Ban Nội chính Trung ương cho biết, sáng ngày 16/8, đã diễn ra Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phiên họp thảo luận, cho ý kiến về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm 2023 và nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay. Đồng thời, xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm và thời gian tới.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
|
Trước đó, ngày 10/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phiên họp đã xem xét kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo và nhiều nội dung quan trọng khác.
Theo đó, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức đảng, hơn 3.600 đảng viên.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng, 26 cán bộ cấp Giám đốc Sở và tương đương trở lên, trong đó có 1 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, 2 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Các cơ quan chức năng qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển 137 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 232 tập thể và 1.146 cá nhân.
Từ đầu năm đến tháng 5/2023, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật, xử lý hình sự nhiều trường hợp vi phạm trong lực lượng này. Điển hình như khởi tố, điều tra 2 thiếu tướng đã nghỉ hưu trong lực lượng vũ trang; 2 cán bộ Tòa án nhân dân và 01 cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân; 14 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia và 12 cán bộ thanh tra các địa phương.
Xử lý kỷ luật 12 cán bộ là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Trưởng phòng, Trưởng Công an một số huyện, thành phố của tỉnh An Giang;...
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả; công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở có nhiều chuyển biến rõ rệt, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện như: Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu,...
Tại cuộc họp hồi tháng 5 cũng đề ra một số nhiệm vụ, trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm tỉnh, thành phố...
Đồng thời, khẩn trương kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng
Hải Ninh