Mới đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa phát thông báo gửi các khách hàng về việc thực hiện cam kết và mục tiêu trả lại toàn bộ các khoản đầu tư của khách hàng, liên quan đến 9 lô trái phiếu bị hủy.
Tân Hoàng Minh cho biết, đang tiến hành ngay các biện pháp tối ưu để khắc phục hậu quả, nhằm thực hiện đúng cam kết và mục tiêu hoàn trả toàn bộ các khoản tiền đầu tư cho khách hàng. Đồng thời khẳng định, “đang tích cực tìm kiếm các đối tác để kịp thời bán tài sản được phép và thu xếp nguồn tài chính nhằm sớm hoàn trả tiền cho khách hàng”. Tuy nhiên, vụ án mới ở giai đoạn điều tra ban đầu, một số vướng mắc pháp lý cần phải chờ ý kiến của các cơ quan chức năng nên Tập đoàn chưa thể thực hiện ngay được việc hoàn trả tiền cho khách hàng.
|
Ông Đỗ Anh Dũng. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, nếu Tân Hoàng Minh trả lại tiền trái phiếu bị hủy cho khách hàng, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, t khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án”.
Căn cứ khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này”.
Do đó, ông Đỗ Anh Dũng cùng một số bị can có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các bị can có căn cứ chứng minh không có mục đích chiếm đoạt tài sản là tiền huy động của các tổ chức, cá nhân từ việc phát hành 9 lô trái phiếu trái phép thì đó là chứng cứ gỡ tội cho các bị can.
Theo quy định tại Điều 174 bộ luật hình sự hiện hành, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài khoản cấu thành tội phạm từ thời điểm đối tượng thực hiện hành vi, bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Như vậy, để chứng minh các bị can đã thực hiện hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra phải thu thập chứng cứ các bị can đã thực hiện hành vi thể hiện "thủ đoạn gian dối" để "chiếm đoạt tài sản".
"Thủ đoạn gian dối" là đưa ra những thông tin sai sự thật hoặc những tài liệu giả mạo làm cho nạn nhân hiểu nhầm và chuyển giao tài sản. Có thể chứng minh được nếu như các tài liệu mà cơ quan điều tra đã thu thập được thể hiện việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp là không đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên chứng minh thủ đoạn gian dối trong việc thu hút đầu tư, trong các quan hệ dân sự kinh tế chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để chứng minh tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để chứng minh tội phạm, cơ quan tố tụng phải có chứng cứ để chứng minh thủ đoạn gian dối đó gắn liền với mục đích chiếm đoạt tài sản, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Nếu trong các quan hệ dân sự, kinh tế mà hành vi đưa ra những thông tin sai sự thật để giao kết hợp đồng hoặc để thực hiện hợp đồng nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, không chứng minh được hành vi chiếm đoạt tài sản, đây chỉ là quan hệ dân sự kinh tế vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Bộ luật dân sự quy định trường hợp này là vô hiệu do lừa dối.
Còn hành vi gian dối để thực hiện mục đích chiếm đoạt tài sản thì kể từ thời điểm nhận được tài sản là thời điểm tội phạm hoàn thành. Hành vi chiếm đoạt tài sản là không có ý định trả lại tài sản cho người bị hại hoặc thể hiện qua các chứng cứ chứng minh đối tượng không có khả năng trả lại tài sản như đã cam kết.
Đối với việc huy động vốn bằng vốn vay, phát hành trái phiếu riêng lẻ hoặc trong các quan hệ dân sự vay tài sản mà người vay vẫn có khả năng trả lại tài sản theo thời hạn cam kết, không thể chứng minh được yếu tố chiếm đoạt trong quan hệ dân sự kinh tế đó. Hành vi gian dối trong quan hệ dân sự kinh tế được xác định là nguy hiểm cho xã hội khi yếu tố gian dối dẫn đến việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản bất hợp pháp, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người bị hại, người bị hại không còn cơ hội nhận lại tài sản thì khi đó quan hệ dân sự, kinh tế mới chuyển hóa thành quan hệ hình sự, hành vi đó mới thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bởi vậy, trong vụ án xảy ra tại tập đoàn Tân Hoàng Minh, nếu tập đoàn này có khả năng chi trả toàn bộ số tiền đã huy động không đúng pháp luật cho các nhà đầu tư, đây là yếu tố rất quan trọng để gỡ tội cho các bị can đã bị khởi tố trước đó.
Tuy nhiên, khi đã khởi tố vụ án, cơ quan điều tra sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn để cắm chuyển dịch tài sản, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản nên việc bán các tài sản của doanh nghiệp trong thời điểm này, được sự cho phép của cơ quan điều tra. Nếu doanh nghiệp này không có tiền mặt hoặc các tài sản khác sẵn có để có thể thanh lý hợp đồng phải hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư mà chỉ chờ bán các bất động sản khác để trả nợ, phương án này là không khả thi bởi các bất động sản có thể đã bị phong tỏa.
Nếu số tiền tập đoàn này huy động của các nhà đầu tư từ việc phát hành trái phiếu vẫn được bảo quản trong tài khoản của công ty, hoàn toàn có khả năng hoàn trả lại số tiền này cho các nhà đầu tư thì đây mới là tình tiết quan trọng để chứng minh cá nhân, doanh nghiệp không có mục đích chiếm đoạt tài sản.
Nếu các bị can và doanh nghiệp này đã sử dụng số tiền huy động được vào mục đích khác, dẫn đến không có khả năng lấy lại số tiền này để trả lại cho các nhà đầu tư, đồng thời các tài sản khác của doanh nghiệp này cũng đang bị cơ quan điều tra niêm phong, kê biên, phong toả, và các biện pháp ngăn chặn khác thì mục đích trả lại tiền cho các nhà đầu tư có thể sẽ không thực hiện được tại thời điểm này.
Thông báo mới đây của Tân Hoàng Minh cho thấy, lãnh đạo Tập đoàn và các bị can mong muốn trả lại tiền cho các nhà đầu tư nhưng rất khó có thể được thực hiện khi cơ quan điều tra đang điều tra vụ án này và đang áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ để chứng minh các bị can đã thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, các bị can thừa nhận không có ý định trả lại tiền cho các nhà đầu tư hoặc cơ quan điều tra có các tài liệu chứng cứ khác chứng minh các bị can không có ý định trả lại tiền cho các nhà đầu tư, khi đó tội phạm đã hoàn thành. Việc trả lại tiền, tài sản cho người bị hại sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội sẽ là tình tiết bồi thường khắc phục hậu quả. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng không có ý nghĩa trong việc chứng minh tội phạm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng:
Hải Ninh