Tràn lan hội nhóm xúi giục tự tử, bùng nợ: Hiểm hoạ… cần xoá sạch!

Google News

Nhiều hội nhóm quái đản “hướng dẫn tự tử”, “bùng nợ” tràn lan trên MXH để lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, cũng như lo ngại cho các công ty tài chính tiêu dùng.

Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an Nhân dân, Bộ Công an; TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, đều khẳng định những hệ lụy nguy hiểm của tình trạng tràn lan các hội nhóm xúi giục tự tử, bùng nợ trên mạng xã hội.
Tran lan hoi nhom xui giuc tu tu, bung no: Hiem hoa… can xoa sach!
 
Nguyên nhân tràn lan các hội nhóm xúi giục tự tử, bùng nợ
Thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm quái đản “xúi giục tự tử”, “bùng nợ”, đâu là nguyên nhân?
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu: Dưới góc độ tâm lý học hành vi, tôi cho rằng, có thể nhận định, những người muốn tự tử, quyên sinh ở tình trạng tiêu cực nhất của cảm xúc. Họ bi quan, buồn bã, chán nản, mất lòng tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Tác nhân gây ra hiện tượng tâm lý này có thể do áp lực trong cuộc sống đè nặng, như ngập trong nợ nần, kinh tế khó khăn, hoàn cảnh gia đình, mắc bệnh hiểm nghèo, nghiện ma túy hoặc khủng hoảng, đổ vỡ về niềm tin, tình người nên chán nản không còn động lực sống.
Tình trạng “sở cầu bất như ý”, không đạt được tham vọng về danh lợi, gây nên sự bi quan cũng khá phổ biến. Một hiện tượng khá đặc biệt khác là có những người sinh ra ở vạch đích, sống trong nhung lụa, dư thừa vật chất… hoặc người đã thành công ở mức độ nhất định về nghề nghiệp, kinh tế, danh vọng, vẫn cảm thấy chán đời đến mức muốn quyên sinh, vì cảm thấy nhàm chán, lạc lõng, mất phương hướng.
Nguyên nhân khách quan trực tiếp dẫn đến tình trạng cảm xúc chạm đáy có thể vì nhiều tác động bất như ý từ môi trường sống. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan, sâu xa hướng lái con người đến suy nghĩ tiêu cực muốn quyên sinh, theo tôi là “yếu đuối” ở bên trong. Nghĩa là trong nhân cách cốt lõi có những hạn chế ở phần nghị lực. Nghị lực bao gồm 3 thành tố: Nhẫn (khả năng chịu áp lực, kiên trì, nhẫn nại); dũng (sức mạnh bảo vệ lẽ phải, điều thiện, năng lực khắc phục khó khăn); tĩnh (khả năng kiểm soát cảm xúc).
Một người có nghị lực mạnh mẽ (do giáo dục và rèn luyện), có khả năng chịu được áp lực trong đời sống, dám đối mặt thử thách và chinh phục khó khăn, có khả năng tự điều chỉnh cảm xúc, kiềm chế, không manh động hành xử theo hoàn cảnh… nên những suy nghĩ tiêu cực đến mức muốn tự vẫn là điều khó có thể xuất hiện trong họ.
Khi một người đã chất chứa sẵn những suy nghĩ bi quan, chán nản, lệch lạc về cuộc sống, lên mạng và gặp những người cùng cảnh ngộ trong nhóm những người muốn tự sát, thông qua tương tác, cảm xúc tiêu cực lây lan, làm hằn đậm hơn trong họ những suy nghĩ tệ hại về cuộc đời.
Nguy hiểm hơn, lối thoát tiêu cực để trốn tránh trách nhiệm trước cuộc đời bằng cách tìm đến cái chết, được những người trong nhóm đón nhận. Tâm lý đám đông lây lan, sẽ tạo ra động lực để nhiều người tìm cách giải thoát cuộc đời.
Tran lan hoi nhom xui giuc tu tu, bung no: Hiem hoa… can xoa sach!-Hinh-2
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu 
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thời gian qua, các công ty tài chính tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp, nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen. Song hầu hết công ty tài chính này đều gặp khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao.
Nguyên nhân nợ xấu tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung, còn có yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý. Đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ.
Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên chây ỳ không trả nợ. Người trước khuyên người sau không trả nợ và thành lập hội bùng nợ lên tới hàng trăm nghìn người trên Zalo, Facebook… nhưng chưa bị xử lý.
Cán bộ công ty đi thu hồi nợ, nhắc nợ thì bị chống đối, tố cáo đến chính quyền các cấp, vu khống là dùng biện pháp manh động để đòi nợ, gây khó khăn trong việc thu hồi nợ. Cán bộ các công ty tài chính tiêu dùng gần như không tiếp cận được người vay. Thời gian qua, nhiều cán bộ lo sợ bị vu khống, khủng bố, đã xin nghỉ việc.
Nhan nhản hội nhóm hướng dẫn tự tử, bùng nợ trên mạng xã hội
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho hay, từ thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí, Cục đã yêu cầu Facebook ngăn chặn 8 group (nhóm) hướng dẫn tự tử và 43 group hướng dẫn bùng nợ.
Ông Lê Quang Tự Do nói, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đang tiếp tục thu thập thông tin để xử lý tiếp những hội, nhóm có vi phạm tương tự. Ông cũng khuyến cáo, nếu phát hiện thông tin về những nhóm tiêu cực, có dấu hiệu vi phạm trên mạng xã hội, người dùng và cơ quan báo chí cần báo ngay đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý.
Tuy nhiên, hiện trên mạng xã hội vẫn nhan nhản các hội nhóm tương tự, điển hình như "Hội những người chán đời muốn tự tử", "Hội những người muốn tự tử tập thể…", "7749 cách…", "Hội bùng app vay tiền…", "Chuyên tư vấn bùng nợ…”.
Hệ lụy từ những hội nhóm quái đản “xúi tự tử”, “bùng nợ” cho xã hội như thế nào?
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu: Hành vi tự tử luôn để lại những hậu quả nặng nề cho người ở lại và cho đời sống xã hội. Một nguồn lực lao động xã hội bị mất đi, để lại khoảng trống nhân sự trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Trong các gia đình có người tự tử, cảm xúc vô cùng nặng nề. Người ở lại có thể sống trong sự thương nhớ, đau khổ, day dứt, ân hận khôn nguôi, những người phụ thuộc mất đi nguồn cấp dưỡng, mất niềm tin vào tương lai, tình người. Bởi vậy, những hội nhóm muốn tự tử là rất nguy hại cho xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng: Từ thực trạng hướng dẫn bùng nợ trên mạng xã hội, dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao. Theo thống kê, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay lên đến 8-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Công ty tài chính tiêu dùng đang hoang mang không biết thu nợ như thế nào.
Đây là hiện tượng đáng báo động, rất nguy hiểm, ảnh hưởng an toàn hệ thống công ty tài chính tiêu dùng và ảnh hưởng trực tiếp người dân. Bởi người dân thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng… Minh chứng rõ ràng nhất, hiện nay, dư nợ 16 công ty tài chính tiêu dùng trên còn hơn 135 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 15 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Công ty tiêu dùng hoang mang lo sợ không dám mở rộng cho vay nhưng điều tôi lo sợ là mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen, song diễn biến còn rất phức tạp, sẽ là mảnh đất màu mỡ để tổ chức tín dụng đen phát triển. Người dân có nhu cầu vốn giải quyết việc cấp bách, không còn con đường nào khác phải tiếp cận tín dụng đen.
Tran lan hoi nhom xui giuc tu tu, bung no: Hiem hoa… can xoa sach!-Hinh-3
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng. 
Giải pháp… xóa sạch hiểm họa
Trước hiểm họa do các hội nhóm tiêu cực trên, ngành chức năng cần những giải pháp gì để xóa bỏ?
