Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ: Nơi nào ngập sâu?

Google News

(Kiến Thức) - Bốn tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum vừa được yêu cầu thực hiện ngay các nhiệm vụ chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân khi nước sông đang lên nhanh, các hồ chứa đang xả lũ.

Chiều 28/10, Công ty CP Thủy điện Đăk Mi thông báo vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4, tăng lưu lượng xả tràn lần 2. Đáng chú ý, lưu lượng xả dự kiến lên 11.400 m3/s.
Thời điểm đó, lưu lượng thủy điện Đăk Mi 4 xả xuống hạ du là 5.100 m3/s. Dù đến tối cùng ngày, mức xả giảm xuống còn xuống còn 4.000m3/s nhưng nhiều vùng hạ du trên địa bàn Quảng Nam bị nước lũ lên nhanh, nhiều người dân chạy ngập trong đêm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trường hợp thủy điện Đăk Mi 4 xả xuống hạ lưu với mức dự kiến 11.400 m3/s, từ 6 đến 12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng tăng lên mức 11,2 m- trên báo động 3 là 2,2 m. Mức này vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43 m.
Thuy dien Dak Mi 4 xa lu: Noi nao ngap sau?
Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ, nhiều địa phương có nguy cơ ngập sâu. 
Đồng thời đưa ra cảnh báo nguy cơ cao gây ngập lụt sâu trên nhiều vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An và TP Đà Nẵng. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét sạt lở đất là cấp 4.
Nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ, ông Nguyễn Hữu Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đại Lộc, Quảng Nam cho biết, thời điểm tối 28/10, mực nước sông Vu Gia lúc này là 9,03m, trên mức báo động 3 là 0,03m. Tại khu vực các xã miền núi như Đại Lãnh, Đại Hồng nước dâng nhanh.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ lụt, huyện Đại Lộc đã sớm lậ phương án và triển khai công tác phòng chống lụt bão. Người dân huyện Đại Lộc khẩn trương chạy ngập, dọn đồ lên khu vực cao hơn để tránh lũ. Tuy nhiên, do địa bàn huyện bị cúp điện, việc di chuyển đồ đạc cũng như nắm bắt thông tin về tình hình lũ lụt của người dân gặp khó khăn.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đại Lộc đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ". Huyện Đại Lộc đối diện với nguy cơ ngập sâu do tình trạng xả lũ của các hồ thủy điện trên thượng nguồn khiến người dân lo lắng.
Ngày 29/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã ký công điện hỏa tốc gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, yêu cầu thực hiện ngay các nhiệm vụ chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân khi nước sông đang lên nhanh, các hồ chứa đang xả lũ.
Công văn nêu rõ, bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước các sông đang lên nhanh, các hồ chứa đang xả lũ; mực nước sông Trà Khúc, Vệ, Đăkbla có khả năng lên mức trên báo động 3 từ 1-2m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên trên BĐ3: 2,2m (vượt mức lịch sử năm 2009: 0,4m).
Thuy dien Dak Mi 4 xa lu: Noi nao ngap sau?-Hinh-2
 Người dân huyện Đại Lộc sáng tất tả tránh bão, chiều vội vã chạy lũ. Ảnh: Quảng Nam Online.
Theo đó, 4 tỉnh, thành phố trên được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ. Thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh.
Chủ động tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt đến nơi an toàn; chỉ cho người dân quay về khi đã an toàn. Đảm bảo lương thực, an ninh, trật tự nơi sơ tán.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông; các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Thường trực, vận hành hồ đập theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn theo cấp báo động; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Trao đổi với báo chí ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương cho biết, sau bão số 9 có 3 nguy cơ. Trong đó, lưu vực các tỉnh này đã đầy ắp nước, nhiều lưu vực đến báo động 3, thậm chí là báo động lịch sử.
Hàng loạt thủy điện cùng xả lũ
Ngoài thủy điện Đăk Mi 4, thời điểm 17h ngày 28/10, thủy điện A Vương cũng đang xả xuống hạ du hơn 300 m3/giây. Lưu lượng nước về sông Vu Gia lên đến gần 7.400 m3/giây.
Công ty cổ phần Thủy điện Hương Sơn (Hà Tĩnh) ra thông báo về việc điều tiết hồ chứa thủy điện Hương Sơn. Theo đó, Công ty CP Thủy điện Hương Sơn sẽ tiến hành xả lũ qua các cửa van đập tràn từ 10 đến 60m3/giây, nước qua các tổ máy phát điện 8,7 m3/s. Thời gian xả lũ bắt đầu từ 13 giờ ngày 29/10/2020. Quan trắc hồ chứa Thủy điện Hương Sơn vào lúc 7h sáng nay mực nước hồ Thủy điện Hương Sơn đang ở cao trình 803,68m so với mực nước biển và vẫn đang lên.
Ngoài ra, lúc 7h sáng nay 29/10, mực nước hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên) đạt 29,28m. Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đang điều tiết lũ qua tràn với lưu lượng xả là 30m3/s.
Tại Thủy điện Hố Hô (Hương Khê) lúc 7h sáng nay có lưu lượng xả qua tràn là 773m3/s, qua tổ máy phát điện 33m3/s.
Từ 15h ngày 28/10, Thủy điện Quảng Trị xả lũ. Đây là lần thứ 2 trong gần 20 ngày qua, thủy điện Quảng Trị tiến hành xả lũ với lưu lượng thông báo là 40m3/s trong bối cảnh mưa lũ liên tiếp kéo dài từ ngày 6 đến 21/10. Công ty Thủy điện Quảng Trị đề nghị UBND 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông thông báo cho UBND các xã, thôn và người dân sống dọc sông Rào Quán biết để phòng tránh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Diễn biến vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3

Nguồn: VTV1

Hải Ninh