Tiêm “triệt sản” yêu râu xanh xâm hại trẻ em: Dâm ô có sợ?

Google News

(Kiến Thức) - Trước thực trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, đề xuất tiêm "triệt sản" yêu râu xanh xâm hại trẻ em được cho là giải pháp phòng ngừa và đảm bảo xử lý đối với các hành vi vi phạm một cách công bằng nhất.

Tại buổi làm việc mới đây của Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành về việc thực hiện chính sách phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu QH đã đề nghị học tập các nước phát triển, tiêm thuốc “triệt sản” cho các đối tượng để triệt tiêu ý nghĩ xâm hại trẻ em ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận.
Đề xuất trên xuất phát từ thực tế thời gian qua, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn ra phổ biến gây bức xúc dư luận xã hội. Một con số thống kê cho thấy, giai đoạn từ 2015 đến 2019, toàn quốc phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em, với gần 8.600 đối tượng xâm hại và số trẻ em bị xâm hại là gần 8.100 em, trong đó số trẻ em nữ bị xâm hại gấp 7 lần số trẻ em nam. Đáng chú ý, năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến chỉ tiêng 6 tháng đầu năm 2019 có đến 1400 trẻ bị xâm hại. Tuy nhiên đây không phải là con số cuối cùng.
Tiem “triet san” yeu rau xanh xam hai tre em: Dam o co so?
 Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề xuất tiêm cho những kẻ bệnh hoạn sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại trẻ em.
Báo động hơn, nhiều trẻ bị người thân trong gia đình, thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục, thậm chí có cả đối tượng cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ công an... tha hóa, xuống cấp đạo đức.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, các nước người ta phát triển những loại thuốc, khi tiêm cho những kẻ bệnh hoạn sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em và bà tin rằng chỉ cần xử lý hai, ba trường hợp là xã hội yên ổn ngay.
Trao đổi với PV Kiến Thức về đề xuất này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới tình trạng xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, thậm chí xâm hại tình dục với nam giới, người đồng tính diễn ra rất phức tạp, hậu quả gây nguy hại cho xã hội, bất an trong cộng đồng. Do vậy, việc nghiên cứu về loại tội phạm này, tìm ra các nguyên nhân, điều kiện phạm tội để đấu tranh phòng và chống tội phạm xâm hại tình dục là vấn đề không riêng gì quốc gia nào.
Kết quả nghiên cứu về tội phạm xâm hại tình dục của các nhà nghiên cứu cho thấy có hai yếu tố thúc đẩy hành vi xâm hại tình dục mà yếu tố bệnh lý và vấn đề đạo đức.
Trong số các đối tượng thường xuyên thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với người khác, một phần đáng kể là do yếu tố bệnh lý, nhu cầu tình dục của đối tượng này lớn hơn rất nhiều so với những người bình thường, những ham muốn bản năng của “phần con” trong con người mạnh mẽ, trỗi dậy khiến người đó không kiểm soát được hành vi, lấn át vấn đề đạo đức để rồi thực hiện hành vi phạm tội.
Với những đối tượng này thì sau khi bị phát hiện, bị xử lý, bị phạt tù trở về và tình trạng bệnh lý không thay đổi không thuyên giảm, nguy cơ tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội là rất cao khi yếu tố bản năng tiếp tục chỗi dậy lấn át ý trí và đạo đức..
Bởi vậy, hiện nay đã có một số quốc gia trên thế giới xác định trong một số các vụ án xâm phạm tình dục, trường hợp do yếu tố bệnh lý dẫn đến thực hiện hành vi xâm hại tình dục thì đây được coi là người bệnh, sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà sẽ bị bắt buộc chữa bệnh. Sau khi chữa bệnh, yếu tố sinh lý trở lại bình thường kết hợp với việc giáo dục đạo đức thì con người đó sẽ không tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho cộng đồng, không còn nguy cơ xâm hại tình dục đối với người khác.
Do đó, nhiều nước trên thế giới như Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Israel, Kazakhstan, Na Uy, Mỹ và Thụy Điển đã hợp pháp hóa biện pháp tiêm triệt sản thiến hóa học bắt buộc với những phạm nhân xâm hại tình dục để hạ giảm libido cho những người này.
Khác với thiến kinh điển, các tuyến sinh dục được cắt bỏ qua việc mổ xẻ cơ thể, thiến hóa học không loại bỏ các cơ quan mà là cách thiến thông qua thuốc ức chế tình dục (anaphrodisiac drugs) để giảm ham muốn, giảm hoạt động tình dục.
Tiem “triet san” yeu rau xanh xam hai tre em: Dam o co so?-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường. 
Thiến hóa học được một số nhà khoa học thực nghiệm Mỹ sử dụng đầu tiên năm 1944 để quản lý những người mắc bệnh lý tình dục, với các dược phẩm là nội tiết tố progesterone, diethylstilbestrol. Đến thập niên 1960, thuốc được chọ dùng nhiều nhất là medroxyprogesterone acetate (MPA).
