Tình tiết vô lý giải mã vụ án oan con giết bố

Google News

Nhờ sự công tâm của công tố viên Phạm Huỳnh Công, ba mẹ con người đàn bà mang án giết chồng, giết cha đã được tuyên vô tội.

Khép lại một vụ án oan
Ngày 24.10. 2017, TAND tỉnh Điện Biên quyết định tổ chức xin lỗi công khai với bà Đặng Thị Nga, ông Trịnh Huy Dương và người đại diện hợp pháp của ông Trịnh Công Hiến tại hội trường của UBND thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Trước đó, vào một ngày trung tuần tháng 9.1989, bà Nga và các con không thấy ông Trịnh Huy Tùng (chồng bà Nga) về nhà ngủ nên đi tìm. Sau một hồi tìm kiếm, họ phát hiện ông Tùng đã tử vong dưới giếng. Trước cái chết đầy bí hiểm của ông Tùng, gia đình bà Nga đã báo cơ quan chức năng.
Tinh tiet vo ly giai ma vu an oan con giet bo
Bà Nga bên mộ chồng. 
Căn cứ lời khai của các nhân chứng gồm Trịnh Thị Ngọc, Trịnh Việt Dũng (cùng là con ông Tùng) và những chứng cứ khác, Công an Lai Châu (nay tách thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên) đã bắt giữ bà Nga và 2 người con khác của họ là Trịnh Công Hiến (SN 1963) và Trịnh Huy Dương (SN 1970) để điều tra do nghi ngờ 3 mẹ con họ chính là người ra tay sát hại ông Tùng.
Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Đặng Thị Nga 36 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Che giấu tội phạm”. Hai con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị tòa buộc tội giết cha, tuyên họ 18 năm và 12 năm tù. Bản án sơ thẩm sau đó bị cấp phúc thẩm tuyên hủy.
Năm 1991, VKSND tỉnh Lai Châu trả hồ sơ cho Công an tỉnh Lai Châu điều tra lại. Năm 1992, các ông Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương được hủy bỏ quyết định tạm giam. Kể từ đó, vụ án bị treo lơ lửng suốt gần 30 năm không có bất cứ kết luận nào dù gia đình bà Nga liên tục gửi đơn kêu oan.
Chỉ đến năm 2016, cơ quan tố tụng liên ngành tỉnh Điện Biên vào cuộc giải quyết đơn kêu oan của bà Nga và con trai thì hơn 1 năm sau, tháng 10.2017 họ mới được tuyên bố vô tội.
Chuyện không có trong hồ sơ vụ án
Ông Phạm Huỳnh Công, nguyên Kiểm sát viên cao cấp Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao - người thực hành quyền Công tố nhà nước tại Phiên tòa Phúc thẩm vụ án nói trên, là người đã phát hiện ra vụ án có dấu hiệu oan sai, là người kiên quyết yêu cầu Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu (cũ) để điều tra lại từ đầu. Ông cũng là người giúp gia đình bà Nga suốt những năm đi tìm lại công lý.
Ông Phạm Huỳnh Công kể:
Năm đó, Lai Châu bị lũ ống, đường xá giao thông rất khó đi, từ Hà Nội lên được Lai Châu phải mất ba ngày. Vụ án giết người ở Tuần Giáo này đã được giao cho một bác Kiểm sát viên tuổi cao, giàu kinh nghiệm. Nhưng do điều kiện sức khỏe của bác ấy không ổn, nên tôi đã nhận nhiệm vụ thay, mặc dù lúc đó tôi còn rất trẻ.
Hồ sơ vụ án đã được nghiên cứu xong. Nếu lơ là đôi chút, thì vụ án đã thành “ván đã đóng thuyền” rồi. Nhưng khi tiếp cận, đọc các tài liệu trong hồ sơ vụ án, tôi giật mình, cảm thấy có nhiều vấn đề không khách quan. Được sự đồng tình của Viện trưởng viện phúc thẩm VKSNDTC, tôi đã đi “tăng cứu” trước khi xét xử phúc thẩm.
Về chứng cứ pháp lý, ông Công cho biết: Khi đi “tăng cứu”, tôi đã mời bà Nga và cháu Ngọc lên hỏi về thời gian anh Hiến, anh Dương ra khỏi nhà, về chiếc búa đinh là hung khí của vụ án, tôi xem xét lại hiện trường...đối chiếu lại với các tài liệu trong hồ sơ vụ án, tôi đã phát hiện thấy chứng cứ để buộc tội ba mẹ con bà Nga là không có thực.
