Đường đi cây đa siêu "khủng”
Theo tìm hiểu của PV, cây đa sộp khai thác tại xã Tam Giang (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) là cây của gia đình ông Nguyễn Ngọc Chung (thôn Giang Hòa).
Sau khi khai thác, cây đa siêu khủng này được vận chuyển theo quốc lộ 29 qua huyện này, sau đó đổ ra quốc lộ 26 chạy qua các huyện Ea Kar và M’Đrắk (Đắk Lắk), trước khi xuôi về Khánh Hòa theo quốc lộ 1A để ra Bắc.
Ngày 22/3, khi xe rơ-móc chở cây đa kể trên đến địa bàn huyện Ea Kar đã bị Đội CSGT - Công an huyện Ea Kar và hạt kiểm lâm huyện phát hiện, kiểm tra. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar xác nhận có vụ kiểm tra trên, nhưng lái xe cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc cây nên đơn vị không lập biên bản xử phạt và cho đi.
|
Hiện trường còn lại của cây đa “siêu khủng” đã bị bứng đi tại Đắk Lắk |
Một lãnh đạo Đội CSGT - Công an huyện Ea Kar cũng xác nhận, ngày 22/3 có tiến hành kiểm tra một xe rơ-móc chở cây cổ thụ lưu thông qua địa bàn. Tuy nhiên, xe này xuất trình đủ giấy tờ nguồn gốc cây, không vi phạm về chở quá khổ, quá tải nên CSGT không lập biên bản xử lý. Vị này cũng cung cấp hình ảnh chụp lại rơ-móc mang BKS 73R-00.291 chở cây đa sộp và khẳng định không quá khổ quá tải.
Khi PV cung cấp hình ảnh một xe đầu kéo chở theo cây cảnh “siêu khủng” vượt đèo Phượng Hoàng trên quốc lộ 26 về Khánh Hòa do độc giả chụp, cho lãnh đạo Đội CSGT huyện để đối chiếu. Vị này khẳng định, đối chiếu hình ảnh thì đây không phải là rơ-móc chở cây mà đội kiểm tra.
Theo vị này tiết lộ, có tình trạng vận chuyển cây cổ thụ qua quốc lộ 26, chủ yếu diễn ra vào đêm khuya. Cán bộ CSGT này cho biết, theo phân cấp, quốc lộ 26 do lực lượng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk quản lý nên cấp huyện không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Một lãnh đạo Đội CSGT quản lý 26 của Phòng CSGT Đắk Lắk cho biết đang cho rà soát hồ sơ xử lý thời gian gần đây xem có trường hợp xe chở cây cổ thụ quá khổ, quá tải bị xử phạt hay không.
|
Vết xe đã kéo cây đa siêu "khủng”ra khỏi rẫy cà phê |
Trao đổi qua điện thoại, ông Đỗ Quang Tùng- quyền Cục trưởng Cục kiểm lâm, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk báo cáo mới chỉ phát hiện một cây cổ thụ được khai thác có nguồn gốc ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng, và đó là một trong số 3 cây đa đang bị lực lượng kiểm lâm Thừa Thiên Huế tạm giữ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Quý - Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang, cho biết: “Vào ngày 5/3/2018, ông Nguyễn Ngọc Chung có làm đơn gửi xã xin khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cây đa trong rẫy nhà mình. Sau khi cho cán bộ địa chính xã kiểm tra, tôi đã ký xác nhận có cây đa này trong vườn nhà ông Chung và đề nghị các cấp giúp đỡ cho khai thác. Đến ngày 21/3/2018, cây đa này được người ta vận chuyển ra khỏi địa bàn xã”.
Tuy nhiên, theo ông Quý, cây đa nhà ông Chung được vận chuyển ra trồng tại một ngôi chùa ở Hà Nội và bị tạm giữ tại Hà Tĩnh vào ngày 26/3/2018. Vì thế, có thể nó không phải là 1 trong 3 cây siêu khủng đang bị CSGT xử phạt và tạm giữ tại Thừa Thiên Huế.
Săn “cây khủng” làm cảnh
Theo tìm hiểu của PV báo Tiền Phong, ở Tây Nguyên mấy năm gần đây có tình trạng “săn cây rừng khủng” làm cảnh. Các đầu nậu chuyên mua bán cây cảnh sẽ thuê người lùng sục vào các thôn, buôn tìm những cây rừng còn sót lại trên đất rẫy người dân rồi ngã giá mua bán. Các đối tượng này sẽ hướng dẫn người dân cách thức làm thủ tục xin khai thác, tận thu, tận dụng cây rừng trình chính quyền địa phương ký duyệt. Khi được cơ quan chức năng đồng ý, các đầu nậu sẽ huy động xe múc, xe ủi đào cây, vận chuyển đi tiêu thụ.
Cách đây không lâu, Điện lực huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) có báo cáo về trường hợp người dân khai thác cây cảnh nguồn gốc từ rừng, làm đứt dây điện tại địa bàn xã Cư Suê làm thiệt hại ngành điện. Chủ cây và đơn vị khai khai thác sau đó đã thỏa thuận khắc phục hậu quả, bù đắp cho ngành điện. UBND huyện Cư M’gar đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý, cấm việc đào bán cây có nguồn gốc từ rừng.
Theo Lữ Hồ/Tiền phong