Nhà thầu Nhật tạo tiền lệ bồi thường
Cầu Nhật Tân là một trong các dự án ODA trọng yếu của Nhật Bản tại Hà Nội. Với tổng giá trị 13.698 triệu yen (tương đương 3.150 tỉ đồng), dự án này là nằm trong tổ hợp dự án cửa ngõ quốc tế đường hàng không của Hà Nội, bao gồm cầu Nhật Tân, đường nối giữa cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài, nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài.
|
Ngày 25/1, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam - ông Tsuno Motonori trao đổi trên báo chí về câu chuyện chậm tiến độ tại dự án cầu Nhật Tân.
Theo ông Tsuno Motonori, cầu Nhật Tân là dự án rất quan trọng của cả hai phía Nhật Bản và Việt Nam. Dự án chia ra làm ba gói khác nhau, trong đó Công ty Tokyu phụ trách gói thầu đường dẫn lên cầu bên phía Gia Lâm. Gói thầu này đã được khởi công từ tháng 4-2009, theo hợp đồng thì phải hoàn thành vào tháng 2-2012. Trong quá trình thi công, phía Việt Nam phải giải phóng mặt bằng, di chuyển các đường dây điện trước để nhà thầu thực hiện công việc. Tuy nhiên, các công việc trên đã không hoàn thành đúng hạn nên có thể đến giữa năm 2014 gói thầu này mới được hoàn thành.
Ông Tsuno Motonori cho hay số tiền đó là do phía Tokyu tính toán ra dựa trên các điều khoản trong hợp đồng. Tokyu là nhà thầu chính và họ đã ký hợp đồng với các nhà thầu phụ khác nữa. Con số 200 tỉ đồng là chi phí phát sinh dành cho cả các nhà thầu phụ đó, trong đó có các nhà thầu của Việt Nam. “Tất cả những vấn đề này đều được ghi trong hợp đồng, do đó JICA hy vọng Bộ GTVT sẽ căn cứ theo hợp đồng và sớm chi trả cho Tokyu” - ông Tsuno Motonori nói.
|
Công tác giải phóng mặt bằng chậm dẫn tới chậm tiến độ dự án xây dựng cầu Nhật Tân. |
TS. Nguyễn Xuân Thủy, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực giao thông cho rằng: "Để chậm bằng ấy thời gian, nhà thầu phạt là đúng. Bởi việc chậm bàn giao mặt bằng khiến nhà thầu không thể triển khai dự án. Nguồn vốn bị ứ đọng, lãi vay ngân hàng, rồi chi phí lao động phát sinh, giá cả vật tư tăng lên và muôn vàn các chi phí khác. Để dẫn đến hệ quả như vậy, có lẽ đầu tiên xuất phát từ khâu quản lý, điều hành, vì anh đặt ra kế hoạch GPMB không chuẩn, không khớp, không đáp ứng được yêu cầu".
Trước đó, ngày 23/1, tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: "Chúng tôi đã trao đổi với Đại sứ quán Nhật Bản là chưa bao giờ có tiền lệ đền bù khi chậm giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhà thầu đã phát đơn thì mình phải vào cuộc. Nếu đưa ra tòa, phần đúng thuộc về họ nhiều hơn".
Một số chuyên gia nhận định, số tiền 200 tỷ đồng mà Tokyu đề nghị thanh toán đã là lớn nhưng còn là rất nhỏ nếu so với thiệt hại từ việc chậm trễ đưa cầu Nhật Tân vào sử dụng. Chúng ta còn khó khăn về vốn xây dựng, nên rất nhiều công trình, dự án hạ tầng lớn được xây dựng bằng vốn vay nước ngoài. Dù có nhiều ưu đãi song vốn ODA vẫn là đồng tiền đi vay và phải trả.
Hướng xử lý từ phía Việt Nam
Trên VNE, một lãnh đạo của Bộ Xây dựng cho hay: Việc đề nghị bồi thường 200 tỉ đồng do chậm tiến độ giao mặt bằng 1,5 năm tại dự án cầu Nhật Tân mới chỉ là ý kiến của nhà thầu Tokyu. Các bên sẽ phải đối chiếu với các điều khoản hợp đồng để xem thiệt hại do việc chậm tiện độ, chi phí phát sinh thuộc về lỗi của chủ đầu tư hay chính nhà thầu. “Trong trường hợp lỗi của nhà thầu, chủ đầu tư có thể kiện ngược lại” - vị này nói.
Cũng theo lãnh đạo này, đây là nhà thầu quốc tế nên trong trường hợp cần thiết phải nhờ trọng tài quốc tế phân xử.
Ngày 29/1, trả lời trên báo giới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Vũ Đức Đam cho biết vụ việc đã được báo cáo và nhận được chỉ đạo từ Chính phủ. “Đây là một vụ việc hết sức đáng tiếc”, ông Vũ Đức Đam nhận định.
|
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng việc đòi bồi thường của nhà thầu Nhật là đáng tiếc.
|
Theo đánh giá của người phát ngôn của Chính phủ, vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện dự án là khâu giải phóng mặt bằng. Đây không phải là khó khăn riêng tại Cầu Nhật Tân, mà khá phổ biến tại các hầu hết các dự án xây dựng hạ tầng, công trình của doanh nghiệp… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do công tác tổ chức thực hiện ở nhiều nơi chưa tốt.
“Ai cũng biết đất nước cần những công trình như thế này. Người dân cũng mong muốn, nhưng giải phóng mặt bằng không phải việc đơn giản. Đây mới là một cây cầu, nhiều dự án quốc lộ, đi qua các đô thị thậm chí còn khó khăn hơn”, Bộ trưởng chia sẻ. Ông cũng cho biết đã nhận được nhiều khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến vấn đề này.
Để giải quyết, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải kết hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội làm việc với phía nhà thầu, đảm bảo tiến độ. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu đối với Hà Nội về việc giải quyết, vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa hợp tình, hợp lý, hài hòa giữa lợi ích các bên.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU
L.Đ (Tổng hợp)