Thuỷ ngân Công ty Rạng Đông phát tán ra môi trường: Bộ TN&MT cũng vô cảm?

Google News

(Kiến Thức) - Sau một tuần xảy ra vụ cháy, lãnh đạo Bộ TN&MT đã công bố thông tin về lượng thủy ngân phát tán ra môi trường. Dư luận đặt câu hỏi, việc công bố chậm trễ này Bộ TN&MT có vô cảm khi trong thời gian ấy, người dân đã “hưởng” đủ hóa chất độc hại nếu bị phát tán.

Ngày 4/9, sau một tuần xảy ra vụ cháy, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân mới công bố một thông tin gây sốc khi có đến 15,1-27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường sau vụ cháy công ty Rạng Đông. Vùng có nguy cơ ô nhiễm ở phạm vi 500m tính từ hàng rào nhà máy Rạng Đông.
Dư luận đặt ra câu hỏi, trong những cơ quan được đánh giá là vô cảm sau vụ cháy Công ty Rạng Đông ngoài UBND quận Thanh Xuân, UBND TP Hà Nội còn có cả Bộ TN&MT. Bởi gần 1 tuần sau khi xảy ra vụ cháy, thông tin về khối lượng thủy ngân phát tán mới được Bộ này công bố, trong khi đó, thời gian trên, do thiếu thông tin,chủ quan ấy, các công nhân làm việc và người dân quanh khu vực đã phải hít những chất kịch độc.
Trao đổi với PV Kiến Thức về trách nhiệm của Bộ TN&MT liên quan vụ cháy Công ty Rạng Đông khiến môi trường có nguy cơ ô nhiễm, người dân có nguy cơ bị nhiễm độc thủy ngân, Đại biểu Phạm Văn Hòa Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Bộ TN&MT chỉ có trách nhiệm khi nhận được báo cáo từ Sở TN&MT TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội mà chậm trễ vào cuộc, chậm công bố lượng thủy ngân phát tán ra môi trường.
Bởi theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trách nhiệm trong xử lý sau vụ cháy Công ty Rạng Đông trước hết thuộc về UBND TP Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân.
Thuy ngan Cong ty Rang Dong phat tan ra moi truong: Bo TN&MT cung vo cam?
 Hiện trường vụ cháy.
“Sau khi xảy ra vụ cháy, biết rằng công ty Rạng Đông có những hóa chất độc hại như thủy ngân có thể phát tán ra môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Lẽ ra UBND TP Hà Nội với trách nhiệm của mình cần chỉ đạo giám sát, kiểm tra, quan trắc, xét nghiệm, công bố thông tin cảnh báo. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội lại chậm trễ vào cuộc đến nay vẫn chưa đưa ra khuyến cáo cần thiết cho người dân thì rõ ràng là vô cảm” - Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trong trường hợp xét thấy ngoài khả năng, UBND TP Hà Nội cần báo cáo lên Bộ TN&MT để Bộ này vào cuộc.
“Do vậy, nếu cho rằng Bộ TN&MT có trách nhiệm thì chưa hẳn đã đúng bởi sau khi vụ cháy xảy ra, Sở TN&MT TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội có báo cáo cho Bộ TN&MT kịp thời hay không. Bởi ở đây có sự phân cấp quản lý. Trách nhiệm của Sở TN&MT trong việc này họ làm được. Nếu ngoài khả năng phải báo cáo lên Bộ để chỉ đạo Tổng cục Môi trường vào cuộc, cử người, trang thiết bị đến thực hiện việc đó. Nếu UBND TP Hà Nội có báo cáo mà Bộ TN&MT chậm trễ vào cuộc thì Bộ này phải chịu trách nhiệm liên đới” - ông Phạm Văn Hòa cho biết.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá, sự vào cuộc của UBND quận Thanh Xuân và UBND TP Hà Nội là rất chậm trễ.
“Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giao cho mình, khi xảy ra sự việc như vậy, biết nhà máy có hóa chất độc hại, ngoài khả năng của Phòng TN&MT, UBND quận Thanh Xuân thì phải báo cáo ngay Sở TN&MT. Tuy nhiên, sự vào cuộc chậm trễ, đến nay chưa đưa ra khuyến cáo chính thức về môi trường đối với người dân thì là vô cảm” - ông Hòa cho hay.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, ông rất hoan nghênh UBND phường Hạ Đình ra cảnh báo, khuyến cáo người biết để có biện pháp phòng tránh nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại. Điều này chứng tỏ UBND phường Hạ Đình rất có trách nhiệm và đáng được tuyên dương chứ không phải là bị kiểm điểm.
“Đáng bị kiểm điểm, thậm chí bị kỷ luật là UBND quận Thanh Xuân. Bởi họ không kịp thời cảnh báo cho người dân, còn cung cấp những thông tin thiếu cơ sở, không đúng thực tế. Nếu người dân chủ quan, vụ cháy gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì ai chịu trách nhiệm?” - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Vụ cháy công ty Rạng Đông không chỉ gây thiệt hại về tài sản lên đến 150 tỷ đồng mà gây nguy cơ nhiễm độc thủy ngân khi có đến 15,1-27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường sau vụ cháy. Vùng có nguy cơ ô nhiễm ở phạm vi 500m tính từ hàng rào nhà máy Rạng Đông. Đáng chú ý, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong hơn 100 người đến xét nghiệm, đã có 82 trường hợp nhiễm thủy ngân nhưng ở trong mức độ cho phép.
Vụ cháy công ty Rạng Đông không chỉ một sự cố cháy nổ thông thường mà còn là một sự cố nghiêm trọng về môi trường. Dù thảm họa môi trường sau vụ cháy có thể khắc phục nhưng một thảm họa khác khiến người dân lo lắng hơn nguy cơ nhiễm độc thủy ngân. Đó chính là sự vô cảm của công ty Rạng Đông, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan có trách nhiệm.
Công ty Rạng Đông dù thừa biết khối lượng thủy ngân phát tán ra môi trường khi xảy ra vụ cháy nhưng không có bất cứ một khuyến cáo nào để bảo vệ cán bộ công nhân viên, lực lượng phòng cháy chữa cháy, người dân quanh khu vực xảy ra vụ cháy. Ngoài ra còn dối trá khi thông báo rằng: “Các khí thải không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người”.
Trong đó, UBND quận Thanh Xuân không chỉ “dối trá” khi ban hành thông báo môi trường an toàn sau khi xảy ra vụ cháy trong khi thực tế có đến 27,2 kg thủy ngân được phát tán ra môi trường mà còn ở sự vô cảm khi yêu cầu UBND phường Hạ Đình thu hồi khuyến cáo người dân trước nguy cơ nhiễm độc thủy ngân, thậm chí, còn kiểm điểm người ban hành văn bản cảnh báo.
UBND TP Hà Nội cũng được cho là vô cảm khi 8 ngày sau khi xảy ra vụ cháy, mới họp khẩn và ban hành các văn bản khắc phục sự cố môi trường, yêu cầu xác định chính xác số thủy ngân trong sản phẩm đã bị cháy để công bố công khai, minh bạch.
Sự vô cảm còn được cho ở chính Bộ TN&MT khi một tuần sau khi xảy ra vụ cháy, Thứ trưởng Bộ TNMT mới công bố thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ về việc có đến 27,2kg hóa chất được phát tán ra ngoài và công bố vùng có nguy cơ ô nhiễm ở phạm vi 500m tính từ hàng rào nhà máy Rạng Đông. Bởi sau gần 1 tuần mới công bố thì người dân đã “hưởng” đủ, thậm chí đã nhiễm độc thủy ngân.
Đáng chú ý đến nay, hóa chất kịch độc là thủy ngân đã được phát tán ra môi trường có thể ảnh hưởng tới hàng nghìn người mà hơn một tuần trôi qua vẫn không có khuyến cáo chính thức từ các cấp chính quyền địa phương ngoại trừ khuyến cáo đã bị thu hồi của UBND phường Hạ Đình. Việc chậm trễ khuyến cáo khiến người dân chủ quan bên cạnh số khác hoang mang tột cùng. Một tuần qua, trong sự chủ quan ấy do thiếu thông tin ấy, các công nhân làm việc và người dân quanh khu vực đã phải hít những chất kịch độc.
Hải Ninh