Xuất hiện tại cuộc trò chuyện với vẻ ngoài giản dị, chất phác, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Chung - người sáng lập Công ty TNHH Giải pháp Năng lượng Toàn diện, chủ nhiệm dự án Sạch hóa giá đỗ Việt - tâm huyết kể về hành trình dày công tìm tòi, nghiên cứu và phát triển những sản phẩm có ích cho xã hội.
Hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi thiết bị làm Rau giá sạch GV-102 ra đời tạo nên thành công cho Công ty Giải pháp Năng lượng Toàn diện, nhà lãnh đạo này đã vận dụng kiến thức, tư duy, sự sáng tạo của người làm nghiên cứu khoa học để phát triển doanh nghiệp có nền tảng chắc chắn, góp phần vào sự phát triển ngành nông nghiệp sạch Việt Nam. Trong lộ trình đó, ông luôn lấy khoa học làm phương pháp tổ chức doanh nghiệp và mục đích cống hiến giá trị thiết thực cho xã hội làm kim chỉ nam.
“Chất khoa học” trong doanh nhân
Nếu tôi nhớ không nhầm, hơn một lần ông ý nhị từ chối trả lời phỏng vấn báo chí, vì sao vậy, thưa ông?
Bất cứ doanh nghiệp hay doanh nhân nào cũng muốn được lan toả, quảng bá thương hiệu rộng rãi. Nhưng tôi quan tâm hơn cả là câu chuyện của mình có giá trị như thế nào đối với xã hội, những điều mình nói truyền thông điệp gì cho mọi người…
Chuyển hướng làm kinh doanh, ông có còn nghiên cứu, sáng tạo?
Chưa bao giờ tôi dừng nghiên cứu, sáng tạo. Tôi xuất thân từ làm khoa học. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), tôi nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 10 năm. Hoàn thành chương trình nghiên cứu Thạc sĩ rồi Tiến sĩ , tôi tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc Gia Hà Nội), nhận bằng Tiến sĩ Vật liệu và Linh kiện Nano.
Khi đó, tôi đau đáu ý niệm đưa kết quả khoa học ứng dụng vào đời sống thực tế. Việc ứng dụng kết quả khoa học không đơn giản, đòi hỏi phải có kiến thức, quan điểm phù hợp, linh hoạt với thực tế xã hội, cũng như mong muốn của người dân. Đây là những yếu tố tất yếu phải có ở những người làm kinh doanh nhưng lại hiếm thấy đối với người làm nghiên cứu khoa học thuần tuý.
Tháng 10/2014, tôi bắt đầu triển khai dự án Giá đỗ sạch, tiếp đó thành lập Công ty Giải pháp Năng lượng Toàn diện với số vốn đầu tư khiêm tốn. Năm 2015, tôi thành lập Phòng Nghiên cứu và Phát triển triển (R&D), mục tiêu đưa ra các ý tưởng mới có tính ứng dụng thực tiễn, giải quyết nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Trong con người ông tồn tại 2 bản thể là doanh nhân và nhà khoa học, có bao giờ 2 bản thể này mâu thuẫn với nhau? Ông giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào?
Mâu thuẫn chỉ phát sinh khi 2 bản thể không cùng mục đích. Con người tôi, dù có là bản thể khoa học hay ở góc độ kinh doanh, đều có chung một sứ mệnh: Mang lại giá trị tốt đẹp, cống hiến, phụng sự xã hội. Vì vậy, các sản phẩm khoa học của tôi không phải để làm dày lên công trình “nghiên cứu”, mà mục đích là ứng dụng rộng rãi cho nhu cầu bức thiết của người dân.
Hai bản thể trong tôi hài hoà, bổ trợ lẫn nhau. Tôi luôn biết ơn những năm tháng nghiên cứu và giảng dạy về khoa học. Bản tính cẩn trọng, logic của người làm nghiên cứu giúp tôi thận trọng trong việc đưa ra quyết định, phân tích thời cơ kinh doanh. Niềm đam mê tìm tòi, sáng chế, thử nghiệm ở người làm nghiên cứu giúp tôi thích ứng với sự thay đổi đột biến của thị trường.
