|
Tiết mục nghệ thuật tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ hai. Ảnh: Ban tổ chức |
Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch" lần thứ hai có 920 tác phẩm tham dự. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành được phát động trong thời gian ngắn. Điều này thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm đặc biệt của các nhà báo, của công chúng.
Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ của 119 tác phẩm do Hội đồng Sơ khảo đề xuất vào vòng Chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã tiến hành khẩn trương, công tâm, khách quan, bám sát Thể lệ, Quy chế chấm Giải và chọn được 94 tác phẩm xuất sắc nhất để trao 05 giải Nhất, 15 giải Nhì, 24 giải Ba và 50 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả. Ban Tổ chức cũng trao 03 giải tập thể đồng hạng cho các cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự giải, đạt kết quả cao.
Giải thưởng năm nay được ghi nhận qua gần một nghìn tác phẩm tham gia, đã phản ánh toàn diện, chân thực, sâu sắc các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành.
|
Tri ân các nhà đồng hành cùng cuộc thi. Ảnh: Ban tổ chức |
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Trưởng ban Tổ chức, tác phẩm dự giải năm nay không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài, còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, quy tụ nhiều cơ quan báo chí ở cả Trung ương và địa phương.
Các tác phẩm bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2023 - 2024 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Một số mảng đề tài nổi bật được nhiều nhóm tác giả quan tâm, khai thác như: Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tình hình mới; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; thực trạng của của ngành thể thao, du lịch Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19.
Ngoài ra, các đề tài như: Gìn giữ, phát huy, bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa 54 dân tộc nói riêng; xây dựng nền công nghiệp giải trí, thị trường điện ảnh, thị trường sách và văn hóa đọc; bảo vệ trẻ em; chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; những mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển du lịch, văn hóa, thể thao; về truyền thống hiếu học với những tấm gương nhân vật sống hiếu thảo, nghĩa tình với cha mẹ; hướng độc giả tới những giá trị chân - thiện - mỹ của cuộc sống… cũng được nhiều tác giả/nhóm tác giả quan tâm, khai thác.
|
Đại diện nhóm tác giả nhận giải Nhất thể loại báo điện tử. Ảnh: Ban tổ chức |
Theo ban tổ chức, các bài viết đều đi sâu phân tích những nội dung cụ thể, nêu bật hiện trạng, khó khăn, cơ hội, thách thức trong các lĩnh vực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Các tiểu ban Hội đồng Sơ khảo đề xuất, kiến nghị ban tổ chức nên có những biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích đội ngũ phóng viên, nhà báo sáng tạo các tác phẩm chủ đề về gia đình, trẻ em và thể thao nhiều hơn nữa, nhằm cân đối văn hóa với các lĩnh vực còn lại, phản ánh đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực của ngành.
|
Tác giả Lại Thúy Hà (Báo Văn hóa) nhận giải Ba loại hình báo điện tử. Ảnh: Ban tổ chức |
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng cần tăng cường công tác truyền thông đến các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo, nhất là ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, để khuyến khích gửi tác phẩm dự thi cho các mùa giải tiếp theo.
5 giải Nhất được trao cho các tác phẩm: “Hành trình theo dấu vua ban đưa sắc phong trở về” của nhóm tác giả Chuyên trang An ninh Thủ đô (Báo Công an nhân dân) thuộc thể loại báo in; tác phẩm “Gặp gỡ với thế giới ngay ở Việt Nam” của nhóm tác giả Báo Nhân Dân thuộc thể loại báo điện tử; tác phẩm “Nghệ thuật truyền thống: Bảo tồn và sinh tồn” của nhóm tác giả Đài Tiếng nói Việt Nam ở thể loại phát thanh; tác phẩm: Tọa đàm “Hai năm chấn hưng và phát triển văn hóa” của nhóm tác giả Đài Truyền hình Việt Nam ở hạng mục truyền hình; tác phẩm “Vang mãi bản hùng ca Điện Biên Phủ” của nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân thuộc thể loại báo ảnh.
Tuyết Vân