TNGT trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng khi dừng xe tranh cãi: Ai có lỗi?

Google News

Vụ TNGT trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng xảy ra khi hai tài xế đứng tranh cãi sau va chạm, sau đó bị xe 7 chỗ tông khiến 2 người tử vong.

Chiều 11/7, Công an tỉnh Hải Dương đã thông tin vụ TNGT giữa 3 xe ô tô tại Km 49 + 400 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chiều đường Hà Nội đi Hải Phòng, địa phận thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương làm 2 người chết, 11 người bị thương.
Theo đó, khoảng 8h50 ngày 11/7, xe ô tô BKS 15F - 006.78 do tài xế Q.V.L (SN 1989, tỉnh Hòa Bình) điều khiển, trên xe chở 11 người va chạm vào phía sau, cùng chiều với xe ô tô BKS 38C - 195.83 do anh Đặng Quốc Hoàng (SN 1983, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển phanh gấp.
TNGT tren cao toc Ha Noi-Hai Phong khi dung xe tranh cai: Ai co loi?
Hiện trường vụ tai nạn. 
Sau va chạm, 2 xe ô tô dừng xe trên làn đường số 1. Anh Đặng Quốc Hoàng và anh T.T.A (SN 1990, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) xuống xe tranh cãi với anh Q.V.L tại khu vực đầu xe ô tô BKS 15F - 006.78. Thời điểm này, xe ô tô BKS 30K - 757.00 do Trần Ngọc Thế (SN 1996, trú tại tỉnh Thái Bình) điều khiển cùng chiều đâm vào phía sau xe ô tô BKS 15F - 006.78, đẩy xe ô tô BKS 15F - 006.78 đâm vào anh T.T.A và anh Q.V.L gây tử vong.
Vụ tai nạn cũng làm 11 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Trung tâm y tế huyện Gia Lộc, 3 phương tiện ô tô bị hư hỏng nặng. Kết quả xét nghiệm, cả 3 lái xe đều không có nồng độ cồn, chưa có kết quả xét nghiệm ma tuý.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, giảng viên Luật hình sự Đại học Thuỷ Lợi cho biết, trong vụ tai nạn trên, cần làm rõ hành vi dừng đỗ xe của 2 lái xe trên làn cao tốc của đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và hành vi thiếu chú ý quan sát của người lái xe ô tô 7 chỗ có phải là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn hay không. Nếu kết luận có hành vi dừng đỗ xe sai quy định và thiếu chú ý quan sát, người vi phạm (nếu còn sống) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vụ tai nạn khiến 2 người chết, 11 người bị thương là hậu quả rất nghiêm trọng. Nếu kết quả xác minh cho thấy có lỗi của người tham gia giao thông sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 260 BLHS.
Điều 26 Luật giao thông đường bộ tại khoản 3 quy định: “ Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.”.
Bởi vậy cần làm rõ việc dừng đỗ xe của các tài xế trong vụ tai nạn trên có đúng quy định hay không và khả năng quan sát, làm chủ tốc độ của người lái xe ô tô 7 chỗ.
Theo đó, cần làm rõ hành vi của 3 tài xế (xe bán tải, xe 16 chỗ và xe ô tô 7 chỗ). Việc va chạm giữa xe bán tải và xe 16 chỗ trước đó có khiến 2 xe này không thể di chuyển hay không? Nếu xe không thể tiếp tục di chuyển, buộc phải dừng đỗ, việc dừng xe có đặt biển cảnh báo nguy hiểm hay không? Nếu sau va chạm, xe bán tải và xe 16 chỗ vẫn có khả năng di chuyển mà 2 tài xế vẫn dừng xe trên đường cao tốc (trên làn xe vượt, tốc độ cho phép 120km/h) hoặc xe không thể di chuyển, buộc phải dừng xe mà không có cảnh báo dẫn đến tai nạn, 2 người lái xe này có lỗi, người còn sống sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS.
Đối với người điều khiển xe ô tô 7 chỗ đâm vào phía sau xe 16 chỗ (đang dừng) cũng có dấu hiệu của hành vi thiếu chú ý quan sát. Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát và giữ khoảng cách với xe phía trước. Nếu phát hiện chướng ngại vật, phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, có thể dừng lại hoặc đánh lái để tránh va chạm. Các xe dừng đỗ xe, gặp sự cố trên đường cao tốc được xác định là “chướng ngại vật”.
Nếu người điều khiển phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông mà đâm vào phía sau xe ô tô khác (đang di chuyển hoặc đang dừng khẩn cấp), có thể xác định là lỗi thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách với phương tiện phía trước, người có lỗi, hậu quả rất nghiêm trọng mà người có lỗi còn sống sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS.
Ngoài ra, cũng cần xem xét trách nhiệm của 2 người tranh cãi với lái xe 16 chỗ trên làn đường vượt của đường cao tốc. Vị trí 3 người đứng tranh cãi là nơi dành cho xe vượt với tốc độ tối đa 120km/h, không được phép đi bộ, không phải chỗ để đứng cãi nhau. Bởi vậy, hành vi đứng tranh cãi trên mặt đường cao tốc, không có cảnh báo gây tai nạn giao thông rất nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Bởi vậy, trong vụ việc này, ngoài 2 người đã tử vong, những người còn lại, còn sống là những người tham gia giao thông đường bộ có liên quan đến vụ việc này mà có lỗi (dừng đỗ xe sai quy định, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, cản trở giao thông…) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS.
Với hậu quả chết 2 người và nhiều người bị thương, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, người có lỗi trong vụ tai nạn này mà còn sống sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 260 BLHS với khung hình phạt từ 3-10 năm tù. Ngoài hình phạt tới 10 năm tù, người vi phạm trong vụ tai nạn này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra với các nạn nhân và gia đình nạn nhân theo quy định pháp luật.
>>> Video ghi lại vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng:
  
Hải Ninh