Khi thành công, người ta thường dễ hài lòng và ngừng nỗ lực, tôi lại thấy ông liên tục cho ra những sản phẩm mới. Phải chăng đó là “máu” sáng tạo, chất khoa học?
Năm 2014, lần đầu đạt thành công, tôi đặt mục tiêu phải tạo ra hàng trăm sản phẩm giá trị, có hàng trăm bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, tôi nhận ra mục tiêu đó vốn chỉ để thỏa mãn sự hiếu thắng hay cái tôi cá nhân. Nhiều nhà khoa học giỏi hơn tôi, mình chưa là gì cả, vậy mà lại chỉ mong có nhiều công trình nổi tiếng. Tôi nhận thấy, thành công có giá trị hơn khi giúp nhiều người khác thành công.
Đâu là sự khác biệt trong quá trình quản trị doanh nghiệp khi lãnh đạo vừa là doanh nhân vừa là nhà khoa học?
Khi dấn thân vào thương trường, tôi nhận ra rằng, đa số doanh nhân thành công đều có xuất phát điểm từ người làm chuyên môn, hiểu rõ quy trình.
Nếu không tư duy logic về mặt khoa học, không có kiến thức về sản phẩm, có lẽ khi lãnh đạo doanh nghiệp, tôi sẽ bị ảo tưởng, quan liêu và phi thực tế. Tôi luôn chú trọng mặt chất lượng trước hình thức sản phẩm. Yếu tố quyết định hành vi người tiêu dùng phải là công năng sử dụng, chất lượng sản phẩm.
Ông gặp khó khăn gì và đã bao giờ cảm thấy muốn bỏ cuộc trước thương trường khốc liệt?
Gọi là khó khăn cũng có nhưng không phải nhiều cho lắm! (cười).
Tôi xuất thân trong gia đình khó khăn, bố mất sớm khi tôi mới 3 tuổi. Tôi lớn lên trong sự đùm bọc của họ hàng và hàng xóm. Có lẽ vì vậy, tôi luôn cảm thấy biết ơn. Tôi nhận thức mình phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình, người xung quanh và xã hội.
Tôi khổ bao nhiêu không quan trọng, khi khó khăn, tôi luôn tìm tòi giải pháp. Tôi gần như chưa bao giờ có ý định chùn bước, điều quan trọng là đã vượt qua được bản ngã, cái tôi và kiên trì đến cùng.
Kết quả nghiên cứu khoa học chỉ có ý nghĩa khi được xã hội sử dụng
Tinh thần khoa học được ông vận dụng trong quản trị doanh nghiệp thế nào?
Khi sáng lập công ty, chúng tôi xác định rõ chỉ nghiên cứu những cái xã hội cần, sáng chế những sản phẩm xã hội thiếu. Nếu chưa làm được, tôi sẽ tìm mọi cách, kết hợp với người đã thành công.
Đặc biệt, giá trị thực tiễn của sản phẩm phải đảm bảo được mục đích sử dụng. Một sản phẩm tốt trong phòng thí nghiệm nhưng chưa chắc được vận dụng đúng mục đích thực tiễn. Cho nên, ứng dụng thực tiễn sáng chế khoa học phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu sản phẩm có nguy cơ gây hại cho xã hội, người lãnh đạo phải tìm giải pháp khác hoặc ngừng đưa ra thị trường.
Không có công trình nào còn hơn có công trình ứng dụng thực tế nhưng gây hại con người, môi trường… Đó là tinh thần khoa học thể hiện trong giá trị cốt lõi của doanh nghiệp chúng tôi.
Theo ông, làm thế nào để phá vỡ rào cản giữa kết quả nghiên cứu đến ứng dụng thực tế?
Ở góc độ khoa học, sản phẩm được đánh giá cao nhưng không thể đưa vào ứng dụng, người dân không tiếp cận, nghĩa là thất bại. Kết quả nghiên cứu khoa học chỉ có ý nghĩa và giá trị khi được người dân chấp nhận và xã hội sử dụng.
Nhà khoa học muốn đưa kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng thực tế, họ phải bỏ cái tôi mà hướng đến tư duy phục vụ xã hội. Nhà khoa học không nhất định phải sáng tạo những thứ cao siêu, mà nghiên cứu, sáng chế bất cứ sản phẩm nào cũng nên lấy điểm tựa là giá trị xã hội.
Nhà khoa học luôn muốn kết quả nghiên cứu tạo ra giá trị cho xã hội. Nhưng chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng, nếu không có người bỏ tiền mua và ứng dụng thực tế, kết quả đó không đáp ứng nhu cầu xã hội.
Do vậy, kết quả nghiên cứu chỉ có giá trị khi được ứng dụng, tạo ra sản phẩm và giá trị kinh tế. Nếu không bán được sản phẩm, sáng chế thành vô nghĩa, nhà khoa học không có tiền để sống và tiếp tục nghiên cứu, như vậy cũng không giúp được ai.
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Chung - người sáng lập Công ty TNHH Giải pháp Năng lượng Toàn diện.
Khát vọng “sạch hoá” giá đỗ
Ông đã ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình để tạo ra giá trị kinh tế thế nào?
Tôi tốt nghiệp Tiến sĩ Vật liệu và Linh kiện Nano nhưng thiết bị trồng rau giá sạch mới là công trình giúp bản thân thành công.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Trung Hà (Đan Phượng, Hà Nội) - nơi chuyên sản xuất rau giá công nghiệp - mỗi ngày, các cơ sở sản xuất giá xuất khoảng 60 tấn giá đỗ, chỉ tính riêng cho thị trường Hà Nội.
Năm 2013, tôi được biết đến là tiến sĩ trẻ nhất làng. Biết tôi nghiên cứu khoa học, nhiều hàng xóm hỏi vì sao giá đỗ nhanh bị hỏng. Ban đầu, tôi nghĩ đơn giản, tìm hiểu giải pháp cho người làng. Sau đó, tôi phát hiện sự thật 100% cơ sở sản xuất giá công nghiệp đều dùng hoá chất.
Nếu làm giá sạch theo phương pháp truyền thống, cứ một kg đỗ xanh được khoảng 5 kg giá sạch. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc kích thích, sản lượng có thể lên đến 8 kg. Mặt khác, giá rất nhanh hỏng, làm 3-4 ngày có thể hỏng, do nhiễm khuẩn từ nước, không khí. Đó là lý do đa số xưởng sản xuất giá đỗ dùng hóa chất kích thích, chống hỏng, chống thối.
Năm 2014, tôi nghiên cứu thành công thiết bị ủ rau giá công nghiệp mà tuyệt đối không dùng hoá chất, thời gian ngắn cho ra sản lượng cao hơn cách ủ dùng chất kích thích truyền thống, một kg đỗ có thể cho ra 8,9 kg giá. Tôi háo hức, kỳ vọng sáng chế này chắc chắn thành công vang dội… Thế nhưng, về làng và các cơ sở sản xuất công nghiệp để thuyết phục, không ai mua sản phẩm của tôi.
Tôi tiếp tục tìm hiểu thị trường, đi thực tế từng chợ dân sinh, hỏi cả người bán và mua làm thế nào phân biệt được rau sạch và rau bẩn, nguồn gốc nhập rau có đáng tin không? Có chị bán rau trả lời vui thế này: “Chồng mình, chị còn không tin nữa là… Chị chỉ tin mỗi chị!”.
Câu chuyện này đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn tư duy kinh doanh và đối tượng khách hàng. Tôi quyết định thay đổi mô hình sản phẩm và đối tượng khách hàng, chuyển sang sản xuất thiết bị làm giá sạch cho hộ gia đình thay vì tiếp tục chế tạo thiết bị cho hộ kinh doanh. Từ đó, thiết bị làm giá rau giá sạch GV-102 ra đời.
Đó có phải là quyết định sáng suốt, thưa ông?
Thiết bị làm rau giá hộ gia đình đã giúp tôi giải quyết 3 khó khăn về tài chính, thị trường và mục đích sử dụng. Về tài chính, sản xuất thiết bị làm giá không cần nhiều vốn. Thứ hai, người tiêu dùng có thể sẵn sàng chi tiền để mua thiết bị làm rau sạch. Cuối cùng, khách hàng mua máy để phục vụ nhu cầu của họ nên sản phẩm không bị sử dụng sai mục đích. Không ai tự dùng hóa chất để đầu độc gia đình nhà mình.
Đến nay, tôi bán hàng triệu thiết bị làm giá đỗ gia đình, doanh thu nhiều tỷ đồng. Đây không phải con số lớn nhưng tôi nghĩ, ít nhất đã có hàng triệu gia đình Việt được ăn giá đỗ sạch.
Ứng dụng thực tế này đã góp phần giúp thay đổi ý thức của người dân về phân biệt rau giá sạch nói riêng và thực trạng thực phẩm bẩn nói chung. Điều này còn quan trọng hơn doanh thu tài chính.
Thị trường thiết bị làm giá đỗ công nghiệp cho chủ hộ kinh doanh tiềm năng tạo ra doanh thu gấp nhiều lần, tại sao ông không kiên trì để “thu tiền chẵn” mà lại chuyển hướng “nhặt tiền lẻ”?
Mục đích ban đầu của tôi là tạo ra thiết bị làm giá đỗ công nghiệp phục vụ đối tượng khách hàng chủ hộ kinh doanh. Lúc đó, tôi chưa nghĩ đến doanh thu, mong muốn đơn giản lắm, làm sao người dân làng mình sản xuất giá đỗ không dùng hoá chất để mọi người người được ăn giá đỗ sạch.
Có thể nhiều người nghĩ rằng, việc mất công sức nghiên cứu tạo ra thiết bị làm giá đỗ công nghiệp nhưng không ai mua là thất bại. Nhưng tôi lại thấy đó là may mắn. Nếu 10 năm trước, tôi cố chấp theo đuổi con đường kinh doanh sản phẩm đó đến cùng, có thể hôm nay vô tình trở thành “tội đồ” của đất nước.
Thử nghĩ mà xem, giả sử thiết bị làm giá đỗ công nghiệp của tôi thành công, hàng triệu hộ kinh doanh mua sử dụng… nhưng đâu có kiểm soát được mục đích sử dụng của họ. Liệu họ có sử dụng hoá chất, thuốc kích thích để tăng hơn nữa sản lượng thành phẩm không? Nếu có, tôi vô tình trở thành kẻ tiếp tay cho họ làm điều xấu, khiến vấn nạn thực phẩm bẩn tồi tệ hơn. Điều này đi ngược với sứ mệnh ban đầu của tôi.
ATM giá sạch miễn phí tại một số khu chung cư.
Ông đang thực hiện sứ mệnh đó như thế nào?
Kế hoạch của tôi là xây dựng nhà máy sản xuất giá đỗ sạch ở khắp các tỉnh, thành, tiến tới thành lập nhà máy ở nước ngoài. Rau giá vốn là sản phẩm đặc thù, khó bảo quản nên việc xây dựng nhà máy, quy trình sản xuất phải liên tục cập nhật ứng dụng khoa học, công nghệ.
Trong quá trình giải bài toán đó, tôi và cộng sự của mình cho ra đời sản phẩm Kim chi giá đỗ - sản phẩm lên men tự nhiên giúp bảo toàn lượng vitamin C, enzyme tiêu hoá. Phần vỏ đỗ xanh sạch rất quý vì hàm lượng chất chống oxy hóa rất cao, chúng tôi đã nghiên cứu, sáng tạo thành trà túi lọc từ vỏ đỗ giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ tăng cường insulin tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
Hiện tại, chúng tôi cung cấp máy bán giá đỗ sạch tự động tại một số khu chung cư trên địa bàn Hà Nội. Từ sau Tết đến nay, chương trình tặng rau giá sạch miễn phí được áp dụng cho cư dân các khu chung cư này.
Điều đặc biệt, sau một năm nghiên cứu, chúng tôi vừa ra mắt sản phẩm Doza Kombucha - thức uống lên men từ nước cốt mầm giá đỗ, không dùng trà đen hay trà xanh chứa caffeine, không dùng đường hóa học, có công dụng trung hoà 90% gốc tự do…
Doza Kombucha - thức uống lên men từ nước cốt mầm giá đỗ, không dùng trà đen hay trà xanh chứa caffeine.
Ông có kế hoạch mang các sản phẩm từ giá đỗ ra thế giới không?
Cũng có nhiều đối tác đặt vấn đề xuất khẩu các sản phẩm của chúng tôi. Tuy nhiên, các sản phẩm từ giá đỗ nhanh hỏng, bảo quản khó. Chúng tôi đang hình thành kế hoạch trao đổi chuyển giao công nghệ, tiến tới xây dựng nhà máy ở Hàn Quốc, Nga và một số nước trên thế giới.
Có điều gì ông còn trăn trở, nuối tiếc không?
Sau 10 năm đạt được thành công, có gần 20 bằng sở hữu trí tuệ, giúp được nhiều người có cuộc sống tốt hơn…, điều tôi trăn trở vẫn chưa thực hiện được. Thực tế, làng tôi và các cơ sở sản xuất giá công nghiệp vẫn dùng thuốc kích thích.
Tôi vẫn đang trong hành trình chung tay tạo ra sự thay đổi, vừa góp phần giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn, vừa giải quyết bài toán cơm áo gạo tiền, giúp người nông dân thay đổi cuộc sống.
Theo ông, câu chuyện làm nông nghiệp hữu cơ một cách chuyên nghiệp và bền vững hiện nay còn có những vấn đề nào đang đặt ra?
Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, người làm nông nghiệp rất vất vả, doanh thu từ sản phẩm thấp. Xuất phát từ nguyên nhân làm manh mún, theo trào lưu cho nên thường được mùa thì mất giá, mất mùa là mất hết.
Tôi cho rằng, muốn làm nông nghiệp hữu cơ chuyên nghiệp và bền vững, người làm nông nghiệp phải thay đổi tư duy, từ chọn sản phẩm, đối tượng khách hàng, tạo ra sự khác biệt, có sự phối hợp với nhau để tạo ra liên minh, đón đầu xu hướng sản phẩm. Đồng thời, nên có chính sách kết nối giữa nhà khoa học, nông dân với doanh nhân trong quá trình tư vấn, đón đầu xu thế thị trường, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn.
Ông nhận định thế nào về tương lai nông sản Việt trên thị trường thế giới?
Tôi cho rằng, nhận thức của người tiêu dùng và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đã nâng cao hơn, nếu nông nghiệp và nông sản Việt không thay đổi, sẽ tụt hậu. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu nông sản bị trả về do không đảm bảo chất lượng. Do vậy, hiện tại và cả tương lai đòi hỏi việc thay đổi nhiều hơn nữa, nâng cấp chất lượng sản phẩm để tiến tới đưa nông sản Việt hội nhập xứng tầm thế giới.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Tiến sĩ, nhà khoa học, doanh nhân Đỗ Ngọc Chung sinh năm 1980 tại làng Trung Hà, xã Trung Trâu, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Từ năm 2002 - 2008, ông là cán bộ nghiên cứu tại Viện khoa học Vật liệu, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Năm 2009-2015, ông giảng dạy tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Vật liệu và Linh kiện Nano.
Từ năm 2015-2016, ông Chung làm việc tại Trung tâm Phát triển Công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Năm 2022, ông sáng lập dự án Sạch hóa giá đỗ Việt, thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương Mại Giá đỗ Tiến sĩ.