Tranh luận về việc dùng quỹ đất di dời cơ quan để xây chung cư

Google News

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tranh luận, đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời việc dùng quỹ đất di dời các cơ quan ra khỏi nội thành để xây chung cư, trung tâm thương mại.

Chiều 3/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đã đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giảm gia tăng áp lực về dân số và quá tải hạ tầng tại khu vực nội thành.
Tranh luan ve viec dung quy dat di doi co quan de xay chung cu
 Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giảm gia tăng áp lực về dân số và quá tải hạ tầng tại khu vực nội thành. Ảnh: QH.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết, việc di dời các cơ quan, doanh nghiệp ra khỏi khu vực thành có rất nhiều trường hợp lại được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng chưa tuân theo quy định, định hướng chung. Như vậy không đạt được mục đích giảm gia tăng áp lực về dân số và quá tải hạ tầng tại khu vực nội thành.
Tranh luan ve viec dung quy dat di doi co quan de xay chung cu-Hinh-2
 Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời đại biểu Nguyễn Mạnh Cường về di dời trụ sở các Bộ, ngành ra khỏi nội thành. Ảnh: QH.
Trả lời đại biểu Nguyễn Mạnh Cường về di dời trụ sở các bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời.
Nguyên tắc thứ nhất là ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Nguyên tắc thứ hai là đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho di dời.
Nguyên tắc thứ ba là các công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc cần được bảo tồn, phục chế, tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa và ưu tiên sử dụng cho mục đích công cộng.
“Trong quá trình thực hiện di dời thì phải thực hiện đúng theo các nguyên tắc này và Thủ tướng Chính phủ đã xác định trong Quyết định 130 và phải thực hiện theo đúng các quy hoạch đô thị. Quá trình xem xét cấp phép đầu tư dự án cũng phải đảm bảo đúng quy hoạch phát triển đô thị và trách nhiệm này là thuộc về các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao trong Quyết định 130”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ.
Không thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường giơ biển tranh luận nêu rõ lại câu hỏi chất vấn Bộ trưởng.
Tranh luan ve viec dung quy dat di doi co quan de xay chung cu-Hinh-3
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường giơ biển tranh luận. Ảnh: QH. 
Đại biểu Cường nhấn mạnh, Bộ trưởng có nhắc đến Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định rất rõ là sau khi di dời, quỹ đất đó phải được ưu tiên để sử dụng cho các cơ sở hạ tầng và cây xanh. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp không thực hiện đúng theo Quyết định đó.
Đại biểu Cường dẫn ví dụ, Nhà máy in Tiến bộ ở 175 Nguyễn Thái Học sau khi di dời chúng ta lại xây dựng Trung tâm thương mại Plaza, hay khu trụ sở ngay sau Văn phòng Quốc hội của Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện ở 61 Trần Phú cũng là công trình chức năng cao tầng, 11 tầng, còn rất nhiều trường hợp khác nữa.
“Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết chúng ta đã thực hiện đúng theo các quy định tại Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ hay chưa”, đại biểu Cường nêu câu hỏi.
Trước câu hỏi tranh luận của đại biểu Cường, điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chủ tịch thành phố Hà Nội chuẩn bị giải trình thêm.
Tuy nhiên, cuối phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, do yêu cầu đi công tác đột xuất, Chủ tịch Hà Nội đã không thể “chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Xây dựng được, dù Quốc hội có ý định dành 10 phút cho Chủ tịch Hà Nội báo cáo thêm về trách nhiệm của thành phố trong thực hiện Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng chiều nay đã có 36 đại biểu đặt câu hỏi, 1 đại biểu tranh luận và đã có 4 Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời. Kết thúc phiên chất vấn có 5 đại biểu đã đăng ký, đề nghị Bộ trưởng chuẩn bị để ngày mai trả lời. Còn 25 đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn thì xin đề nghị các đại biểu gửi bằng văn bản và Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản.

Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nói về việc "làm giá" bất động sản, công chức bình thường phải 130 năm mới mua được nhà". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan