Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bằng cách kiểm soát người ra vào tỉnh. Theo đó, nhiều tỉnh quy định người từ vùng dịch vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 như Nam Định, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Hà Nội, TP HCM...
Vì vậy, nhu cầu thực tế của người dân về giấy xét nghiệm COVID-19 là rất lớn.
Tràn lan các dịch vụ xét nghiệm
Trên các diễn đàn về xe vận tải liên tỉnh có vô vàn những lời chào dịch vụ xét nghiệm, thậm chí chỉ cần đặt xe, nhà xe sẽ tự liên hệ các nhân viên y tế đến tận nhà xét nghiệm cho khách.
|
Trên các diễn đàn về xe vận tải liên tỉnh có vô vàn những lời chào dịch vụ xét nghiệm. |
Trong vai một hành khách cần tìm nơi xét nghiệm COVID-19, PV liên hệ với 1 số địa chỉ quảng cáo trên mạng. Một nhân viên tự xưng của Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế - Phòng tiêm vắc xin Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin (có địa chỉ tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) tư vấn rất nhiệt tình. Trên các diễn đàn dành cho tài xế taxi, tài xế xe liên tỉnh cũng xuất hiện nhiều bài đăng với nội dung mời chào về dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nhà. Các quảng cáo này đều cam kết đến tận nhà lấy mẫu và thời gian hoàn thiện chỉ trong 1 giờ đồng hồ.
PV liên hệ với một người quảng cáo thuộc Bệnh viện đa khoa C.T.X. (Mỹ Đình, Hà Nội), sau khi PV cung cấp địa chỉ người có nhu cầu làm xét nghiệm, nhân viên cam kết đến tận nhà lấy mẫu.
Đúng giờ hẹn, nhân viên này đến điểm hẹn, người này mặc quần áo bình thường, không đồ bảo hộ, không có đeo thẻ hay giấy tờ chứng minh mình là người của bệnh viện. Thậm chí khi lấy mẫu, người này cũng không hề đeo găng tay, tất cả các khâu lấy mẫu dịch tễ đều thực hiện bằng tay không.
Người tự xưng là nhân viên bệnh viện C.T.X này cho biết rằng một ngày cậu phải di chuyển đến nhiều nơi, gặp và lấy mẫu cho nhiều người. Họ gộp vào để đem đến trung tâm y tế thực hiện xét nghiệm. Thời gian từ lúc lấy mẫu đến khi có kết quả là 3 giờ đồng hồ.
|
Một nhân viên tư vấn tự xưng là người của TT dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế. |
Chị L.T.H (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) có kế hoạch về quê ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Chị cho biết: "Mình hỏi mấy chỗ họ đều có dịch vụ đến tận nhà xét nghiệm và lấy kết quả trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Phí thì có nhiều mức giá khác nhau, có chỗ 150 ngàn đồng, có chỗ 380 ngàn đồng cho dịch vụ test nhanh. Còn khoảng 900 ngàn đồng đến 1,5 triệu cho dịch vụ xét nghiệm PCR."
Chị H chia sẻ: "Mình đang băn khoăn không biết các giấy này có chuẩn không. Nhưng giá cả vậy là rẻ hơn các bệnh viện. Đến bệnh viện phải xếp hàng đợi rất lâu và giá làm xét nghiệm PCR cao hơn nhiều".
|
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đảm bảo các quy chuẩn về an toàn sinh học. |
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trao đổi với PV Báo Tri thức Cuộc sống, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội) cho biết: Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả các xét nghiệm COVID-19 phải được thực hiện tại các cơ sở y tế đảm bảo về an toàn sinh học phòng chống dịch, chứ không được phép thực hiện tại nhà hay bất cứ địa điểm nào bên ngoài. Các cơ sở y tế dân lập và và cơ ở y tế công lập được cấp phép thực hiện xét nghiệm COVID-19 phải đảm bảo các điều kiện về y tế, an toàn sinh học theo quy định.
Về các trường hợp môi giới, dịch vụ lấy mẫu tại nhà, ông Tuấn cho rằng họ không đảm bảo về an toàn phòng chống dịch. Như chia sẻ của một nhân viên tự xưng của bệnh viện đến tận nhà dân lấy mẫu thì người này đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người nhưng lại không có đồ bảo hộ đúng tiêu chuẩn, quy định. Do vậy, việc người dân tự ý sử dụng các dịch vụ quảng cáo tràn lan trên mạng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Ông Khổng Minh Tuấn cũng cho biết, hiện tại không thống kê được có bao nhiêu cơ sở y tế thực hiện test nhanh COVID-19. Về việc hiện nay có nhiều cơ sở liên kết với các bệnh viện để thực hiện test nhanh dịch vụ thì Bộ Y tế không quản lý.
|
Một số tỉnh đưa ra quy định phải có mẫu test nhanh để kiểm soát dịch là chính sách riêng chứ không phải là chủ trương chung của toàn quốc. |
"Bộ Y tế, Sở Y tế chỉ quản lý các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm PCR. Các cơ sở có tư cách pháp nhân đã đăng ký test nhanh thì họ tự chịu trách nhiệm. Về công tác phòng phòng dịch chúng tôi không khuyến khích việc test nhanh. Test nhanh chỉ nên thực hiện khi trong hoàn cảnh mà năng lực PCR không đáp ứng đủ, thì người ta thực hiện" - ông Tuấn nói.
Về việc các xét nghiệm test nhanh dịch vụ qua mạng có qua được chốt kiểm dịch không thì ông Tuấn cũng không khẳng định. Theo ông, việc đó tùy thuộc vào quy định của từng địa phương.
Ông nói: "Yêu cầu giấy test nhanh là do chính sách của từng địa phương, không phải chính sách chung của toàn quốc. Các chuyên gia y tế cũng đã cho biết việc test nhanh có thể xảy ra nhiều trường hợp âm tính giả, nghĩa là nếu người bị nhiễm COVID-19 thực sự không biết và chủ quan thì sẽ lây lan dịch cho người khác".
>>> Mời xem thêm viddeo: Người lao động đổ xô đến bệnh viện xét nghiệm Covid-19 lấy "giấy thông hành" tại Đồng Nai.
Nhung Băng