Những vụ việc trộm cắp này thêm một lần cảnh báo cho một hiện tượng đã thành... “truyền thống” là cứ vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các vụ trộm cắp nhằm vào tài sản của người dân lại có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, những ngày giáp Tết là thời gian đạo chích lợi dụng sơ hở của người dân để ra tay.
Sơ hở là... khoắng
Rạng sáng ngày 31-1-2018 vừa qua (ngày rằm tháng Chạp) anh Phạm Hoài N. (trú tại chung cư Gemek Tower xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) chủ nhân chiếc xe Toytota Camry 2.4 đỗ tại sân chung cư giật mình khi phát hiện chiếc xe đã bị “vặt” khá nhiều đồ gồm 2 chiếc gương, logo trước và sau, trị giá hàng chục triệu đồng.
“Chung số phận” với anh là hàng chục chủ nhân của nhiều xe ô tô khác cũng bị đạo chích “xơi” mất gương, logo, cần gạt nước, thậm chí cả camera lùi. Qua thống kê, có tổng số 10 xe ô tô đã bị trộm đồ. Vụ việc nhanh chóng được báo lên Cơ quan công an.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công an huyện Hoài Đức cho biết đã chỉ đạo Đội cảnh sát hình sự phối hợp với Đồn Công an Nam Hoài Đức và Công an xã An Khánh khẩn trương vào cuộc điều tra. Qua truy xét camera của tòa nhà, vào lúc 4 giờ 15 ngày 31-1, có một nhóm gồm 6 đối tượng di chuyển trên 3 xe máy, đeo khẩu trang gần kín mặt, tiếp cận các vị trí đỗ ôtô. Nhóm này đã bẻ gương, tháo logo của nhiều xe ô tô rồi bỏ đi.
|
Tang vật trong một vụ án trộm cắp xe máy do Phòng Cảnh sát hình sự triệt phá. |
Cũng theo một số cư dân ở đây thì khu vực sân đỗ của tòa nhà có nhân viên bảo vệ trông xe và có thu phí hằng tháng khoảng 500 ngàn đồng. Tuy nhiên, trước đây đã xảy ra tình trạng đám đạo chích “dọa” cả bảo vệ khi bị phát hiện.
Cũng vào những ngày cuối năm 2017, tại gia đình ông Chu Anh Quang (trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xảy ra một vụ trộm đột nhập với thủ đoạn rất tinh vi, liều lĩnh, “khoắng” đi một lượng tài sản có giá trị cao.
Theo trình báo của chủ hộ, sáng hôm đó ông dậy đi mua đồ ăn cho cả nhà, song tìm mãi mà không thấy ví để ở tầng 2 đâu cả. Xuống đến tầng trệt của ngôi nhà thì phát hiện 3 chiếc xe gồm 1 chiếc Vespa LX, 1 chiếc Yamaha Exciter và 1 chiếc Honda Lead đã “không cánh mà bay”.
Ngoài ra, đám đạo chích còn lấy đi 2 chiếc điện thoại iPhone 7, 1 chiếc iPhone 5, và khoảng 3 triệu đồng tiền mặt. Qua kiểm tra, ông Quang phát hiện kẻ gian đã phá khung sắt ở lối cửa sổ thông gió của bếp tầng 1 để chui vào. Bọn chúng thậm chí đã mò lên cả tầng 2 để tìm chìa khóa xe máy và lấy đi túi, ví...
Trước đó, vào tối ngày 19-12-2017, anh N.V. (trú tại quận Đống Đa) để chiếc xe máy Honda SH đã khóa cổ trước cửa một cửa hàng bán điện thoại trên phố Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội). Khoảng 30 phút sau, anh V. rời cửa hàng phát hiện chiếc xe của mình đã không còn ở đó nữa.
Qua trích xuất camera của cửa hàng, anh V. phát hiện một thanh niên đội mũ bảo hiểm kín mặt đi bộ đến bên chiếc xe, sau đó dùng vam phá khóa, nổ máy phóng đi chỉ sau vài giây đồng hồ. Ngay sau đó, anh V. đã đến Công an phường Ô Chợ Dừa trình báo sự việc và đăng tải clip lấy từ camera lên mạng xã hội để mọi người cảnh giác.
