TP.HCM chỉ tham gia làm sách ở góc độ chuyên môn; còn việc trình phê duyệt, in ấn, phát hành là do NXB Giáo dục Việt Nam.
Ông Đỗ Minh Hoàng giải thích Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ làm công việc lựa chọn, giới thiệu các thầy cô có nhiều năm kinh nghiệm thực tế, có trình độ giảng dạy để cùng tham gia viết sách và phản biện. Từ xưa đến nay, điều thiếu nhất của sách giáo khoa là tính thực tế, người viết SGK thường chưa được đi dạy. Do vậy Sở GD-ĐT tham gia làm bộ sách này ở góc độ chuyên môn để bổ sung sự thiếu vắng đó.
|
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định bản chất bộ SGK của TP.HCM nhưng thực chất là do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với NXB giáo dục Việt Nam thực hiện (Ảnh: Lê Huyền) |
Thưa ông, vậy bộ sách mà giáo viên TP.HCM đang chuẩn bị tham gia biên soạn có định hướng như thế nào?
- Ông Đỗ Minh Hoàng: Bộ SGK này sẽ viết theo định hướng phát triển năng lực của từng học sinh, tăng cường tính ứng dụng, giảm lý thuyết hàn lâm trong những bộ môn liên quan đến khoa học.
Một số môn học sẽ gắn với giáo dục lịch sử địa phương, lịch sử Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định; gắn với công tác giáo dục khởi nghiệp, với điều kiện kinh tế xã hội, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Như vậy bộ sách này không chỉ phù hợp với TP.HCM mà phù hợp với đặc điểm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đội ngũ giáo viên TP.HCM tham gia làm bộ sách đã chuẩn bị ra sao?
- Về cơ bản, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ, kể cả chủ biên riêng cho từng bộ môn. Nhưng quyết định lựa chọn người nào là của NXB Giáo dục Việt Nam, vì họ là đơn vị chủ biên của bộ sách còn chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp, phản biện, cung cấp giáo viên, tham gia ý tưởng để xây dựng. Tất cả mặt kinh phí về mặt phát hành, xin phê duyệt bộ sách cũng là NXB làm.
Như ông nói, đây là bộ sách không chỉ phù hợp cho TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vậy đội ngũ giáo viên các tỉnh khác có tham gia viết không?
- Hiện nay, chúng tôi chỉ tuyển chọn riêng giáo viên của TP.HCM; còn những giáo viên ở các tỉnh thành có tham gia hay không là do NXB Giáo dục Việt Nam sẽ mời. Nhưng chúng tôi khẳng định để phù hợp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì chỉ là những người TP.HCM.
Do chưa có chương trình môn học nên chúng tôi đang lấy SGK giáo khoa cũ viết lại. Sau khi viết lại thì giáo viên mang ra giảng dạy thử nghiệm với phương pháp mới hiện nay xem sự chấp nhận của học sinh như thế nào. Có nghĩa là chúng tôi vẫn đang làm những chuyện cũ nhưng theo phương pháp mới, để xem có áp được chương trình khung chi tiết của Bộ GD-ĐT hay không. Như vậy, khi có chương trình môn học chi tiết thì chỉ cần viết SGK.
Lựa chọn bộ sách nào là quyền của tổ bộ môn
Vậy bộ sách mà giáo viên TP.HCM sẽ biên soạn có kịp cho năm học tới không thưa ông?
- Hiện tại, Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố chương trình môn học nên chắc chắn năm 2019 chúng tôi vẫn chưa có sách.
Hơn nữa, sách viết xong cũng cần phải phê duyệt và thẩm định.
Chúng tôi tham gia viết sách không chỉ để cho học sinh TP.HCM, không bắt buộc học sinh TP.HCM lựa chọn. Lựa chọn bộ sách nào là quyền của thầy cô giảng dạy.
Thầy cô sẽ lựa chọn bộ sách phù hợp cho học sinh của mình. Đương nhiên, khi có cơ chế nhiều thầy cô trong trường cùng lựa chọn nhiều bộ sách khác nhau thì tổ bộ môn sẽ phải quyết định.
Tư duy của chúng tôi thầy cô là người lựa chọn bộ sách nào phù hợp với học sinh và người quyết định chọn bộ sách nào.
Ông có thể khái quát những nội dung riêng biệt mà TP.HCM sẽ đưa vào bộ sách này?
- Hiện tại, chúng tôi chưa thể nói cụ thể vì chưa có chương trình môn học chi tiết của Bộ GD-ĐT. Nhưng có những nội dung mà chúng tôi sẽ đưa vào sách, như phần lịch sử sẽ có lịch sử Đảng bộ Sài Gòn- Gia Định; lịch sử hơn 300 năm phát triển của vùng đất phía Nam. Rồi cụ thể giáo dục ngoài nhà trường thì đưa ra những môn nào để phù hợp với học sinh TP.HCM. Đặc biệt chúng tôi sẽ đẩy mạnh giáo dục khởi nghiệp để mỗi học sinh theo đúng chủ trương của Chính phủ. vì học sinh chúng tôi có điều kiện nhất.
Hiện tại TP.HCM đang có bộ tài liệu dạy học. Vậy bộ SGK do giáo viên TP.HCM tham gia biên soạn có dựa trên nội dung này hay không?
- Đương nhiên là dựa trên nội dung bộ tài liệu đã được Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ biên soạn lại để hình ảnh sinh động hơn, các ví dụ minh họa phù hợp hơn, từ ngữ sử dụng phù hợp với học sinh thành phố. Sách in ra cũng sẽ bắt mắt, đẹp hơn. Bộ sách này cũng được xây dựng trên kinh nghiệm của các thầy cô đã có nhiều năm giảng dạy, do vậy việc tăng tính ứng dụng sẽ chuẩn hơn rất nhiều.
Giáo viên sẽ lựa chọn sách cho học sinh
TP.HCM tạo cơ chế cho các trường học, các giáo viên tự chủ lựa chọn sách giáo khoa và tài liệu dạy học ra sao trong cả hiện tại lẫn tương lai như thế nào, thưa ông?
- Nguyên tắc chung của chúng tôi là giáo viên phải là người quyết định dạy học sinh bằng sách nào.
Sắp tới đây, bước đầu có thể Hội đồng sư phạm nhà trường sẽ quyết định lựa chọn sách nào. Khi quen thuộc rồi thì giáo viên lựa chọn. Có thể chọn sách Vật lý của TP.HCM soạn, còn sách Hóa của nhóm khác chẳng hạn. Giáo viên phải quyết định vì chúng ta đang dạy theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Không thể cứ mãi cầm tay chỉ việc vì sẽ không bao giờ lớn.
Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở theo nguyện vọng của học sinh, phụ huynh. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi không đồng ý! Tôi nghĩ rằng việc chuyên môn hãy để chuyên môn lựa chọn vì họ được đào tạo để làm việc đó.
Phụ huynh có thể rất giỏi nhưng giỏi ở lĩnh vực khác hoặc một phụ huynh giỏi ở việc đó nhưng các phụ huynh khác không giỏi. Nếu giao cho phụ huynh chọn sách giáo khoa thì khác nào đổ trách nhiệm?
-Xin cảm ơn ông!
Theo Lê Huyền (VietNamnet)