Tối 25/7, tại buổi họp mở rộng lần thứ 7 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM, để kịch bản thứ 3 không xảy ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề ra nhiều yêu cầu.
Trong đó, ông yêu cầu mọi người dân phải đặt mệnh lệnh cho chính mình, không được ra khỏi nhà sau 18 giờ, trừ các trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh.
Shipper sẽ có thẻ đeo
Ông Phong cho biết, chính quyền địa phương phải tập trung lực lượng siết chặt các khu phong tỏa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc tổ chức hình thức “đi chợ thay”.
Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ giúp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu vực này thì cần liên hệ tổ quản lý để có biện pháp đưa đến từng hộ dân, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp.
|
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề ra nhiều yêu cầu để phòng, chống dịch. Ảnh: LÊ THOA
|
“Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào đều phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, thậm chí tôi đề nghị Ban Thường vụ xem xét cho thôi chức” – ông nhấn mạnh.
Chủ tịch TP.HCM yêu cầu tất cả mọi người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác, trừ trường hợp cấp cứu y tế.
“Lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà. Mọi trường hợp vi phạm cách ly tùy theo mức độ sẽ xem xét khởi tố theo quy định của pháp luật” – ông nói.
Đối với hoạt động của các shipper, ông Phong đề nghị phải điều chỉnh số lượng shipper được hoạt động đến mức tối thiểu theo hướng: giảm ít nhất từ 10% so với ngày 22-7.
Cụ thể, shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện, TP Thủ Đức; có thẻ đeo, có dấu hiệu nhận diện… thể hiện thông tin cá nhân, công ty và địa bàn hoạt động. Đồng thời, phải xuất trình thông tin cho cơ quan chức năng khi kiểm tra.
Các công ty vận chuyển phải đăng ký danh sách shipper và địa bàn hoạt động cho Sở Công Thương và Sở GTVT để truy suất, kiểm tra.
Riêng các đơn vị không quản lý bằng các ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của các siêu thị…) thì phải thực hiện đăng ký và được xác nhận thẻ cho từng shipper tại các xã, phường, thị trấn, phạm vi hoạt động cũng chỉ trong địa bàn quận huyện cụ thể.
Còn người thiếu ăn là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch xã/phường
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, với quyết tâm kiểm soát lây nhiễm trong 15 ngày tới, TP.HCM cần vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, không tiếp xúc với người ngoài gia đình mình, tuân thủ 5K.... TP sẽ cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng hộ gia đình khó khăn.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, trong những ngày giãn cách, đồng bào TP, nhất là bà con lao động nghèo phải chịu nhiều thiếu thốn. TP sẽ nỗ lực cao nhất đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của bà con.
“Ở đâu còn để người dân thiếu ăn, thiếu mặc là lỗi của Bí thư, Chủ tịch phường, xã ở đó” – Bí thư Nên nói và cho biết đến nay TP đã thực hiện giải ngân gần 500 tỉ đồng với hơn 320.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp được nhận hỗ trợ.
Ông Nên nhìn nhận khi thực hiện siết chặt Chỉ thị 16, khó khăn cho mọi người là điều không thể tránh khỏi.
“Việc giãn cách dẫn đến cản trở tất yếu trong sinh hoạt, đời sống, khó khăn phiền phức đủ điều không thể tả. Tuy nhiên, khi chúng ta coi đây là cuộc chiến để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng con người thì những khó khăn gian khổ là tạm thời, sẽ là thử thách buộc chúng ta vượt qua” – Bí thư TP.HCM nói.
Theo Lê Thoa / PLO