Ngày 12-1-2018, chị Nguyễn Quỳnh H. (trú trại ngõ 230 Lạc Trung, Thanh Lương, Hai Bà Trưng) phát hiện bị kẻ gian phá cửa sổ tầng 1 đột nhập vào nhà trộm cắp điện thoại Samsung S8, 2 nhẫn vàng kim cương, 2 đồng hồ đeo tay, 20 triệu đồng, 4.000 USD và một số tài sản khác. Tổng số tiền và tài sản bị mất trộm lên tới hàng trăm triệu đồng.
Mới đây nhất, ngày 4-2-2018 anh Đinh Mạnh L. (trú tại Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) đi làm về nhà phát hiện cửa phía sau tầng 1 của gia đình bị kẻ gian phá khóa đột nhập vào nhà cậy két sắt trộm cắp gần 3 cây vàng và 2 triệu đồng. Những vụ việc trên đang được Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Công an TP Hà Nội khẩn trương điều tra, làm rõ.
Thủ đoạn tinh vi
Theo một chỉ huy Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, qua thống kê cho thấy năm 2017 vừa qua, tội phạm trộm cắp tài sản chiếm đến 50% số lượng các vụ phạm pháp hình sự. Và gần như năm nào cũng vậy, vào thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán, những vụ trộm cắp nhằm vào tài sản của người dân như xe máy, phụ tùng ô tô, trộm đột nhập... lại có xu hướng gia tăng.
Qua công tác điều tra các vụ trộm cắp tài sản của các cán bộ CSHS cho thấy, các đối tượng phạm tội chủ yếu lợi dụng sơ hở tại các khu nhà trọ của sinh viên, người lao động tỉnh ngoài hay các hộ dân ở trong ngõ, khuất tầm nhìn để phá khóa cửa đột nhập vào bên trong trộm cắp tài sản, nhất là trộm cắp xe đạp điện, xe máy đắt tiền...
Hình ảnh một vụ trộm đột nhập lấy đi xe máy xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội mà camera đã ghi lại được.
Riêng về nạn trộm cắp xe máy, cuối năm 2017 vừa qua, Phòng CSHS đã triệt phá một đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe máy lớn trên địa bàn TP với số lượng lên tới vài ngàn chiếc. Cơ quan điều tra đã tổng hợp được 3 thủ đoạn chính của nhóm tội phạm này. Một là bọn chúng thường đi “ăn hàng” ở những quận huyện giáp ranh tuyến đường cao tốc Võ Chí Công - Võ Nguyên Giáp như Tây Hồ, Cầu Giấy, huyện Đông Anh...
Các đối tượng thường sử dụng xe máy Exciter 150cc, thường xuyên chạy với tốc độ rất cao trên các tuyến đường nhằm tránh sự phát hiện, truy đuổi của lực lượng công an. Vì nếu truy đuổi quyết liệt thì sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường cũng như cho các đối tượng và bản thân lực lượng truy bắt.
Một số ổ nhóm khác lại thường “đi tuần” ở các tuyến phố nội đô, chỉ thoáng thấy sơ hở của người dân là ra tay trộm cắp. Có những trường hợp người dân dựng xe ở vỉa hè để vào mua hàng, dù đã khóa cổ nhưng chỉ cần một vài phút sơ hở là các đối tượng đã dùng vam phá khóa để nổ máy và phóng vút đi. Thậm chí có những đối tượng còn chuyên theo dõi các bà các chị đi xe ga đắt tiền như SH rồi bám đuôi đằng sau. Chỉ cần một vài giây sơ suất là bọn chúng ra tay nẫng mất. Cũng có những ổ nhóm lại chuyên đi lang thang về đêm ở các khu trọ của sinh viên, người lao động. Phát hiện thấy sơ hở, chúng lập tức cắt khóa đột nhập vào nhà để trộm cắp.
Còn theo một chỉ huy Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS, dịp cuối năm, tội phạm cũng thường xuyên nhằm vào các gia đình neo người, hay tại các khu cho thuê trọ để hoạt động trộm cắp tài sản bằng phương thức đột nhập. Mặc dù có gia đình làm cửa sắt, cửa inox dày, cửa cuốn có khóa trong, nhưng tội phạm sau khi “tăm tia” vẫn phát hiện ra sơ hở của người dân quên không cài lỗ thò tay mở khóa, hay khóa cửa cuốn quá yếu... để dùng kìm thủy lực luồn vào cắt phá khóa, hoặc tai khóa cửa.
