“Tống cựu nghinh tân” để nhìn lại… biết mình hơn

Google News

Tết là dịp nghỉ ngơi, nhìn lại những gì trong năm qua, từ đó con người ta thực lòng hơn với chính mình, biết mình hơn.

Một trong những phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về là tục “Tống cựu nghinh (nghênh) tân”, đưa cái cũ đi, đón cái mới đến. Người dân dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa, tống tiễn những khó khăn vất vả năm cũ và dành chỗ cho những may mắn trong năm mới.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trò chuyện với Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ về tục “Tống cựu nghinh tân”.
“Tong cuu nghinh tan” de nhin lai… biet minh hon
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ  
Tiễn cũ đón mới… nét văn hóa đẹp của người Việt
Tết cổ truyền dân tộc với người Việt luôn có nhiều ý nghĩa?
Tết Nguyên đán là dịp mà mỗi người chúng ta nhìn lại một năm đã làm và chưa làm được gì và cùng nguyện cầu những điều tốt đẹp, bình an đến với bản thân và gia đình trong năm mới. Tết cũng là dịp con người hướng đến nguồn cội, các thành viên trong gia đình được đoàn viên. Tết cũng là lễ hội đặc biệt trong tổng thể các lễ hội của người Việt.
“Tống cựu nghinh tân” thể hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống. Người dân thường dọn dẹp nhà cửa, sắm đồ mới, tống tiễn những khó khăn vất vả, đón chờ những điều may mắn, ông có thể giải thích thêm về tục này?
"Tống cựu nghinh tân" là một thành ngữ Hán - Việt, nghĩa là tiễn cũ đón mới. Thành ngữ này thường ứng dụng vào dịp Tết cổ truyền của phương Đông. Tùy từng vùng văn hóa, tùy từng điều kiện thực tế mà tạo nên những bản sắc văn hóa khác nhau.
Trong sự tích hợp các phong tục, nghi lễ đó, mỗi thứ có những cội nguồn khác nhau. Riêng tục dọn nhà thôi đã có rất nhiều tín ngưỡng được đồng thời thực hành như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng tôn giáo, chưa kể tinh thần cố kết cộng đồng, tập quán vệ sinh cộng đồng...
Tục dọn nhà, bao sái bàn thờ, trang hoàng nhà cửa đã mở rộng ra là vệ sinh thôn làng, tát ao thay nước, đo lối sửa đường, tu bổ đình quán, dựng cổng chào cây nêu... là phong tục tốt đẹp, mang tính cộng đồng cao.

Trong một lễ cúng Giao thừa thôi, tích tụ vào đó tục thờ cúng tổ tiên và cả các nghi thức tôn giáo: bài cúng, lễ cúng, nghi thức cúng, các biểu tượng cúng... rất phong phú. Trong một tập quán, tích tụ nhiều văn hóa, tạo nên giá trị và bản sắc cộng đồng Việt Nam, bất chấp nó có cội nguồn từ đâu. Tất cả nằm trong một "hệ giá trị văn hóa Tết" đã tồn tại lâu dài trong lịch sử.

Mỗi người nhìn lại mình để phát triển
Người Việt thường nhìn lại mặt chưa được của bản thân trong năm cũ để khắc phục, tự sửa để năm mới tốt đẹp hơn. Từ tục này, mở rộng đến vấn đề kinh tế văn hóa, xã hội, năm 2023 cũng sẽ khởi sắc?
Thờ cúng tổ tiên là tâm thức hướng nguồn, còn dành thời gian nghĩ về cái "cũ" của chính mình là tâm thức hướng nội. Tết là dịp nghỉ ngơi để nhìn lại mình đã làm được gì trong một năm qua. Cái gì đạt được thì mừng và tiếp tục phát huy, cái gì chưa được cần rút ra bài học mà cố gắng. Đã gọi là hướng nội, con người ta thực lòng hơn với chính mình, tóm lại là "biết mình" hơn. Đó cũng là lợi ích của việc nghỉ Tết.
Với một thiết chế chính trị - xã hội, đó cũng là thời gian tổng kết năm, rút ra những thành công và thất bại trong các kế hoạch phát triển.
Với cách nhìn qua nghiên cứu văn hóa, tôi nghĩ rằng, cuộc sống trong năm tới sẽ vận động phức tạp hơn và sẽ khó khăn hơn, trước hết là lạm phát, công ăn việc làm đối diện với khó khăn, dịch bệnh rình rập, tình hình thế giới bất ổn...
Với thói quen của người vốn sống vất vả, tôi nghĩ rằng, trong dịp Tết, cần có tinh thần đón đợi những thử thách cam go mà năm 2023 đem đến. Kỳ vọng điều tốt đẹp nhưng không ảo tưởng. Yếu tố ngẫu nhiên thử thách bao giờ cũng nhiều hơn những dự định và kế hoạch. Tinh thần kiệm ước và cố gắng hành động thực tế của từng người sẽ tạo nên nội lực vững vàng cho cả xã hội, nó tạo nên mạch nước ngầm cơ bản cho cả cánh rừng xã hội xanh tươi.
“Tong cuu nghinh tan” de nhin lai… biet minh hon-Hinh-2
 
