Sinh năm 1979, ông Tếnh A Chìa làm Chủ tịch xã Lóng Luông được 8 năm, trong đó có 5 năm liền 2 trùm ma túy khét tiếng vừa bị tiêu diệt Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Xuân Thuận chọn bản Tà Dê làm nơi trú ngụ.
Ông nhớ lại, đó là khoảng thời gian vất vả, đau đầu nhất của cán bộ xã Lóng Luông. Bản thân ông phải đối mặt với những đối tượng sừng sỏ này.
|
Ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La |
“Khoảng năm 2013, bà con bản Tà Dê báo lên xã việc có người lạ đến cư trú ở bản. Họ thuê nhà của một người dân trong bản để mở quán bán hàng.
Nhận được tin báo, tôi lên Tà Dê kiểm tra thực tế, rồi yêu cầu những người này xuất trình giấy tờ, đăng ký tạm trú nhưng họ bất hợp tác", ông Tếnh A Chìa kể.
Khu đất mà Tuân mua để làm nhà là của ông Sồng A Của – một người dân trong bản Tà Dê. Đây là đất nông nghiệp, chưa được cấp sổ đỏ, do ông Của khai hoang từ trước.
Xã Lóng Luông là điểm nóng về ma túy từ rất lâu, lại ở rốn ma túy tiếp giáp với Hang Kia, Pà Cò (tỉnh Hòa Bình), gần với đường biên với Lào nên các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy thường sử dụng cung đường này.
Trong khi đó, năm 2013, số lượng con nghiện ở Lóng Luông vẫn rất nhiều. Hiện nay toàn xã vẫn có hơn 100 con nghiện, 28 đối tượng trốn truy nã, trong đó có 18 người có hộ khẩu ở địa phương, 10 người ở nơi khác đến.
Chính vì thế, việc quản lý nhân khẩu địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, không để con em Lóng Luông bị lôi cuốn vào vòng xoáy ma túy là nhiệm vụ hàng đầu.
"Một người lạ đến địa phương cư trú, lại không tuân thủ quy định địa phương, rõ ràng là rất có vấn đề” - chủ tịch xã chia sẻ.
Những ngày sau đó, ông Tếnh A Chìa kiên trì vận động, thuyết phục, rồi sử dụng cả biện pháp cứng rắn, là yêu cầu đối tượng Tuân, Thuận rời khỏi Tà Dê. Nhưng, cái khó đối với ông Chủ tịch xã Lóng Luông, không phải ít.
|
Nhiều vũ khí nóng, biển số giả được phát hiện trong nhà của trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân |
“Lên bản Tà Dê không ngại, vì toàn đồng bào mình, chỉ ngại những đối tượng đó thôi. Chúng xây nhà kín cổng cao tường, cửa suốt ngày đóng im ỉm, không cách nào vào được.
Năm 2017, xã làm con đường vào Tà Dê, đi qua nhà Tuân. Vì vướng cây đa mà phải mở rộng đường nên chúng tôi thông báo việc dịch bức tường nhà để làm đường, Tuân chẳng nói chẳng rằng. Một số đàn em của Tuân mang súng AK ra dọa, không cho làm đường. Nhưng rồi sau đó, họ làm một bức tường khác bên trong, rồi đập bỏ phần tường cũ vướng con đường” – lời của Chìa.
“Những thông báo, thư yêu cầu ra khỏi địa bàn gửi tới đối tượng đều là do mình ký, mình gửi cho chúng nó nên chúng biết hết họ tên mình, rồi chúng cũng tìm hiểu về gia đình nhà mình ở đâu, có mấy con…
Nhiều lần có tin nhắn gửi tới điện thoại của mình: Mày có muốn chết không?, hoặc cuộc gọi từ số lạ, khi nghe thì cũng chỉ có mỗi một câu như vậy rồi cúp máy”.
Hỏi: Anh có sợ không? Ông Chìa cười hiền lành: “Có sợ chứ, ai cũng sợ. Nó không chỉ dọa mình, mà còn dọa vợ con mình. Nhưng, mình sợ mà không làm thì nó càng tác quái”.
Theo Chủ tịch xã Lóng Luông, năm 2017 là thời điểm Tuân và đám đàn em “lộng hành” nhất, chúng vác súng AK đi lại nghênh ngang trong bản, Tuân mang theo cả súng đến dự lễ đặt tên con của một gia đình.
|
Tối 30/6, sào huyệt của Nguyễn Thanh Tuân bị lực lượng chức năng san phẳng |
“Một lần mình đi xe máy qua Tà Dê, đến đỉnh dốc thì gặp đàn em của Tuân vác hẳn 2 khẩu súng AK. Mình phải dừng lại, bỏ mũ bảo hiểm ra rồi quay lại cười với nó, hỏi: Anh đi đâu đấy? Người kia bảo: Đi bắn chim thôi. Mình phải bỏ mũ, rồi nói chuyện với nó để nó biết mình, không nó tưởng người lạ, nó sẵn sàng nã đạn thì rất nguy hiểm” – ông Chìa nhớ lại.
Chiều 28/6, khi chiếc gai tồn tại 5 năm trời được nhổ, PGĐ Công an tỉnh Sơn La Phùng Tiến Triển nói với ông và Bí thư xã: “Bây giờ các anh yên tâm nhé. Hai đối tượng nguy hiểm nhất của địa phương đã được giải quyết”. "Lúc ấy mình mới nhẹ người", Chủ tịch xã nói.
Họp bản, phát mỗi hộ 30 cây bơ làm kinh tế
Lóng Luông có 90% người dân làm nông nghiệp. Thu nhập bình quân thấp nhất toàn huyện, năm 2017 là 14 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 34%. Tại bản Tà Dê có hơn 10 hộ nghèo.
Chiều 30/6, “bản doanh” của Nguyễn Thanh Tuân đã được san phẳng, tàn dư về một “đế chế” ma túy không còn ám ảnh người dân Tà Dê.
“Huyện chủ trương giao cho xã quản lý khu đất đó. Xã sẽ tổ chức họp bà con 2 bản Tà Dê, Lũng Xá để thông tin chủ trương, tình hình sau sự việc.
|
Người dân bản Tà Dê tổ chức trận đá bóng sáng 1/7 |
Trước mắt có nhiều việc phải làm. Huyện hỗ trợ cho bà con mỗi hộ 30 cây bơ giống để làm kinh tế - ông Chìa phấn khởi.
Theo Kiên Trung - Đoàn Bổng/Vietnamnet