Ngoài ra, vào thời điểm trong và sau tết Nguyên đán thường rộ lên nạn “vặt” phụ tùng xe ô tô. Các đối tượng thường lợi dụng người dân đi lễ chùa, đi thăm nom người thân, để xe vào ban đêm, hoặc ở những nơi không có người trông giữ (hoặc có người trông giữa song bị khuất tầm nhìn) để ra tay trộm cắp.
Vào dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu, hàng loạt xe ô tô của người dân đã bị đạo chích vặt đủ thứ. Có không ít xe hạng sang như Mercedes S500, BMW X6 hay Lexus RX 570 bị vặt phụ tùng mà giá trị lên tới vài trăm triệu đồng. Những phụ tùng này sau đó sẽ được tuồn ra khu vực chợ Giời (Hai Bà Trưng, Hà Nội) để bán lại cho chính “khổ chủ”.
Còn nhớ vào đầu năm 2017, tại khu vực chợ Giời, Công an TP Hà Nội phối hợp với lực lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, thu giữ hàng ngàn phụ tùng ô tô không rõ nguồn gốc, đồng thời cũng phát hiện bắt giữ nhiều đối tượng trong đường dây chuyên trộm cắp phụ tùng ô tô. Được biết, để đối phó với cơ quan chức năng, thời điểm hiện tại, các đối tượng trộm cắp và tiêu thụ đã thay đổi phương thức mua bán.
Phụ tùng ô tô sau khi trộm cắp được sẽ không “tụ” về chợ Giời nữa mà sẽ tản ra rải rác nhiều quận, huyện. Khi “khổ chủ” muốn tìm mua lại thì sẽ được các đối tượng giao hàng tại một địa điểm không cố định. Thậm chí sau khi nhận tiền thì các đối tượng không trực tiếp giao hàng mà sẽ “gửi” tại... gốc cây, cột điện và thông báo cho khổ chủ tự đến lấy.
Cảnh giác cao độ, đặc biệt trong dịp Tết
Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSHS - Công an TP Hà Nội cho biết, năm 2017 Phòng CSHS đã tăng cường thực hiện tuần tra, mật phục phòng chống các loại tội phạm cướp, cướp giật và trộm cắp phụ tùng xe ô tô, trộm cắp, móc túi ở địa bàn công cộng, trộm xe máy và trộm đột nhập nhà dân. Tuy nhiên, tình hình trộm cắp nói chung vẫn diễn ra rất phức tạp.
Để phòng chống tội phạm trộm cắp vào cuối năm, Phòng CSHS đã tham mưu cho Công an thành phố chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền về phòng chống trộm cắp dịp cuối năm. Trong đó, các đơn vị chú trọng hướng dẫn cho người dân kỹ năng phòng ngừa và cách xử lý khi phát hiện các đối tượng đang trộm cắp xe máy nói riêng, các tài sản khác nói chung.
Chỉ huy Phòng CSHS cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, để xe ở những nơi có người trông giữ bảo đảm an toàn, hạn chế để xe ngoài đường, nơi đông người qua lại. Đáng chú ý, các đối tượng tiêu thụ xe gian thường đánh vào tâm lý ham rẻ để bán những phương tiện không rõ nguồn gốc, thu lợi bất chính. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh tiền mất tật mang khi mua phải “xe gian”. Khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu nghi vấn, người dân cần báo ngay cho Cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý.
Bên cạnh đó một điều rất đáng lưu tâm là tội phạm “đầu trộm đuôi cướp”. “Qua một số vụ án đã xảy ra, khi tội phạm đột nhập vào nhà dân và bị phát hiện, đã dùng hung khí như dao nhọn, tuốc nơ vít tấn công lại chủ nhà hòng thoát thân như đã xảy ra tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất. Do đó mọi gia đình cần phải cảnh giác cao độ với loại tội phạm này, nhất là vào dịp tết Nguyên đán sắp tới” - Trung tá Mai Văn Thuần, Đội trưởng Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS cảnh báo.
Theo Minh Tiến/CAND