Mới đây, Công an tỉnh Long An đã thông tin về kết quả điều tra, xác minh liên quan đến hành vi vi phạm lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện và danh nghĩa nuôi trẻ cơ nhỡ để trục lợi tại “Tịnh thất Bồng Lai” xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa).
Kết quả điều tra xác minh cho thấy, ông Lê Tùng Vân (SN 1932, ngụ phường 10, quận 6, TPHCM) khi chuyển về xã Hòa Khánh Tây sống cùng bà Cao Thị Cúc đã nhận nuôi con nuôi lấy danh nghĩa làm từ thiện.
Tuy nhiên, đa số trẻ sống trong hộ bà Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Đáng chú ý, hiện tại hộ bà Cúc có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú. Đáng chú ý, đặc biệt đa số là con ruột và cháu ruột của ông Lê Tùng Vân.
Dư luận đặt câu hỏi: Với những hành vi lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người, nhận con nuôi không tuân thủ quy định của pháp luật, “ông trùm” Lê Tùng Vân liệu có bị xử lý hình sự?
|
Ông Lê Tùng Vân, người chủ trì những hoạt động của "Tịnh thất Bồng Lai" |
Hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, làm từ thiện nhân đạo là hành động được nhiều người tôn vinh, cảm kích. Tuy nhiên, việc lợi dụng để trục lợi không chỉ là hành vi trái đạo đức mà còn vi phạm pháp luật.
“Việc lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để kêu gọi giúp đỡ của nhiều người rồi trục lợi số tài sản nhận được thì đó là hành vi vô nhân đạo, lợi dụng lòng tốt của người khác, chà đạp lên giá trị văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng của dân tộc, là hành vi coi thường pháp luật, cần phải lên án và xử lý nghiêm minh” – luật sư Cường cho hay.
Luật sư Cường cho rằng, Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo... Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, tự do trong khuôn khổ pháp luật, hoạt động tôn giáo phải tuân theo quy định pháp luật.
Tại điều 23 Hiến pháp cấm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Tại điều 5 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 cũng quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Theo quy định pháp luật, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên hiện nay, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tôn giáo vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa được ban hành.
Về xử phạt vi phạm hành chính, hiện nay điểm g khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Nếu hành vi vi phạm quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự 2015.
Cụ thể, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của một tội danh khác thì sẽ bị xử lý về tội danh đó, ví dụ nếu bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Đăng ký nhận con nuôi không tuân thủ quy định xử thế nào?
Nói về hành vi không chấp hành đúng các thủ tục pháp lý về khai báo nhân khẩu, lưu trú và đăng ký nhận con nuôi không tuân thủ quy định của pháp luật của Tịnh thất Bồng Lai, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, pháp luật có những chế tài xử phạt khắt khe, mang tính răn đe đối với những hành vi vi phạm về đăng ký tạm trú.
Hành vi vi phạm về đăng ký cư trú có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Theo đó, cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng... có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú; Tổ chức kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Luật nuôi con nuôi 2010 nghiêm cấm việc lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc….
Điều 62 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định hành vi vi phạm quy định về nuôi con nuôi có thể bị xử phạt như sau: hành vi khai không đúng sự thật để đăng ký việc nuôi con nuôi; Không thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình phát triển của con nuôi trong nước; Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; Nếu lợi dụng việc cho, nhận hoặc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động của con nuôi thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Nói về việc phóng sự của Đài Truyền hình Long An có đề cập việc một số người tố cáo ông Lê Tùng Vân có hành vi hiếp dâm, hành hung trẻ em..., luật sư Cường cho rằng, nếu thông tin phản ánh trên, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc. Nếu quá trình điều tra có căn cứ kết luận ông Vân có hành vi hiếp dâm, hành hung trẻ em thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Hành vi hiếp dâm trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Với hành vi bạo hành thì căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hành hành vi bạo hành trẻ em không gây ra các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/1/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Tuy nhiên hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về một trong các tội danh như: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội hạnh hạ người khác,…
“Tịnh thất Bồng Lai” tồn tại trong thời gian dài, trách nhiệm của ai?
Luật sư Cường cho rằng, một trong những nội dung quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại Điều 61 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016.
Theo đó Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước; Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngoài ra Điều 62 Luật này cũng quy định về Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước.
Một trong những nhiệm vụ của Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo là thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Do đó, nếu có việc một cơ sở hoạt động tôn giáo trái phép tồn tại rất lâu, gây mất an ninh trật tự cho khu vực mà chưa bị xử lý thì cần phải xem xét vai trò thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cách ly 17 người ở Tịnh thất Bồng Lai phòng COVID-19
Tâm Đức