Ngay sau khi thông tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần được công bố, lãnh đạo và đại sứ nhiều nước đã gửi điện chia buồn, bày tỏ sự kính trọng đối với sự nghiệp, di sản mà Chủ tịch nước để lại, đồng thời bày tỏ lòng cảm thông và tiếc thương trước sự ra đi của ông.
Lãnh đạo Nga, Nhật, Ấn Độ gửi điện chia buồn
Trong điện chia buồn gửi tới Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chia buồn trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
"Chủ tịch nước Trần Đại Quang xứng đáng với sự kính trọng của đồng bào mình (Việt Nam) và uy tín quốc tế cao cả, ông đã làm được rất nhiều điều để củng cố nền an ninh quốc gia của đất nước và để bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên trường quốc tế", trang điện tử Điện Kremlin trích dẫn một đoạn trong điện chia buồn của Tổng thống Putin.
|
Bức hình đen trắng Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt tay Tổng thống Putin được đăng tải trên Facebook Đại sứ quán Nga tại Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Nga tại Việt Nam. |
Trên phương diện quan hệ song phương Việt - Nga, Tổng thống Putin nhận xét Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có đóng góp cá nhân to lớn phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và hợp tác song phương cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực.
Tổng thống Putin cho biết ông đã nhiều lần gặp gỡ Chủ tịch nước Trần Đại Quang và dành sự tôn trọng to lớn chân thành cho cố lãnh đạo Việt Nam bởi sự sáng suốt, tầm nhìn xa về chính trị, khả năng khéo léo đi sâu vào các vấn đề phức tạp nhất trong thảo luận.
Tổng thống Putin gửi sự đồng cảm chân thành đến người thân, gia quyến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tới toàn thể nhân dân và Chính phủ Việt Nam.
Trong ngày 21/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
"Tôi hết sức bàng hoàng và vô cùng thương tiếc khi nhận được tin Ngài Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Việt Nam, vừa từ trần. Thay mặt cho chính phủ và nhân dân Nhật Bản, tôi xin gửi tới Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, người dân Việt Nam và gia quyến Ngài Chủ tịch nước lời chia buồn sâu sắc nhất", bức điện chia buồn có đoạn.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ lòng kính trọng trước việc Chủ tịch nước đã chủ trì thành công Hội nghị cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng, nhất là những đóng góp to lớn trong việc ký kết Hiệp định TPP11 tại Hội nghị.
Ông Abe cho biết Nhật Bản, với tư cách là đối tác chiến lược của Việt Nam, vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người mà với sự lãnh đạo sáng suốt của mình đã xây dựng nên quan hệ hợp tác gắn bó trên các lĩnh vực sâu rộng giữa hai đất nước. Nhà lãnh đạo Nhật Bản "cầu mong Chủ tịch nước Trần Đại Quang yên giấc ngàn thu".
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ trên trang Twitter cá nhân "lời chia buồn sâu sắc tận trong tim tới nhân dân Việt Nam và gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang".
Ông Modi sau đó đăng tải hình ảnh ông cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang sánh bước bên nhau trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước tới Ấn Độ tháng 3 vừa qua và ca ngợi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dành "tình bạn vĩ đại" cho Ấn Độ.
|
Bức ảnh chụp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Modi được nhà lãnh đạo Ấn Độ đăng tải trên Twitter cá nhân. Ảnh: Narendra Modi |
Đại sứ Mỹ, Anh, Canada bày tỏ lòng tiếc thương
Không lâu sau khi thông tin về sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được công bố, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã đăng tải thông điệp chia buồn và tiễn đưa lên trang Facebook cá nhân.
"Chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm thông tới gia đình ông và nhân dân Việt Nam vào thời khắc đau buồn này. Thay mặt phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần", Đại sứ Kritenbrink viết.
Đại sứ Mỹ đánh giá Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một người bạn lớn của mối quan hệ Việt - Mỹ, ca ngợi sự tiếp đón nồng hậu mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Việt nam tháng 11/2017 đã góp phần đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ lên một tầm cao mới.
|
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội tháng 11/2017. Ảnh: CNN. |
Đại sứ Kritenbrink cho biết nước Mỹ bày tỏ sự trân trọng đối với di sản mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang để lại và lòng tiếc thương trước sự ra đi của ông.
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward là một trong các nhà ngoại giao nước ngoài cuối cùng gặp mặt Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi tới trình quốc thư nhận nhiệm vụ hôm 7/8. Ngày 21/9, Đại sứ Ward cũng đăng tải lời chia buồn trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang lên mạng xã hội Facebook.
"Cách đây hơn một tháng, tôi đã có dịp được gặp ông. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, người thân của ông và toàn thể người dân Việt Nam", ông Gareth Ward viết.
|
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward trình quốc thư lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 7/8. Ảnh: Đại sứ quán Anh. |
Trong khi đó, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam nhắc lại chuyến thăm của Thủ tướng Justin Trudeau tới Việt Nam năm 2017 và được Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đón thân tình.
"Chúng tôi xin chia buồn với gia đình và bạn bè thân hữu của Ngài Chủ tịch nước và toàn thể nhân dân Việt Nam mà Ngài đã trung thành phụng sự", trang Facebook đại sứ quán Canada tại Việt Nam viết.
Đại sứ quán Canada miêu tả Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người bạn tốt của cộng đồng Pháp ngữ, là nhà lãnh đạo đã góp phần giúp Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc và tin rằng Chủ tịch nước Trần Đại Quang "sẽ được nhớ đến bởi đã đem lại sự thịnh vượng cho nhân dân Việt Nam trong thời gian vừa qua".
Theo Duy Anh/Zing.vn