn nhân, ép viết giấy cam kết.
Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM thông tin, từ đầu năm đến nay, Công an TP.HCM đã phát hiện, xử lý 133 vụ, 206 đối tượng cho vay nặng lãi và xóa sổ 27 app tín dụng đen như goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay…
Nhiều app vay tiền hoạt động rộng khắp, có dấu hiệu người nước ngoài đứng sau, thuê người Việt làm thuê.
Những vụ việc bị Công an TP.HCM khám phá cho thấy tình trạng nổi lên là các đối tượng lập các công ty tài chính, công ty luật rồi hợp tác với ngân hàng, các công ty tài chính khác để mua lại nợ xấu. Sau đó, những công ty này tổ chức đội ngũ đòi nợ kiểu giang hồ.
Chiêu thức đòi nợ kiểu giang hồ
Cách đây không lâu, một vị giảng viên của một trường đại học lớn TP.HCM đã có đơn kêu cứu khắp nơi vì cả gia đình liên tục bị khủng bố đòi nợ.
Theo vị này, bỗng một ngày vợ chồng ông liên tục nhận được những cuộc gọi từ số lạ đề nghị thanh toán khoản nợ đã vay của con trai (vốn đang sống ở Hà Nội với người vợ cũ mà ông đã ly hôn hàng chục năm nay). Ban đầu, ông cố gắng liên hệ để hỏi rõ sự tình nhưng con trai né nợ, tránh luôn cả ông.
Sau đó, hành động khủng bố tinh thần của các đối tượng lạ leo thang, chúng cắt ghép hình ảnh của vợ chồng ông, các con hiện tại để đưa lên mạng xã hội để vu vạ, dọa chặn đường cả nhà ông để chém, giết. Chúng gọi đến chỗ làm của vợ ông để tìm gặp lãnh đạo đơn vị, buông tiếng chửi bới, đe doạ.
Chính vì thế, gia đình của vị giảng viên già đã sống trong khoảng thời gian dài lo sợ, cầu cứu khắp nơi nhưng các đơn vị chỉ nhận đơn mà tình trạng khủng bố tinh thần vẫn tiếp diễn.
Theo Bộ Công an, với tội phạm tín dụng đen dù cho vay theo kiểu truyền thống (xác minh thông tin người vay tận nơi, giao tiền, thu hồi nợ trực tiếp) hay cho vay qua app, các nền tảng mạng xã hội thì cũng có cùng những cách thức khủng bố tinh thần để đòi nợ.
Ban đầu, các đối tượng cho vay đều xác thực thông tin người vay bằng các giấy tờ cá nhân hoặc đến tận nhà xác minh, yêu cầu phải có thông tin liên hệ của một vài người thân, bạn bè hoặc thông qua công nghệ kiểm soát danh bạ của khách hàng.
Khi người vay mất khả năng chi trả hoặc chậm trả, lập tức các đối tượng sẽ gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa khách hàng và bạn bè, người thân của khách hàng.
Chúng sẽ tiến hành các hành vi “khủng bố” ngày càng leo thang như ghép ảnh để đăng lên mạng xã hội nhằm vu khống, đến tận nhà tạt chất bẩn, chặn đường, đánh người…
Có những ổ nhóm tín dụng đen, ví dụ như băng nhóm do Hoàng Trọng Đức (22 tuổi, quê Hà Nội) cầm đầu mà Công an TP.HCM triệt phá mới đây, đã yêu cầu người vay tiền thế chấp bằng ảnh khoả thân. Chúng sẽ dễ dàng khống chế người vay để đòi nợ, thậm chí lưu trữ hình ảnh để về sau sử dụng vào mục đích đe dọa tống tiền.
Theo một cán bộ Công an TP.HCM, gần đây xuất hiện tình trạng một số đối tượng chuyên "hành nghề" tạt chất bẩn vào nhà người khác. Trong một số vụ việc công an đã điều tra và xác định, các đối tượng ở tận miền Bắc cho vay tín chấp qua app, qua mạng xã hội, khi người vay ở miền Nam né tránh trả nợ thì chúng lên mạng xã hội thuê các đối tượng với tiền công 500 nghìn tới 1 triệu đồng cho mỗi lần tạt sơn, mắm tôm vào nhà con nợ để gây áp lực đòi tiền.
Theo Tiến Dũng- Đàm Đệ/Vietnamnet