“So với tiêu chí Chính phủ đề ra, rằng ngày 15/9, TPHCM phải kiểm soát dịch, thành phố vẫn còn một số nội dung chưa đạt. Để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững hơn và thành phố từng bước nới lỏng, phục hồi hoạt động kinh tế xã hội, thành phố quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9.
Chiều 13/9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chủ trì buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM.
5 kết quả nổi bật trong phòng, chống dịch của TPHCM
Thông tin về một số kết quả nổi bật trong thời gian TPHCM tăng cường phòng chống dịch vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, trong thời gian dài qua, thành phố đã nỗ lực phòng chống dịch, đặc biệt trong đợt cao điểm từ 23/8 đến nay. Thời gian qua, thành phố nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, chia sẻ, tạo điều kiện của Trung ương, các địa phương bạn, người dân trong thành phố và người dân thành phố ở nước ngoài.
Thành phố cũng nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở giúp pháp đài xã phường thị trấn, doanh nghiệp phòng chống dịch tốt hơn. Đây là những kết quả quan trọng, có tính chất nền tảng.
|
Quang cảnh buổi họp báo. |
Kết quả thứ hai theo ông Mãi đó là công tác giãn cách xã hội thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả. Chẳng hạn tỷ lệ vùng đỏ, cam thu hẹp khó rõ, vùng xanh mở rộng hơn. Những ngày qua, thành phố đang rà soát, vẽ lại bản đồ vùng xanh. Tuy nhiên, qua rà soát, đến nay có 53% tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản là vùng xanh và tỷ lệ ca dương tính giảm rõ rệt qua các vòng xét nghiệm và sắp tới vùng xanh sẽ được mở rộng.
Theo ông Mãi, các địa phương như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Quận 7 đã đạt được kết quả tích cực, chiếu theo tiêu chí của Bộ Y tế thì đây là những địa phương đầu tiên của TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch. Các địa phương như huyện Nhà Bè, quận 5, 11, Phú Nhuận cũng đạt kết quả tốt. Dự kiến, ngày 15/9, một số địa phương công bố kết quả tích cực như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Quận 7.
Kết quả thứ ba, công tác quản lý, thu dung, điều trị F0 có cải thiện đáng kể. Từ quản lý F0 tại nhà, mô hình này đã được Thủ tướng đánh giá cao, phù hợp diễn biến dịch phức tạp. F0 được phân loại, tư vấn thường xuyên, tiếp cận thuốc sớm và được hỗ trợ y tế khi có nhu cầu. Vì thế, việc quản lý, thu dung, điều trị F0 tại nhà bằng cách tăng trạm y tế lưu động, sự hiện diện của tổ quân y đã giúp quản lý, thu dung, hỗ trợ F0 trở nên hiệu quả. Bên cạnh đó, năng lực điều trị tại các tầng và kết quả dùng thuốc, sự liên thông giữa các tầng cũng tốt hơn. Nhờ đó, công tác quản lý, thu dung F0 đạt kết quả tốt.
“Tín hiệu đáng mừng là số ca cấp cứu và tử vong giảm. Đây là chỉ số để thành phố dần dần tiến tới kiểm soát dịch bệnh”, ông Mãi nói.
Kết quả thứ tư là tiêm vắc xin. Đến nay, thành phố đã đạt trên 6,5 triệu người tiêm mũi 1 - trên 90% dân số trên 18 tuổi. Mũi 2 đạt trên 1,3 triệu mũi - tương đương 19% dân số trên 18 tuổi. Mức độ tiếp cận bao phủ vắc xin là điều kiện quan trọng để khôi phục cuộc sống bình thường mới và mở rộng kinh tế xã hội sau này.
Kết quả thứ 5 theo ông Mãi, trong quá trình thành phố tăng cường siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội thì từng lúc, từng địa bàn, thành phố đã mở ra một số dịch vụ. Ví dụ như thành phố đã mở rộng hoạt động của siêu thị ở xã, phường, thị trấn gắn với shipper. Với sự tham gia của hệ thống siêu thị và shipper thì việc cung ứng đơn hàng đã tăng đáng kể, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, dịch vụ ăn uống mang về sau này cũng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu ăn uống của bà con. “Dù giãn cách nhưng thành phố sẽ liên tục điều chỉnh những ngành an toàn để phục vụ người dân”, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết.
TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 toàn thành phố
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, so với tiêu chí Chính phủ đề ra, rằng ngày 15/9 TPHCM phải kiểm soát dịch, thì thành phố vẫn còn một số nội dung chưa đạt.
Do đó, để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững hơn và thành phố từng bước nới lỏng, phục hồi hoạt động kinh tế xã hội, thành phố quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9.
Một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch tốt như huyện Cần Giờ, Củ Chi, quận 7... thì có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+ để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững và thành phố có thêm sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn phục hồi, mở cửa sau dịch bệnh.
Ông Mãi cho biết, việc chuẩn bị như trên của thành phố là để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững, có sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn mở cửa sau dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, từ nay đến cuối tháng 9, thành phố tập trung các hoạt động củng cố kết quả, trong đó, tập trung cho việc tiêm vắc xin. Mũi 1 hiện đã phủ trên 90% và thành phố sẽ phấn đấu đạt được tỷ lệ mũi 1 cao nhất dù có thể khó đạt 100%. Thành phố cũng đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 2 để những trường hợp tới hạn sẽ được tiêm. Các mũi tiêm quy định 8-12 tuần mới tiêm, thành phố sẽ xem xét đẩy nhanh tiêm sớm hơn nhằm sớm phủ vắc xin. Đây là điều kiện để nhanh chóng mở cửa trở lại các hoạt động bình thường; tập trung củng cố năng lực hệ thống y tế, cơ sở; chuẩn bị kỹ kế hoạch phục hồi kinh tế sau tháng 9 trở đi.
Đồng thời, thành phố sẽ mở rộng năng lực điều trị để nâng khả năng tiếp nhận và điều trị khi tiến hành mở cửa. Tỷ lệ phủ vắc xin và năng lực điều trị của hệ thống y tế là rất quan trọng để thành phố đủ sức giải quyết các vấn đề.
Bên cạnh đó, thành phố chuẩn bị kỹ hơn kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn sau tháng 9. Cụ thể, trong tuần này, thành phố sẽ hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau tháng 9 để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân... Mục tiêu là đảm bảo phòng chống dịch, đồng thời, mở cửa an toàn trong điều kiện còn có dịch.
3 giai đoạn dự kiến mở cửa, phục hồi kinh tế của TPHCM
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 đến 31/10), người có "thẻ xanh COVID-19" có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Người có "thẻ vàng COVID-19" có xét nghiệm âm tính với nCoV được tham gia một số lĩnh vực.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10 đến 15/1/2022), TP mở rộng các hoạt động được phép cho người có "thẻ xanh COVID-19" gồm: Trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), TP lên kế hoạch mở cửa tất cả hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có "thẻ xanh COVID-19".
>>> Mời độc giả xem thêm video Sở Y tế TP.HCM đề xuất giãn cách xã hội gắn liền “Thẻ xanh Covid-19”:
Hải Ninh