Thứ nhất, về lời khai nhận trong hồ sơ của ba bị can và cả cháu Ngọc con bà Nga rất khớp nhau, khớp đến từng chi tiết nhỏ, trong khi thời điểm này họ ở các vị trí khác nhau, cách nhau rất xa, lại vào ban đêm. Kinh nghiệm cho tôi thấy bản cung có dấu hiệu không khách quan.
Thứ hai, hung khí giết ông Tùng là cái búa, nhưng cái búa lại được lục tìm trên nóc tủ ở nhà ngoài, hiện trường nơi ông chết tại nhà trong cách hơn trăm mét, thì không thể hiện có chiếc búa. Đối chiếu biên bản giám định pháp y về vết thương trên đầu nạn nhân với cái búa thấy không rõ ràng, tôi nghi ngờ về tình tiết này. ( Sau khai quật tử thi lên, thì đầu ông Tùng không có vết đánh nào).
Thứ ba, về tiêu thụ thời gian của anh Hiến, anh Dương thể hiện trong hồ sơ và trên thực tế là hoàn toàn khác nhau. Bản án sơ thẩm kết luận sau khi giết bố, hai bị cáo đi đến nhà bác xin ngủ nhờ vào lúc 2 giờ sáng. Tức là khoảng 1h 35 sáng hai anh bắt đầu đi từ nhà bà mình đến nhà bác cách đó 13km trên con đường mòn Chiềng Trung. Tôi đã đi thực nghiệm hết 4 giờ. Như vậy quy kết trong bản án là không thực tế.
Thứ tư, còn nhiều dấu vết có liên quan trong vụ án chưa được làm rõ như: thành giếng nơi ông Tùng chết có những dấu vết chân, có những sợi vải, đôi dép tông nằm trên đường từ nhà ngoài vào không rõ của ai.
Thứ năm là vấn đề về tâm lý con người, tôi không tin khi bản án sơ thẩm mô tả: Hiến cầm búa đập vào đầu ông Tùng bốn năm nhát, Dương dùng củi dẻ đánh tiếp vào lưng ông Tùng nhiều nhát. Ông Tùng quay quay. Hiến, Dương đỡ bố, đặt vào giường, đắp cái chăn lên bụng. Bà Nga ở nhà ngoài nghe tiếng động mạnh đi vào hỏi bố mày sao rồi. Hiến bảo chết rồi. Bà Nga hỏi bây giờ làm sao? Hiến bảo vứt xuống giếng. Bà Nga bảo vứt xuống nhỡ bố mày tỉnh dậy thì sao…Thế là ba mẹ con ngồi ngắm trăng, chừng ba mươi phút sau thì cùng nhau khiêng ông Tùng vât xuống giếng.
Tôi không tin những tình tiết này, bởi gia đình ông Tùng, bà Nga không có mâu thuẫn gì lớn. Việc ông Tùng khi uống rượu say, bét rượu, to tiếng chửi bới là chuyện thường xảy ra ở nông thôn, miền núi. Bà Nga từ miền xuôi, tình nguyện đi thanh niên xung phong, sau chuyển ngành làm cô giáo, lúc đó đã nghỉ hưu. Anh Hiến là bộ đội hoàn thành nghĩa vụ từ biên giới về, anh Dương là thanh niên tốt, họ đều là người dân lành lương thiện, sao có thể giết chồng, giết cha một cách đơn giản như vậy.
Căm thù dùng búa, dùng củi đập bổ nhiều nhát, nhưng rồi lại đỡ bố cho khỏi ngã, nâng bố lên giường như thấy bố bị cảm...Rồi 'giết bố xong ra ngồi ngắm trăng.'
Tôi đã lục tìm cuốn Lịch thế kỷ để tra cứu, thì thời khắc đó không có trăng. Sự việc diễn ra như bản án sơ thẩm rất vô lý, không phải logic tâm lý bình thường của con người. Tôi đã vào trại giam Mường Tùng để hỏi cung anh Hiến, anh Dương, và nghề nghiệp cho tôi câu trả lời: họ không phải là hung thủ của vụ án. Có thể nói, ngay thời điểm đó tôi đã có niềm tin nội tâm – niềm tin pháp lý là tất cả ba mẹ con bà Nga đã bị oan.
