Nâng khống giá thiết bị, chi tiền hoa hồng “khủng”
Ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương cùng 5 bị can khác liên quan vụ sai phạm Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tháng 4/2020, Bộ Y tế cấp phép cho Công ty Việt Á đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm SARS-CoV-2. Từ đó đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
|
Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt và Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến. |
Đáng chú ý, quá trình kinh doanh và tiêu thụ Kit xét nghiệm COVID-19, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID của các địa phương trên cả nước và việc sản phẩm Kit test COVID thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành.
Để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng không giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm COVID cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng. Hành vi của Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan tại CDC Hải Dương, Công ty Việt Á có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng".
|
Trụ sở CDC Hải Dương |
Còn những ai sẽ bị gọi tên?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là hành vi rất đáng lên án và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Việc Cơ quan điều tra Bộ Công an phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm như thế này là rất cần thiết.
“Thời điểm dịch diễn biến phức tạp, nhiều biện pháp chống dịch được áp dụng, trong đó có giãn cách xã hội, kiểm soát người đi lại bằng cách yêu cầu phải có xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp test nhanh hoặc PCR. Có thời điểm, giá giá xét nghiệm lên đến hơn 1.000.000 đồng một lần giá test nhanh cũng khoảng 3 đến 4 trăm nghìn đồng và ba ngày lại xét nghiệm một lần. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã phải chi số tiền lớn trong suốt hơn 1 năm qua cho việc xét nghiệm để đủ điều kiện lưu hành. Vụ việc trên một lần nữa cho thấy, không ít cán bộ ngành y tế suy thoái về đạo đức, lối sống, bị cám dỗ vật chất bắt tay với các doanh nghiệp để nâng khống giá thiết bị, chiếm đoạt rất nhiều tiền của nhà nước, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với các cấp chính quyền, với ngành y tế”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Thông tin vụ việc trên cho thấy, có sự thông đồng giữa doanh nghiệp cung cấp vật tư y tế đối với lãnh đạo ngành y tế ở địa phương để doanh nghiệp đặc quyền, đặc lợi, được chỉ định thầu. Từ đó, công ty Việt Á đã bán được số vật tư y tế lớn, doanh thu 4000 tỷ đồng, dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước, làm tăng giá xét nghiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân. Do đó, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vi phạm pháp luật được các đối tượng thực hiện như thế nào, vai trò của từng đối tượng và hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xác định trách nhiệm pháp lý cụ thể. Đồng thời, thu giữ các tài sản để đảm bảo khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản cho nhà nước.
|
5 đối tượng khác bị khởi tố trong vụ án. |
Với hành vi, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại cho nhà nước số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên thì các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm theo điều 222, BLHS năm 2015 về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
“Các đối tượng đã cấu kết với nhau để nâng khống giá vật tư y tế khiến nhà nước phải chi một số tiền rất lớn, đồng thời khiến hoạt động xét nghiệm đối với nhân dân bị đổi giá, hai lần thiệt hại xảy ra đối với xã hội. Bởi vậy mức hình phạt đối với các bị can trong những vụ án như thế này sẽ rất nghiêm khắc. Ngoài ra, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, trong vụ án này, người có vai trò chính có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Các bị can thực hiện vai trò giúp sức tích cực, hưởng lợi lớn cũng sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc”, luật sư Cường cho biết.
Theo luật sư Cường, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, mở rộng điều tra đối với các địa phương khác, để làm rõ các sai phạm có liên quan của các bị can, giải quyết vụ án một cách triệt để, công bằng, đúng pháp luật.
“Quá trình điều tra nếu cứ có căn cứ cho thấy các đối tượng còn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như đưa hối lộ, nhận hối lộ, rửa tiền, trốn thuế... thì sẽ tiếp tục khởi tố thêm các tội danh khác và xử lý đối với các những người vi phạm theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường cho biết.
Từ nhiều vụ án liên quan nâng giá thiết bị vật tư y tế đã được phát hiện xử lý như vụ án xảy ra ở CDC Hà Nội, Bệnh viện tim Hà Nội, bệnh viện Bạch mai, bệnh viện Thủ Đức...đến vụ án xảy ra tại CDC Hải Dương, công ty Việt Á này cho thấy, vấn đề mua sắm máy móc thiết bị y tế, vật tư y tế ở các bệnh viện công, các cơ sở y tế đã trở thành vấn nạn nhức nhối, nhiều sai phạm nghiêm trọng, nhiều cán bộ ngành y tế, trong đó có cả các cán bộ cao cấp bị khởi tố bắt giam nhưng vẫn tiếp tục xảy ra. Đã đến lúc phải thực hiện một cuộc "đại phẫu" trong lĩnh vực y tế để sàng lọc, loại bỏ các bác sĩ thiếu y đức, thiếu chuẩn mực để đảm bảo tốt hơn chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe nhân dân, an toàn cho cộng đồng, xứng đáng nghề thầy thuốc, được xã hội kính trọng.
Phong tỏa, kê biên nhiều tài sản:
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến...
>>> Mời độc giả xem thêm video Lý do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố:
Hải Ninh