Tết cổ truyền có nhiều thay đổi để phù hợp với nhịp sống,“Tống cựu nghinh tân” không làm mất đi truyền thống văn hóa mang đậm cốt cách, văn hóa và tinh thần người Việt mà sẽ giúp phát triển hơn?
Thay đổi là tất yếu của bất cứ di sản văn hóa nào. Tết cũng vậy. Cái "dĩ bất biến ứng vạn biến" chính là hệ giá trị và bản sắc văn hóa. Còn trên thực tiễn, biểu hiện mỗi lúc, mỗi vùng một khác. Dẫu phát triển đến mức nào, tiếp biến đến mức nào đi nữa thì thời gian một đời người cũng là kết quả của ngàn đời để lại. Với hệ di sản văn hóa Tết, cần coi đó là một dạng tài nguyên tinh thần để thấu hiểu, bảo tồn và phát triển nó trong tổng thể kinh tế và chính trị xã hội.
Tại Đại hội văn hóa toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa đến thông điệp quan trọng cho sự phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ hiện đại. Ý thức của Đảng về sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa song song với nhau đã được một lần nữa nhấn mạnh. Trong đó, với văn hóa, sự giao lưu, tiếp biến cần hài hòa với việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Văn hóa dân gian là nền tảng của văn hóa dân tộc. Mỗi quốc gia, mỗi vùng văn hóa sẽ lựa chọn sự phát triển của mình để tạo nên một thế giới đa bản sắc, đa cực về văn hóa.
Nhưng không chỉ định hướng và kỳ vọng, mà thiết thực hơn phải là đầu tư nguồn lực, kế hoạch và hoạt động thực tế cho tài nguyên văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa dân gian. Nhật Bản một thời đầu tư mạnh mẽ vào âm nhạc bác học, Hàn Quốc từ 1990 đầu tư trọng điểm cho nền điện ảnh. Còn chúng ta? Chúng tôi thấy rằng, truyền thống văn hóa dân gian là một môi trường mênh mông, thiết thực cho chủ trương "vì dân và do dân", cho nên rất cần chú tâm, bỏ công sức, trí tuệ và nguồn lực cho việc đó.
Tết cổ truyền nay cũng có nhiều đổi thay, chúng ta cần có cách ứng xử với Tết thế nào cho đúng?
Tết xưa cũng như các lễ hội khác là dịp để mọi người về với quê cha đất tổ, về với gia đình. Đó là phương thức hành hương, một nét đẹp trong văn hóa lâu đời của người Việt. Ngày nay, ngày Tết vẫn có những chuyến tàu Tết, xe Tết đón bà con xa xứ trở về quê hương. Tuy nhiên, lại có một số người có xu hướng tổ chức đón Tết vui vẻ bằng phương thức khác như đi du lịch. Đây là sự vận động của văn hóa, một khi đã có dòng chảy chính thì ắt sẽ xuất hiện dòng chảy phụ nhằm làm nền văn hóa đa dạng, phong phú hơn.
Nhìn chung, Tết xưa và Tết nay chỉ khác ở cách ứng xử, thể hiện. Thời xưa, đại bộ phận người dân làm nông nghiệp, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên việc đón Tết là hướng đến sự no đủ, ấm áp. Khi ấy, sự chênh lệch giữa ngày Tết và ngày thường rất lớn. Ngày nay, đất nước đã có sự phát triển vượt bậc, nhìn chung đời sống của người dân đã ấm no, hạnh phúc hơn, giữa ngày Tết với ngày thường đã không còn sự chênh lệch lớn. Nhưng khi mà mục tiêu hướng đến ngày Tết đã đạt được trong ngày thường, con người lại nghĩ đến cách tổ chức, cách chơi Tết khác đi, bởi Tết luôn đòi hỏi sự khác biệt. Chúng ta cần gìn giữ những hành vi mang tính truyền thống như tục “Tống cựu nghinh tân”.
Xin cảm ơn Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ về cuộc trao đổi trên!
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội: Người dân sẽ trải nghiệm xe đạp công cộng dịp Tết Quý Mão
  
Hải Ninh (thực hiện)