Sáng 19-2, hai du khách nước ngoài đang đi bộ trên đường 23-10 đoạn thuộc xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang thì bị một con chó nặng khoảng 20 kg, không rọ mõm lao đến tấn công. Con chó đã cắn vào tay, chân một thanh niên 19 tuổi, người còn lại chạy thoát.
Chính quyền sớm vào cuộc xử lý, giữ hình ảnh TP du lịch
Nạn nhân được đưa ngay đến bệnh viện để điều trị. Bệnh viện cho biết nam du khách nước ngoài bị thương ở cánh tay phải, vết thương phức tạp. Vết thương mặt trước dài 8 cm, vết thương mặt sau dài 10 cm, đứt cơ nhị đầu tay phải.
Nạn nhân còn bị thương ở cẳng tay trái và xây xát ở đùi phải. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt lọc, khâu vết thương, khâu cơ cho nạn nhân. Hiện bệnh nhân tiếp tục điều trị tại bệnh viện, sức khỏe đã ổn định, các ngón tay đã cử động tốt.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, cho biết con chó trên là của ông ĐXT. Sau khi xảy ra vụ việc, gia đình ông T đã nhốt kỹ con chó và làm việc với chính quyền địa phương để xử lý vụ việc, đồng thời cử người đến bệnh viện chăm sóc và chịu viện phí cho nạn nhân.
|
Vị trí con chó cắn du khách nước ngoài. Ảnh: NĐ
|
Ông Dũng cũng cho biết hiện Công an xã Vĩnh Hiệp đã lập hồ sơ chuyển Công an TP Nha Trang để xem xét, xử lý theo quy định.
Ông Lưu Thành Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết đã chỉ đạo Phòng Kinh tế kiểm tra, tham mưu xử lý. TP Nha Trang phối hợp với Chi cục Thú y thành lập tổ liên ngành tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý những trường hợp chó thả rông nhằm đảm bảo hình ảnh TP du lịch thân thiện, văn minh và không để xảy ra trường hợp cắn người tương tự.
“Sau sự việc này, TP sẽ chỉ đạo các xã, phường địa phương siết lại kế hoạch nghiêm túc. Thứ nhất là xử lý vụ việc đã xảy ra, thứ hai là khởi động lại kế hoạch phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn” - ông Nhân nói.
Chủ chó phải chịu những trách nhiệm pháp lý nào?
Khi để vật nuôi tấn công người khác thì chủ vật nuôi sẽ phải chịu những trách nhiệm pháp lý gì theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Trần Thái Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trách nhiệm pháp lý đầu tiên mà chủ chó phải đối diện đó là trách nhiệm về hành chính.
Theo đó, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi nuôi chó thì chủ vật nuôi phải đăng ký tại UBND cấp xã, phải tiêm vaccine phòng bệnh dại, phải rọ mõm, xích giữ chó tại những nơi công cộng…; nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020).
Cụ thể, phạt tiền 1-2 triệu đồng nếu chủ chó không rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Trách nhiệm pháp lý thứ hai là trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do sức khỏe của họ bị xâm phạm theo Điều 590, Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, chủ vật nuôi còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Đặc biệt, trên thực tế khi chó cắn người, nhiều trường hợp chủ chó đã bị xử lý về các tội như cố ý gây thương tích; tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; hoặc tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
Tuy nhiên, mỗi vụ việc để chó cắn người lại có những hoàn cảnh, nguyên nhân khác nhau. Do đó, để xử lý trách nhiệm hình sự chủ vật nuôi trong những vụ việc như thế này thì cơ quan điều tra phải đánh giá toàn diện tính chất, mức độ và động cơ của chủ vật nuôi.
Theo PLO