80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đau đáu với quyết tâm phòng chống, tham nhũng, tiêu cực, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.
“Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa để không phải xót xa ân hận về những việc làm ty tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”.
Đó là lời căn dặn đầy tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với cán bộ, đảng viên.
13h38 ngày 19/7/2024, khi trái tim của người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh, một nhân cách lớn ngừng đập, câu nói này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại được Nhân dân cả nước nhắc đến với tất cả niềm kính trọng, tiếc thương vô hạn.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá Giáo dục) - nói rằng, ông và rất nhiều người rất tâm đắc với lời căn dặn trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”, ông nhìn nhận thế nào về lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều phát ngôn ấn tượng, thấm vào lòng dân, cán bộ, đảng viên. Đây là những di sản vô cùng quý báu.
Một trong số đó là: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa để không phải xót xa ân hận về những việc làm ty tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”.
Đó là lời nhắc nhờ sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với cán bộ, đảng viên, mang thông điệp họ phải luôn coi trọng danh dự, bởi vì danh dự là điều thiêng liêng nhất.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã vận dụng được những nguyên lý của Đảng ta, nhưng đồng thời cũng vận dụng tinh thần nhân văn, nhân ái.
Câu nói trên đã răn dạy rất mạnh mẽ đối với những người tham nhũng hoặc có ý định tham nhũng. Trước những cám dỗ vật chất, quyền lực ngày càng tinh vi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn gửi đến cán bộ, đảng viên lời nhắn nhủ, nếu không vượt qua được chính mình, không giữ được danh dự, liêm sỉ, thì không chỉ cá nhân đó mất hết, mà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đây là bài học rất lớn trong phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhắc nhở, muốn làm đảng viên, cán bộ, trước hết phải là con người chân chính, biết trọng liêm sỉ, danh dự. Bởi, danh dự là thứ cao quý nhất trên đời, biểu hiện cao nhất của liêm sỉ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng chia sẻ một trong nhiều ý kiến của người dân nhắc nhở rất sâu sắc cán bộ, đảng viên: "Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là liêm vậy. Người liêm khiết bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, 'dĩ công vi thượng' và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung.
Người liêm khiết luôn giữ nhân cách mình vẹn toàn, thanh danh thơm tho, không lợi dụng địa vị của mình để chiếm công vi tư, nhũng nhiễu, bóc lột đồng loại. Chung quy, một người liêm chính là người tài đức xứng với danh vị của mình, với chức tước, phận vị của mình”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Chức tước như phù vân". Ông căn dặn cán bộ, đảng viên: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Đồ họa: Trương Huyền.
Những trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là gì, thưa ông?
Từ năm 2011, đất nước ta có nhiều chuyển biến cả về kinh tế - xã hội như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ tháng 2/2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban được xem như bước ngoặt. Đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt, hiệu quả cao.
Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải phòng, chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống như Tổng Bí thư từng nói: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng. Đây là cái gốc, cái cơ bản, cần phải chống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền quyền lợi chính trị, chức quyền với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống…".
Đồng chí Tổng Bí thư đã có nhiều câu nói rất ấn tượng, sâu sắc. Đó là “Phòng chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, ngày càng quyết liệt”; “ Phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù người đó là ai”; “Phòng chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”… Những câu nói thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến cùng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn nhiều câu nói mà tôi cho là để đời, di sản vô cùng quý báu cho công cuộc phòng, chống tham nhũng như: “Lò đã nóng lên rồi, củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu”; “Phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây”…
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều câu nói thể hiện sự trăn trở và cũng rất nhân văn: “Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm”; “Xử một vài người để răn đe giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm. Cảnh tỉnh, cảnh báo ngăn ngừa là chính chứ không phải xử nhiều, xử nặng, đấy mới là nghiêm”…
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đưa ra chủ trương mà tôi cho rằng rất nhân văn như: “Nếu đã vi phạm rồi, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất là xin thôi. Thế là nhẹ nhàng, nhân văn nhất. Đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử cho thật nặng"; "Anh nào ở địa phương không làm được thì xử lý, thay thế. Đã không xứng đáng thì thôi, từ chức đi. Đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất”.
Thực tế, thời gian qua, rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước thấy mình có dấu hiệu vi phạm nên tự viết đơn xin từ chức. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng ta đã xử lý vừa rất kiên quyết, có lý, có tình và cũng rất nhân văn, chứ không phải truy đến cùng, mà tạo điều kiện cho cán bộ thấy sai xin lỗi Đảng, xin lỗi Nhân dân, tự nguyện viết đơn xin từ chức.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta thời gian qua rất có hiệu quả. Mục đích cuối cùng không phải muốn đưa cán bộ vào vòng lao lý, mà tạo điều kiện để họ ăn năn, hối lỗi.
Mục tiêu thứ hai là thu hồi tài sản do tham nhũng một cách triệt để, cũng là sự thành công trong suốt thời kỳ Tổng Bí thư làm Trưởng ban phòng, chống tham nhũng.
Với những di sản quý báu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới sẽ “không ngừng, không nghỉ”?
Tôi tin và kỳ vọng rằng, với di sản rất lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại ở tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các đồng chí sau này sẽ kế tiếp một cách xứng đáng; tiếp thu, phát huy tính chiến đấu và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên.
Nội dung: Hải Ninh
Đồ họa: Việt Hưng