Ngày 23/10, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhân sự kiện này, PV Kiến Thức đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, Thiếu tướng đánh giá thế nào về sự kiện trọng đại này?
Rất tuyệt vời. Trong bối cảnh hiện nay, Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là rất phù hợp, mà lẽ ra phải diễn ra từ lâu rồi. Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước rất đúng với nguyện vọng của Nhân dân và xu thế của Quốc tế.
Nhất là vừa qua, Trung ương chỉ đạo vấn đề tinh giản bộ máy biên chế, mà một trong những Bộ, ngành thực hiện rất nghiêm túc đó là Bộ Công an. Tôi nghĩ các Bộ, ban ngành khác cũng nên theo chỉ đạo của Trung ương học tập Bộ Công an để thể hiện một bộ máy tinh giản trong xu thế hiện nay, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước và xu thế của thời đại.
Việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.
|
Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với xu thế quốc tế và được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. |
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua gần 2 nhiệm kỳ đảm nhiệm vị trí người lãnh đạo cao nhất của Đảng để lại dấu ấn đậm nét nhất trên mặt trận chống tham nhũng. Ông có cho rằng khi giữ chức Chủ tịch nước, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang thực hiện sẽ được đẩy mạnh hơn?
Việc chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là vai trò của Tổng Bí thư, đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tôi cho là rất sáng suốt. Vấn đề đầu tiên là chống tham nhũng, nếu không ngăn chặn, không đẩy lùi thì đó là một nguy cơ thật sự, mà như vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói khiến tôi rất đồng tình. Đó là coi tham nhũng như “giặc nội xâm”.
Việc làm của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương... thể hiện sự kiên quyết và thực tế đã loại ra một số cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp dính đến những vụ tham nhũng lớn có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến vấn đề chính trị của đất nước, đến nền kinh tế của đất nước. Thậm chí, tác động trực tiếp đến vấn đề quốc phòng, an ninh. Tôi cho rằng, những chỉ đạo vừa qua đã thể hiện tính quyết liệt, liên tục và nên trở thành cách làm thường xuyên, lâu dài.
- Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ nâng cao vai trò của Đảng, uy tín của Đảng sẽ được tăng lên rất nhiều, Thiếu tướng nhìn nhận sao về ý kiến này?
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Bác Hồ vừa là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ làm cho vai trò của Đảng được đẩy lên một tầm cao mới. Hoạt động của Nhà nước càng mạnh thì vai trò của Đảng càng được khẳng định, càng phát triển.
Chính Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ làm vai trò của Đảng mạnh lên rất nhiều, uy tín của Đảng sẽ được tăng lên. Góp phần tinh giản được bộ máy. Bộ máy Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước khi đan xen vào nhau thì trách nhiệm được nâng lên rất nhiều, buộc những thành viên phải thể hiện được tầm, trách nhiệm mới.
- Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, riêng bản thân ông có những sự kỳ vọng gì?
Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ mở ra một chương mới. Khi Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, quyền lực tập trung sẽ đẩy lên một tầm cao mới, góp phần thực hiện các chính sách một cách có hiệu quả cao, thúc đẩy sự phát triển đất nước một cách mạnh mẽ hơn.
"Đồng chí Nguyễn Phú Trọng hội tụ những năng lực đặc biệt, có đạo đức trong sáng và mẫu mực, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức lý luận chuẩn mực và mạch lạc, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, phương pháp làm việc khoa học, khả năng quy tụ cao, sự lan tỏa mạnh mẽ… Nhân dân cả nước mong muốn đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Việt Nam và có niềm tin sâu sắc đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân giao phó".
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội).
“Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước chắc chắn từ chỉ đạo mang tính định hướng của Đảng đến những công tác lập pháp mang tính cụ thể của Nhà nước sẽ đồng bộ, thống nhất và đẩy nhanh được quá trình cải cách thể chế của nước ta, cũng như đẩy mạnh phòng chống tham nhũng. Đồng thời, thuận lợi hơn trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong quan hệ quốc tế. Ngoài ra, trong hiến pháp, Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang, nhưng do cơ chế lãnh đạo của nhà nước thì Tổng Bí thư giữ cương vị Bí thư quân ủy Trung ương. Chính vì vậy, nếu Tổng Bí thư làm Chủ tịch Nước thì chúng ta thực hiện trọn vẹn hiến pháp, vừa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của Đảng một cách trực tiếp toàn diện với lực lượng vũ trang nhưng đồng thời thực hiện đúng hiến pháp đã nêu”.
ĐBQH Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết.
“Tôi cho rằng, bản thân đồng chí Nguyễn Phú Trọng nếu không phải là cương vị Chủ tịch nước thì với vai trò là Tổng Bí thư, đồng chí cũng đã và đang thực hiện vai trò rất cao.
Đặc biệt trong lãnh đạo, điều hành Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cũng như lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị trong thời gian qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tôi đánh giá rất cao từ các mặt công tác. Đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng, quan tâm đến an sinh xã hội.
Tôi tin rằng, đồng chí Tổng Bí thư đảm nhiệm thêm trọng trách là Chủ tịch nước, tôi tin sự điều hành, chỉ đạo nhất quán sẽ phát huy hơn nữa khả năng của minh với trọng trách được Quốc hội tín nhiệm và bầu sắp tới”.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng.
Hải Ninh