Về gia cảnh bà Nga thật khốn khổ, ông Phạm Huỳnh Công kể tiếp:
Gọi là có nhà, nhà ngoài, nhà trong, nhưng tại thời điểm năm 1990, thực ra chỉ có hai túp xiêu vẹo tường vách lợp lá cọ, cỏ tranh. Trong nhà không có lấy cái chén để uống nước, cái chõng để ngồi. Bà Nga và các con đi đâu cũng bị xì xèo, bài bác, khinh rẻ. Các cháu bày ra đường bán bánh gói, mấy quả chuối để nuôi nhau, nhưng chỉ bán được cho khách lạ. Mộ ông Tùng, gia đình bên nội còn khắc chữ trên bia “Năm mẹ con bà Nga giết ông Tùng ném xuống giếng”.
Bà Nga về quê Phú Xuyên, Hà Tây cũ, tìm một người họ hàng là cán bộ cao cấp của cơ quan pháp luât đề nhờ cầu cứu giải oan trái. Khi bà vừa khóm róm bước vào nhà ông cán bộ kia, thì ông ấy bước ra quát chửi: “Con chó! Đuổi con chó đi cho tao!”. Bà Nga ngào ngào nước mắt lủi thủi đi ra.
Anh Hiến trước đó đã có người yêu, đã đi ăn hỏi chuẩn bị làm lễ cưới, nhưng khi xảy ra việc này, gia đình cô người yêu đã mang lễ đến trả. Anh Hiến đi làm thuê cũng không được nhận làm vì họ sợ “kẻ giết người”. Buồn quá anh Hiến sinh bệnh rồi chết. Khi khâm liệm, trên ngực anh Hiến còn mang dòng chữ do anh tự xăm: “Đời là oan trái”. Khi xăm dòng chữ này, anh Dương đã trách anh Hiến: Sao anh lại làm thế! Anh Hiến bảo khi nào được giải oan thì anh sẽ tẩy đi. Nhưng anh Hiến chưa có cơ hội để tẩy dòng chữ trên ngực mình.
Những chuyện xung quanh vụ án này còn nhiều tình tiết lắm – ông Phạm Huỳnh Công buồn buồn: Tôi khẳng định vụ án bị bắt oan, xử oan ngay từ đầu, nhưng tôi không thể tiếp tục bảo vệ chân lý được, vì luật tố tụng phân khúc các giai đoạn. Tôi có trách nhiệm ở giai đoạn xét xử phúc thẩm. Khi vụ án bị hủy để điều tra lại từ đầu, thì tôi không có quyền “bảo vệ chân lý nữa”.
Trách nhiệm thuộc cơ quan điều tra. Lực bất tòng tâm, tôi cũng rất buồn vì những người có trách nhiệm biết sai mà không sửa. Khi khai quật tử thi ông Tùng lên, thấy đầu ông không có vết búa nào là đủ khẳng định sự kiện con giết cha, vợ giết chồng là không có thật. Thế mà mọi việc cứ lặng lẽ chìm dần, mặc bà Nga kêu cứu, tôi cũng nhiều lần nhắc nhở địa phương mỗi khi có dịp.
Đến tháng 3.2016, qua chân đèo Pha Đin, vào thăm gia đình bà Nga, mỗi lần có dịp qua đây tôi thường vào động viên bà. Gặp tôi, bà Nga ôm tôi khóc. Bà đã ở tuổi tám mươi, sắp gần đất xa trời. Khi có sự vào cuộc của cơ quan báo chí, các bộ VKS mới rục rịch đi tìm hồ sơ vụ án. Và hồ sơ đã bị khóa trong chiếc tủ cũ han rỉ, phải dùng búa để đập khóa tủ.
Sự việc cũng kéo lê thê một năm rưỡi sau mới có câu trả lời đích thực.
"Tôi cũng buồn vì sự việc mới đi được nửa chặng đường, mới giải oan cho người vô tội, còn kẻ phạm tôi đích thưc đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Thời hạn điều tra vụ án theo luật đã hết, có nghĩa chúng ta không đi tìm tội phạm giết ông Tùng nữa. Rất có thể đã có những người khác đã bị giết bởi tên tội phạm này…
Dẫu sao thì tôi cũng mừng vì oan trái gia đình bà Nga đã được hóa giải. Nhưng tôi vẫn buồn vì nhân tình thế thái, buồn về trách nhiệm của những người làm luật pháp có liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người. Ở đây chúng ta không thể nói họ vô cảm, mà là vô trách nhiệm, có thể là cố ý hoặc vô ý. Chúng ta, chúng tôi không được phép làm oan cho người vô tội. làm oan cho họ thì không chị họ khổ mà các gia đình họ hàng bè bạn họ khổ. Làm như vậy chúng tôi không còn lẽ sống của con người." - ông Phạm Huỳnh Công tâm sự.
Theo PV /Pháp luật Việt Nam