Cần hỗ trợ DN, tuyên truyền để hạn chế rút bảo hiểm
Góp ý vào báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022), chiều 15/12, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận thấy, báo cáo nêu kiến nghị của nhân dân khá đầy đủ, nhưng cần bổ sung thêm mảng của doanh nghiệp.
Ông cho biết, trong tháng 10, 11, tinh hình doanh nghiệp thiếu vốn trên các thị trường chứng khoán, ngân hàng, bất động sản và đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết tình hình. Chứng khoán thời điểm đó cũng xuống dưới 1 nghìn điểm, trái phiếu doanh nghiệp đang thắt chặt, bất động sản thì bán tháo. Đây là những vấn đề vừa qua Chính phủ cũng có giải quyết, Ngân hàng Nhà nước cũng nới room tín dụng 1,5-2%...
“Nếu tình trạng này kéo dài thì một số doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, có thể dẫn đến phá sản” – ông Vũ Hồng Thanh nói.
Báo cáo về tình hình rút BHXH một lần, ông Chu Mạnh Sinh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thông tin, giai đoạn 2016-2021 toàn quốc có trên 4 triệu người giải quyết rút BHXH một lần, chưa tính người lao động của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết và số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước, với tốc độ trung bình tăng khoảng 11,6%. Số người hưởng BHXH theo điều kiện ngừng đóng BHXH sau 1 năm, chiếm 98,8% tổng số người hưởng BHXH một lần; số người hưởng theo điều kiện khác chiếm ít hơn.
Nguyên nhân được cho là do các chính sách hưởng BHXH một lần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động; đồng thời do tác động tiêu cực của dịch bệnh hơn 2 năm qua khiến đời sống của người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp chỉ còn trông chờ vào rút số tiền này để trang trải cuộc sống.
“So với bình quân các năm thì năm 2022 ước tăng 3,7%, không phải bất thường” – ông Sinh nói.
Việc rút tăng liên quan mật thiết phát triển KT-XH, vì vậy, thời gian tới Nhà nước cần giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thu nhập, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Đồng thời khi sửa luật BHXH, tăng quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia BHXH chưa được hưởng 1 lần, giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội hưởng lương hưu.
Nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, ông Chu Mạnh Sinh cho biết số người tham gia bảo hiểm sau khi được vận động tại bộ phận một cửa là hơn 15.000 người. Như vậy, việc thuyết phục rất hiệu quả.
Tuy vậy, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, qua giám sát cho thấy số lượng rút BHXH năm sau cao hơn năm trước và dao động ở mức 5% số người đóng BHXH.
“Trong cả giai đoạn 2016 -2021 có 4,06 triệu lượt người rút, trong khi đó phát triển thêm chỉ 4,23 triệu, đó cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Ngoài ra, số người tái tham gia là 140.000 người, chỉ 3,5% trong tổng số người hưởng BHXH một lần. Tình trạng này tăng dần hàng năm nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu giải quyết” – bà Nguyễn Thuý Anh phân tích.
Triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm
Báo cáo công tác dân nguyện lưu ý trường hợp sử dụng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết tranh chấp đất tại xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết, ở địa bàn này nổi lên tình trạng tranh chấp đất đai. Nguồn gốc đất ở Phú Quốc phức tạp, rất khó xác định giữa các hộ dân, giữa công ty nông lâm trường; tình trạng mua bán trao tay giữa các hộ dân với nhau nên quản lý đất đai phức tạp.
Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Kiên Giang, xác định 31 nhóm thường xuyên có hoạt động theo kiểu ổ nhóm, băng nhóm. Vụ việc xảy ra ở Phú Quốc, Bộ đã chỉ đạo Cục hình sự và Công an tỉnh Kiên Giang tập trung điều tra khám phá, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tập trung xác định rõ các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, 11 tháng, toàn quốc xảy ra hơn 39,7 nghìn vụ phạm pháp hình sự, giảm 14% so với năm 2019 (trước thời kỳ diễn ra dịch Covid – 19).
Công an các địa phương tập trung đấu tranh, triệt phá hơn 590 băng nhóm tội phạm trật tự xã hội, so với mốc 2019 cũng giảm hơn 54%...
Ông Lê Văn Tuyến cũng dẫn báo cáo phản ánh một số kiến nghị, dư luận cử tri liên quan đến tình trạng sử dụng chất ma tuý trong các trường học; các loại tiền chất ma túy, ma túy tổng hợp pha trộn bánh kẹo, nước trái cây, thuốc lá điện tử…
Bộ Công an đã ký quy chế phối hợp với Bộ GD&ĐT năm 2022 để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức chấp hành tham gia giao thông, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về các loại chất ma tuý để chủ động phòng ngừa.
Thời gian qua, các loại tiền chất ma tuý có nhiều loại mới được các đối tượng sử dụng. Bộ Công an đang chỉ đạo công an các địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo ANTT dịp trước, trong, sau Tết để đảm bảo an ninh, phục vụ nhân dân đón Tết an toàn...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, tình trạng thuốc lá điện tử, chất ma tuý “tràn” vào trường học qua bánh kẹo, nước giải khát là nghiêm trọng. Do đó, bà đề nghị Bộ Công an, Bộ GD-ĐT có giải pháp quyết liệt hơn, nếu không không giải quyết sớm có thể gây hậu quả lớn.
Bên cạnh đó cần quan tâm hơn vấn đề an toàn thực phẩm ở trường học, bếp ăn tập thể, ăn bán trú vì vừa qua xảy ra nhiều vụ việc, có trường hợp tử vong.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh cần quan tâm, đảm bảo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến; có chính sách, biện pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó cần có giải pháp quyết liệt xử lý tình trạng tiền chất ma tuý xâm nhập trường học; tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn.
Về vấn đề rút BHXH môt lần, ông Trần Quang Phương lưu ý chiều hướng tăng nên “nói không bất thường là không đúng, cần có giải pháp để xử lý hiệu quả”./.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN