Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân bị bắt do liên quan vụ bà Nguyễn Phương Hằng

Google News

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam tiến sĩ luật Đặng Anh Quân liên quan vụ án bà Nguyễn Phương Hằng.

Tối 24/2, theo nguồn tin của Zing, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM) về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Nhà chức trách xác định, ông Quân có vai trò đồng phạm trong vụ án Nguyễn Phương Hằng. Các quyết định liên quan đã được VKSND TP.HCM phê chuẩn.

Theo hồ sơ, trong các buổi livestream của bà Phương Hằng, tiến sĩ luật Đặng Anh Quân nhiều lần tham gia với vai trò khách mời. Ông Quân đã có những phát ngôn xúc phạm danh dự, uy tín nghiêm trọng về đời tư của Hoài Linh, Vy Oanh...

Tien si luat Dang Anh Quan bi bat do lien  quan vu ba Nguyen Phuong Hang

Một số người trong đó có ông Đặng Anh Quân nhiều lần tham gia livestream cùng bà Phương Hằng.

Trước đó, ngày 30/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo khoản 2 Điều 331 bộ luật Hình sự năm 2015.

Hồ sơ vụ án thể hiện, khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream để nói về nhiều chủ đề, nội dung khác nhau được nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận.

Tại các buổi livestream, bà Phương Hằng đã phát ngôn những nội dung về chuyện bí mật đời tư cá nhân và nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của một số người như nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh và bà Hàn Ni.

Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng khai nhận các thông tin mà bà đã phát ngôn về các cá nhân trên là do bà đọc trên mạng Internet và nằm mơ... chứ chưa được kiểm chứng và không có căn cứ.

Đối với những cá nhân có liên quan, tham gia giúp sức cho hoạt động của Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định các nội dung liên quan, nhưng chưa có kết quả, khi có kết quả sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với các cá nhân sử dụng kênh YouTube để chia sẻ thông tin liên quan đến Nguyễn Phương Hằng nhằm mục đích câu like, tăng thu nhập, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM và các đơn vị chức năng có liên quan sẽ xác minh, làm rõ nhằm xử lý.

Cơ quan điều tra nhận định trong vụ án này, bà Nguyễn Phương Hằng được nhiều người biết đến và được nhiều người theo dõi trên mạng xã hội. Lợi dụng sức ảnh hưởng của cá nhân, bà Hằng liên tục tổ chức các buổi livestream phát ngôn để nói về nhiều chủ đề, nội dung chưa được kiểm chứng.

Ngoài ra, bà Phương Hằng phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.

Đến ngày 2/2, VKSND TP.HCM đã ra quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung đối với vụ án. VKS đề nghị Cơ quan điều tra nêu rõ kết luận về việc giám định nội dung phát ngôn của ông Đặng Anh Quân có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Theo Quỳnh Trang/Zing