Thượng uý tát nhân viên trạm Hải Đăng có bị giáng cấp thiếu uý, như đại uý Hiền?

Google News

(Kiến Thức) - Từ tư thế ngồi đến cách hành xử nơi công cộng cho thấy hành vi của thượng úy Nguyễn Xô Việt là thể hiện tính chất côn đồ, hung hãn, coi thường người khác. Nếu đại úy Lê Thị Hiền đáng trách thì hành vi của thượng úy gây bức xúc nhiều lần.

Vụ việc Thượng uý Nguyễn Xô Việt – công tác tại Công an Thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) ném xúc xích vào mặt nữ nhân viên, tát một nam nhân viên khác tại trạm dừng nghỉ Hải Đăng khiến dư luận bức xúc mấy ngày nay.
Đáng chú ý, vụ việc trên xảy ra khi các cơ quan chức năng đang tiến hành xử lý vụ việc nữ đại úy Lê Thị Hiền (cán bộ Đội CSGT-TT-CĐ thuộc công an quận Đống Đa, Hà Nội) lăng mạ nhân viên hàng không, gây rối ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Hiện nữ đại úy Lê Thị Hiền đang bị xem xét hạ hai cấp bậc hàm do hành vi đã gây ra. Tuy nhiên, tấm gương của nữ đại úy Lê Thị Hiền đã không thể khiến nam thượng úy tát nhân viên trạm dừng Hải Đăng nhìn vào đó mà rút kinh nghiệm. Thế nên hành vi của nam thượng úy còn đáng lên án gấp nhiều lần so với nữ đại úy Lê Thị Hiền.
Dư luận đặt câu hỏi, với hành vi vi phạm quy tắc ứng xử của cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân tương tự, thượng uý tát người có bị giáng cấp thiếu uý, như đại uý Hiền?
Thuong uy tat nhan vien tram Hai Dang co bi giang cap thieu uy, nhu dai uy Hien?
 Nếu đại úy Lê Thị Hiền đáng lên án thì hành vi của thượng úy đáng lên án gấp nhiều lần. 
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, sau vụ việc nữ đại úy Lê Thị Hiền gây lao động sân bay thì vụ cách hành xử thiếu văn hoá của Thượng úy Nguyễn Xô Việt với nhân viên trạm dừng nghỉ khiến người dân sốc.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, với nữ đại úy Lê Thị Hiền thì hành vi "ăn vạ" là đáng trách, đáng lên án, bản thân Hiền cũng chưa từng vi phạm, lại là nữ cho nên có thể mức kỷ luật có tính chất khoan hồng hơn, có cơ hội cho Hiền tu dưỡng rèn luyện, chuộc lại lỗi lầm.
Tuy nhiên, hành vi của thượng úy Nguyễn Xô Việt là thể hiện tính chất côn đồ, hung hãn, coi thường người khác, hoàn toàn không phù hợp với đạo đức, tác phong của cán bộ công an nhân dân, của đảng viên đối với quần chúng nhân dân.
“Hành động của thượng úy Nguyễn Xô Việt không đơn giản như “ăn vạ” của nữ đại uý Hiền mà là hành vi “ăn quỵt” - Muốn ăn nhưng không muốn trả tiền, lại còn thách thức, chửi mắng nhân viên bán hàng...Hành vi này là thể hiện sự thấp kém về nhân cách, thêm vào đó khi được nhắc nhở thì lại còn ném xúc xích vào mặt nhân viên rồi tát thẳng vào mặt một nam nhân viên khác. Hành động có thể cho thấy sự hung hăng, côn đồ cao độ. Bởi vậy, cần phải áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc hơn rất nhiều đối với người đàn ông này”, Luật sư Cường cho biết.
Luật sư Cường nói rằng, ông quan sát clip ghi lại vụ việc Thượng uý tát nhân viên trạm Hải Đăng rất kỹ và thấy, ở đó có rất nhiều bàn ghế để cho khách hàng ngồi ăn uống, mọi người đều ngồi ở bàn còn riêng Thượng úy Việt thì trèo tót lên con bò cảnh để ngồi trên đó dù chỗ đó không phải chỗ để ngồi.
“Cái tư thế ngồi của thượng úy này làm nhiều người nghĩ đến tư thế ngồi thiếu văn hóa, vô học như của nhân vật Mã Giám Sinh trong Truyện Kiều: “...ghế trên ngồi tót sỗ sàng”... Với tư thế ngồi khác người nơi công cộng như vậy và thái độ chỉ tay cho thấy một sự hung hăng, hống hách, thái độ hoàn toàn không chuẩn mực. Nhìn hình ảnh, chứng kiến thái độ như vậy có lẽ sẽ không ai nghĩ và tin rằng đó là một người cán bộ công an nhân dân, người được rèn luyện, đào tạo, học tập, tu dưỡng thường xuyên trong môi trường chuẩn tắc. Qua hành vi đó có thể phần nào đánh giá được bản tính và nhân cách của người đàn ông này”, Luật sư Cường nêu ý kiến.
Đồng thời, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, để có đánh giá chính xác về phẩm chất, đạo đức thì cũng cần xem xét đến quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cán bộ công an này, quá trình giao tiếp, ứng xử với gia đình, đồng nghiệp và với nhân dân trong thời gian trước đây.
“Nếu trước đó đã từng có những vi phạm, thái độ, hành vi ứng xử không tốt đối với các đồng nghiệp, gia đình và nơi cư trú địa phương thì cũng cần có hình xử lý kỷ luật nghiêm khắc, cần xem xét lại con người này còn đủ phẩm chất để đứng trong hàng ngũ công an nhân dân hay không”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Ngoài ra, theo Luật sư Cường, hành vi này còn là hành vi của người cha trước mặt đứa trẻ, tiêm nhiễm, nhồi nhét vào đầu đứa trẻ thái độ hách dịch, cửa quyền, coi thường người khác và tính côn đồ như vậy thì rất nguy hiểm.
“Có thể chính đứa trẻ này sẽ là nạn nhân, sẽ học theo, làm theo hành vi ứng xử của người đàn ông này, hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở đây mà còn có thể gây nhiều hệ lụy xấu trong tương lai. Bởi vậy, cần xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với người đàn ông này để làm gương cho những người khác, làm trong sạch hàng ngũ công an nhân dân và phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn cho xã hội”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Liên quan vụ việc trên, ngày 13/11, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị trong ngành chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ cũng cho biết, ông đã chỉ đạo với quan điểm là phải xử lý nghiêm nếu xác định đúng vi phạm.
>>> Clip ghi lại vụ việc Thượng uý công an tát nhân viên trạm Hải Đăng:
  
Tâm Đức