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu: Ngành chức năng cần làm việc với admin, yêu cầu hạ gỡ, xóa bỏ các trang, hội nhóm này, để lành mạnh hóa sinh hoạt trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh giải pháp như yêu cầu mạng xã hội Facebook ngăn chặn, xóa bỏ các nhóm hướng dẫn, xúi giục tự tử và hướng dẫn bùng nợ trên mạng xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng: Có nhiều giải pháp để tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có giải pháp nào hữu hiệu để xử lý ổ nhóm tội phạm kêu gọi bùng nợ, không trả nợ trên Zalo, Facebook, nền tảng xã hội...
Theo tôi, cần kiến nghị với cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an cùng Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ công ty tài chính tiêu dùng triệt phá ổ nhóm trên mạng, xử lý một cách thích đáng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, khuyến cáo để người dân hiểu rằng, tất cả công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đều đã lưu trữ dữ liệu tại các cơ quan chức năng...
Ở góc độ pháp lý, hành vi xúi giục người khác tự tử và bùng nợ sẽ bị xử lý như thế nào? Để ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng trên có cần xử lý án điểm để làm gương?
Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng, cùng với việc yêu cầu hạ gỡ, xóa bỏ các trang, hội nhóm tự tử, bùng nợ, cần phải xử lý nghiêm hành vi xúi giục tự tử cũng như hành vi rủ nhau bùng nợ. Đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, Điều 131 Bộ Luật Hình sự quy định hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát, tùy theo tính chất, mức độ, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Đối với hành vi hướng dẫn bùng nợ, công dân phải tôn trọng cam kết “có vay, có trả” và tuân thủ pháp luật. Vay mà cố tình không trả, rủ nhau bùng nợ là vi phạm pháp luật. Ở nước ngoài, những người như vậy sẽ bị hạn chế rất nhiều quyền lợi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với những trường hợp bùng nợ, các công ty cho vay cũng không làm được gì, nếu có kiện ra tòa, tiền nợ đòi được cũng không đủ để trả chi phí tố tụng. Cho nên, những công ty cho vay nói chung và cá nhân cho vay lẻ tẻ nói riêng rất ngại để cơ quan chức năng xử lý. Hệ quả là nhiều người bùng nợ một cách ngang nhiên. Khi những người bùng nợ hùa với nhau, kích động nhiều người để cùng bùng nợ, đây không còn là việc bội ước bình thường, mà đó là vi phạm pháp luật.
Tran lan hoi nhom xui giuc tu tu, bung no: Hiem hoa… can xoa sach!-Hinh-4
Luật sư Trương Thanh Đức 
Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: “Những người vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”… là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề là ai xử lý? Theo tôi, các cơ quan chức năng nên xử nhiều vụ để làm gương, đó là những người có khả năng trả nợ nhưng chây ì không trả. Đặc biệt, xử nặng những người kích động mọi người bùng nợ trên các hội nhóm. Khi cơ quan chức năng tập trung sức lực, nhân sự cùng làm quyết liệt thì mới có thể ngăn chặn và chấm dứt được tình trạng trên.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Nhiều hệ lụy…
Trong vụ việc cướp ngân hàng ở huyện Hóc Môn, TP HCM tháng 10/2023, các đối tượng quen biết nhau qua nhóm "Những người vỡ nợ…". Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận tham gia hội nhóm để kết bạn, nhắn tin trao đổi với nhau.
Trước đó, tháng 3/2022, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự thành phố Hà Nội bắt hai đối tượng Trần Văn Hiếu (SN 1991, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội). Hai đối tượng này sử dụng vũ khí giống súng, uy hiếp nhân viên tại một chi nhánh ngân hàng tại phường Xuân Tảo, cướp 500 triệu đồng.
Cơ quan điều tra xác định, đây là những đối tượng tham gia nhóm “Hội những người vỡ nợ…” trên Facebook, cùng lên kế hoạch cướp tài sản để trả nợ và lấy tiền tiêu.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nam thanh niên đến bãi đất trống livestream cảnh mình treo cổ tự tử
  
Hải Ninh (thực hiện)