Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày, nhu cầu đi du lịch theo dạng tour trọn gói và tự túc các dịch vụ như vé máy bay, khách sạn… vì thế cũng gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh loạt chương trình ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá dịp lễ, Tết được nhiều đơn vị kinh doanh du lịch tung ra để thu hút khách, thị trường cũng đồng thời xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt trên nền tảng trực tuyến. Dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, song vẫn không ít người “sập bẫy” lừa đảo.
Theo PLO, chỉ cần rảo quanh các trang MXH như Facebook sẽ xuất hiện nhiều tài khoản hoặc fanpage đăng tải thông tin về các tour du lịch Tết với giá “siêu khuyến mãi”, “siêu hời”... Những bài viết này thường kèm theo hình ảnh bắt mắt, lịch trình hấp dẫn và cam kết “uy tín – chất lượng”. Để tạo lòng tin, các đối tượng sử dụng những bình luận giả mạo từ tài khoản ảo khen ngợi dịch vụ hoặc khoe đã tham gia và hài lòng.
Kèm theo đó, các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi khi giả mạo danh nghĩa các công ty du lịch uy tín hoặc lập ra những công ty “ma” không có thật. Chúng sử dụng MXH, tin nhắn hoặc các cuộc gọi không rõ nguồn gốc để đăng tải và chào bán các tour du lịch Tết với mức giá rẻ bất thường.
Những chiêu trò này thường đi kèm với yêu cầu thanh toán toàn bộ chi phí hoặc một khoản tiền lớn trước khi cung cấp dịch vụ, nhưng không kèm theo hợp đồng rõ ràng hay thông tin minh bạch về đơn vị tổ chức.
Tuy vậy, những hình thức này vẫn khiến không ít người dân mất cảnh giác và trở thành nạn nhân.
Chị Trịnh Thương, ngụ quận 12, TP.HCM, cho biết mới đây chị bị mất tiền vì tour giá rẻ. Thấy trên MXH có quảng cáo tour Quy Nhơn 3 ngày 2 đêm giá chỉ 1,5 triệu đồng, rẻ hơn hẳn so với các công ty du lịch chị từng tìm hiểu. Vì muốn tiết kiệm chi phí, chị liên hệ ngay qua số điện thoại trên bài đăng. Người tư vấn rất nhiệt tình, hướng dẫn chị chuyển khoản trước 100% để giữ chỗ, còn hứa sẽ tặng voucher ăn buffee miễn phí.
“Sau khi tôi chuyển tiền 3 triệu đồng đặt 2 suất cho tôi và người yêu, họ hẹn gửi thông tin chi tiết qua email. Đợi mãi không thấy, tôi gọi lại thì không liên lạc được, tài khoản mạng xã hội của họ cũng biến mất. Lúc này, tôi mới biết mình bị lừa. Tết cận kề, số tiền dành dụm cho chuyến đi cũng mất trắng. Các đối tượng quá tinh vi, không ngờ nạn nhân lại là mình".
|
Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch. (Ảnh minh họa/VTV). |
Trên báo VOV, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Giám đốc Công ty du lịch AZA cho biết, các chiêu trò lừa đảo dịch vụ du lịch cuối năm ngày càng phức tạp và tinh vi. Các hình thức lừa đảo trong lĩnh vực du lịch như vé máy bay, phòng khách sạn, combo du lịch hay tour du lịch ma... Ngoài ra còn có hình thức lừa đảo đối với những người làm visa du lịch. Bên cạnh đó còn một hình thức lừa đảo nữa là cung cấp dịch vụ du lịch nhưng lại không giống như quảng cáo.
Hiện tượng lừa đảo du lịch không phải là mới và không phải bây giờ mới được nhắc đến hay cảnh báo. Thế nhưng vẫn rất nhiều người tiêu dùng “sập bẫy” khiến tiền mất, tật mang. Du lịch khác với các hình thức hữu hình khác, không thể nhìn hay sờ mó được và thường phải trả tiền trước (ít nhất là tiền cọc), nên du khách rất dễ bị lừa nếu như không có đủ sự tỉnh táo và kiến thức.
Bên cạnh đó, việc mua bán online được nhiều khách hàng lựa chọn nên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng nếu như giao dịch với những đơn vị và cá nhân không có uy tín. Chính vì thế, du khách cần phải lưu ý trong việc kiểm chứng thông tin, ví dụ như vào website thì phải xác định đây là trang web đúng của công ty đó.
“Bây giờ có rất nhiều tên công ty na ná, nhái tên công ty nổi tiếng. Chính vì thế khi tìm kiếm địa chỉ website cần thêm từ “chính thức”. Ngoài ra ở nhiều trang web uy tín thường có đăng ký với Bộ Công thương ở phía dưới bên tay trái, vào đó sẽ thấy trang web này được Bộ Công thương chứng thực. Tốt nhất là cần liên hệ với các công ty du lịch uy tín. Khi giao dịch thì phải là giao dịch mang tính công ty, không giao dịch cá nhân, phải chuyển tiền vào công ty và cần phải có xác nhận biên lai dấu đỏ, trước hết là bản chụp”, ông Nguyễn Tiến Đạt lưu ý.
Việc kiểm chứng thông tin của cá nhân, doanh nghiệp khi mình lựa chọn dịch vụ là vô cùng quan trọng. Mỗi người dân cần phải có kỹ năng và sự tỉnh táo trước những lời quảng cáo đầy mời gọi. Mặc dù vậy tính chất của sản phẩm du lịch là phải trải nghiệm mới biết chất lượng như thế nào, điều này cũng rất khó cho người tiêu dùng khi đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ hay các tour trọn gói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng du khách vẫn có thể kiểm tra trước được. Ví dụ như chất lượng sao thì các sao này đều được Cục Du lịch Quốc gia cấp hoặc Sở quản lý du lịch ở địa phương cung cấp và thông tin đều có thể kiểm chứng được trên trang web Cục Du lịch Quốc gia hoặc Sở, ngành địa phương. Ngoài ra có thể lên các web đặt phòng, khách sạn uy tín để kiểm tra.
Nói về thủ đoạn lừa bán tour giá rẻ nhằm chiếm đoạt tài sản, bà Trần Phương Linh, Giám đốc tiếp thị công nghệ thông tin, Công ty BenThanh Tourist cho rằng, để tránh bị lừa đặt tour, dịch vụ vé máy bay dịp Tết, khách hàng nên cẩn trọng, kiểm tra kỹ thông tin khi đặt dịch vụ qua mạng.
Trước khi quyết định đặt tour hoặc dịch vụ du lịch, người dân cần thận trọng và tìm hiểu kỹ thông tin về công ty du lịch hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ đó. Nên chọn các đơn vị có uy tín, được chứng nhận và có đầy đủ giấy tờ, giấy phép kinh doanh.
Nếu có bất kỳ nghi ngờ hoặc phát hiện bất thường nào liên quan đến các hoạt động du lịch, người dân cần thông báo cho cơ quan chức năng và không chuyển tiền cho bất kỳ ai trước khi xác định rõ nguồn gốc và độ tin cậy của đơn vị đó.
Bình Nguyên