Hiện nay, khá nhiều thuốc được dùng trong thiến hóa học. Các thuốc này gồm các nhóm: (1) Thuốc kháng nội tiết nam (anti-androgen): Bicalutamide, Cyproterone, Flutamide, Medroxyprogesterone, Nilutamide; (2) Các đồng vận của GnRH (gonadotropin-releasing hormone): Goserelin, Histrelin, Leuprolide, Triptorelin; (3) Các chất họ hormone sinh dục nữ: Estradiol, Progesterone, Diethylstilbestrol…
Trong y học, thiến hóa học được sử dụng phổ biến để điều trị các loại ung thư phụ thuộc hormone (hormone-dependent cancer), như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, u xơ tử cung… Hiện nay, nhiều quốc gia dùng thiến hóa học làm hình phạt cho những kẻ phạm tội tình dục, hoặc để giảm án ngồi tù.
Ưu điểm lớn nhất của thiến hóa học là khả năng hồi phục sinh dục khi ngừng điều trị (reversible when treatment is discontinued). Khác hẳn với thiến phẫu thuật kinh điển, phạm nhân tội danh xâm hại tình dục sau khi mãn án có khả năng sinh và tình dục gần như trở lại bình thường như trước.
Cũng như thiến phẫu thuật, thiến hóa học cũng có một số tác dụng phụ, không mong muốn như hỏa bốc, bất lực, liệt dương, vú lớn, loãng xương, teo cơ, tăng trọng, thay đổi tính tình….
Ở Việt Nam, việc xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu..) do yêu tố bệnh lý về tình dục, nhu cầu tình dục quá lớn không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
Dù là xâm hại tình dục do ham muốn bản năng quá lớn hay do vấn đề đạo đức suy đồi thì đều chịu trách nhiệm pháp lý như nhau, điều này thể hiện sự bất bình đẳng giữa người có bệnh lý và người suy đồi về đạo đức.
Với người đạo đức suy đồi, văn hóa thấp kém, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, cần phải chịu chế tài của pháp luật, cần phải cải tạo, giáo dục để nâng cao ý thức đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng người khác.
Còn đối với người có bệnh lý, phạm tội do yếu tố sinh lý ham muốn bất thường, việc giáo dục trong trại giam, giáo dục về văn hóa, về đạo đức là không có nhiều tác dụng, với đối tượng này cần phải có sự can thiệp bằng y tế, có thể tiêm hoá chất để làm giảm lượng testosterone trong cơ thể, giảm ham muốn tình dục, để trở lại trạng thái cân bằng thì đồng thời nâng cao vấn đề đạo đức, văn hóa thì sẽ không trở thành đối tượng nguy hiểm cho xã hội.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, một người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ phải chịu chế tài. Hiện nay pháp luật Việt Nam quy định hai loại chế tài là chế tài hành chính và chế tài hình sự ngoài ra còn có các biện pháp hành chính để thực hiện các giải pháp phòng ngừa.
Tuy nhiên, trong tất cả các loại chế tài và các biện pháp hành chính mà hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đã quy định thì không có biện pháp “thiến hóa học”, không quy định bắt buộc chữa bệnh đối với người có hành vi xâm hại tình dục, nói cách khác người xâm hại tình dục không được coi là người bệnh, nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm thì sẽ xử lý hình sự, nếu không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính.
Cùng với sự phát triển của xã hội, phát triển của khoa học pháp lý, tâm lý học, y học, việc quy định, phân loại đối tượng phạm tội do yêu tố bệnh lý là cần thiết để làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, tìm ra nguyên căn và triệt tận gốc nguyên nhân, điều kiện phạm tội thì mới đảm bảo thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, mới đảm bảo công bằng trong việc áp dụng pháp luật.
Bởi vậy, Luật sư Cường nêu quan điểm, cần phải nghiên cứu và bổ sung biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh đối với những người có ham muốn tình dục bất thường, có nhu cầu tình dục quá lớn dẫn đến việc mất kiểm soát về hành vi, lấn át đạo đức, lý trí nên đã thực hiện hành vi phạm tội.
Với nhóm đối tượng này cần bắt buộc chữa bệnh, sau đó có thể áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự ở mức độ nhất định nhằm cải tạo giáo dục chứ không nên đánh đồng người có bệnh lý với người suy thoái về đạo đức.
Về bản chất thì yếu tố bệnh lý là yếu tố khách quan ngoài sự mong muốn của con người còn yếu tố đạo đức, văn hóa, nhận thức là yêu tố chủ quan, yếu tố có sự tác động bởi ý chí của con người nên cách thức giải quyết đối với hai yếu tố này phải khác nhau, không thể đánh đồng bằng các chế tài hình sự như hiện nay.
Hy vọng thời gian tới khi sửa đổi các quy định của luật xử lý vi phạm hành chính, bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan, biện pháp thiến hóa học, bắt buộc chữa bệnh đối với tội phạm xâm hại tình dục sẽ được quy định, được luật hóa để thực hiện tốt giải pháp phòng ngừa và đảm bảo xử lý đối với các hành vi vi phạm một cách công bằng nhất.
>>> Mời độc giả xem video Làm thế nào giúp trẻ chống xâm hại tình dục?:

Nguồn: VTC Now.

Hải Ninh